10 năm thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp

Điểm tựa của người lao động

Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa tổ chức hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm (BH) thất nghiệp. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện BH thất nghiệp cũng còn không ít những hạn chế, vướng mắc.

Người lao động đến trung tâm hỗ trợ việc làm giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động đến trung tâm hỗ trợ việc làm giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Gần 5 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Số lượng người tham gia và đóng BH thất nghiệp liên tục tăng qua các năm và bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao: Nếu năm 2009 mới chỉ có 5.993.300 người tham gia BH thất nghiệp thì năm 2015 (năm đầu tiên Luật Việc làm có hiệu lực) đã có 10.308.180 người tham gia và tính đến nay con số này là gần 13 triệu người tham gia - vượt so với dự kiến. Bên cạnh đó, tổng số tiền thu BH thất nghiệp không ngừng tăng qua các năm. Tính đến thời điểm năm 2018, bình quân tiền đóng BH thất nghiệp hằng tháng của người lao động (NLĐ) là 4.937.117 đồng, tăng 9,94% so bình quân tiền đóng năm 2017, tổng số tiền đóng BH thất nghiệp năm 2018 là 15.531 tỷ đồng.

Công tác tư vấn, giới thiệu học nghề, hỗ trợ việc làm cũng được chú trọng. Năm 2010 chỉ có 125.562 lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm thì đến năm 2018 con số này là 1.390.429 lượt người; Năm 2010 chỉ có 270 người được hỗ trợ học nghề thì đến năm 2018 con số này là 37.977 người. Hiện tại, hơn 180.000 người đã được hỗ trợ học nghề.

Do số người được hưởng các chế độ BH thất nghiệp tăng dẫn đến tổng tiền chi cho các chế độ BH thất nghiệp tăng: năm 2015 tổng chi các chế độ BH thất nghiệp là 4.882,9 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2018 là 9.722 tỷ đồng. Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, ước kết dư quỹ BH thất nghiệp đến cuối năm 2018 là 79.073 tỷ đồng, dự báo đến năm 2020, quỹ BH thất nghiệp vẫn bảo đảm an toàn.

Chính sách BH thất nghiệp đã đi vào cuộc sống, hỗ trợ người sử dụng lao động và NLĐ, thật sự là điểm tựa của cả NLĐ và người sử dụng lao động; việc thực hiện bảo đảm nguyên tắc chia sẻ, đóng - hưởng và an toàn quỹ. Đối với doanh nghiệp, khi tham gia BHTN thì được hỗ trợ rất nhiều. Thứ nhất, không phải chi trả khoản TCTN, trợ cấp mất việc làm cho NLĐ trong thời gian tham gia; thứ hai là được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng duy trì việc làm; thứ ba là được các trung tâm dịch vụ việc làm cung cấp các thông tin về thị trường lao động, hỗ trợ các hoạt động.

Đối với NLĐ, khi tham gia BH thất nghiệp được hưởng cả bốn chế độ, hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm và trợ cấp thất nghiệp; đồng thời NLĐ còn được bảo hiểm y tế cũng như các dịch vụ miễn phí do trung tâm dịch vụ việc làm cung cấp.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Đánh giá về việc thực hiện chính sách BH thất nghiệp trong 10 năm qua, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng LĐ-TB&XH cho rằng, chính sách BH thất nghiệp đã đi vào cuộc sống, hỗ trợ người sử dụng lao động và NLĐ, thật sự là điểm tựa của cả NLĐ và người sử dụng lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Việc thực hiện BH thất nghiệp bảo đảm nguyên tắc chia sẻ, đóng - hưởng và an toàn Quỹ, thể hiện sự hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp (DN), giữa DN lớn và DN nhỏ; chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau giữa những NLĐ, giữa người có nguy cơ mất việc làm thấp với người có nguy cơ mất việc làm cao, thể hiện tính nhân văn và thúc đẩy gắn kết xã hội.

Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện BH thất nghiệp cũng còn không ít những hạn chế, vướng mắc. Đó là chính sách BH thất nghiệp vẫn nặng về giải quyết hậu quả mà nhẹ về giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu việc sa thải hoặc duy trì việc làm cho NLĐ. “Khi NLĐ thất nghiệp, chúng ta giải quyết trợ cấp thất nghiệp, tư vấn đào tạo, giới thiệu việc làm nhưng chính sách hỗ trợ DN để duy trì việc làm đã có nhưng thiết kế quá khắt khe, thành ra hầu như chưa có doanh nghiệp nào nhận được hỗ trợ từ Quỹ BH thất nghiệp. Chính sách BH thất nghiệp cũng chưa thiết kế đầy đủ các chính sách và vì thế kết dư của Quỹ còn khá cao. BH thất nghiệp cũng chưa thật sự hỗ trợ được việc thực hiện các chính sách khác, vẫn còn những hạn chế về tổ chức bộ máy thực hiện chính sách BH thất nghiệp cả về tài chính và cán bộ…”, ông Doãn Mậu Diệp đánh giá.

Theo báo cáo tại hội nghị, giai đoạn đến năm 2021 chúng ta phấn đấu đạt khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp, tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Giai đoạn đến năm 2025 phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp; Giai đoạn đến năm 2031 phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách BH thất nghiệp tại Luật Việc làm vào năm 2021- 2022 theo hướng hỗ trợ DN và NLĐ duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của DN và NLĐ, khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi BH thất nghiệp; hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện BH thất nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BH thất nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện BH thất nghiệp; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BH thất nghiệp; tăng cường hợp tác liên ngành, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BH thất nghiệp...