Địa Linh... “sinh” ông Táo

Từ ngôi làng Địa Linh, hàng vạn tượng ông Công ông Táo vượt nhiều cây số đến từng nhà trong mỗi dịp cuối năm. Vị thần cai quản bếp núc được ra đời ở “mảnh đất thiêng” phục vụ phong tục tiễn, đón ông Công ông Táo vào dịp 23 tháng Chạp.

Ông Võ Văn Nhật chuẩn bị đưa sản phẩm đi sấy.
Ông Võ Văn Nhật chuẩn bị đưa sản phẩm đi sấy.

“Cái nôi” của tượng ông Táo

23 tháng Chạp hàng năm. Dù phong tục mỗi nơi mỗi khác, hầu như người dân trên mảnh đất hình chữ S này đều thực hiện một việc giống nhau: Tiễn vị thần bếp lên chầu trời để báo cáo mọi việc sau một năm, đón ông Công ông Táo mới.

Vẽ nên nét đẹp văn hóa của người Việt Nam này, ở cố đô Huế, có ngôi làng hình thành vào khoảng thế kỷ 15, từ bao đời nay, người dân cần mẫn nặn tượng ông Công ông Táo. Cha truyền con nối, lưu giữ nghề truyền thống ông cha. Làng Địa Linh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế nằm dọc hai bên tỉnh lộ 4, nơi từng là cửa ngõ thông thương giữa phố Thanh Hà và Bao Vinh. Ở gần cạnh sông Hương, Địa Linh là ngôi làng duy nhất ở Thừa Thiên Huế còn làm nghề nặn tượng ông Táo. Mỗi dịp 23 tháng Chạp, người ta nghĩ đến ngay ngôi làng này, nơi sản sinh ra hàng vạn ông Táo.

Mỗi tờ lịch treo tường được xé, điểm báo cái Tết đang đến gần, các lò nung tượng ông Táo càng hoạt động hết công suất để hàng vạn tượng ông Táo ra lò, đi khắp nơi trong tỉnh cũng như các tỉnh thành phục vụ Tết ông Táo. Những ngày đầu tháng Chạp, hai bên đường ở làng Địa Linh có hàng nghìn ông Táo nằm “tắm nắng”. Bước vào các tháng cuối năm, người dân làm tượng ông Táo bận rộn với nghề truyền thống này.

Bên trong ngôi nhà của mình, ở tuổi 64, ông Võ Văn Nhật ngày đêm “biến đất thành cơm”, cần mẫn gõ gõ, nung tượng ông Táo. Tiếp xúc với thứ đất từ ngày bé, cuộc sống ông Nhật gắn liền với đất sét được lấy sau cánh đồng làng. Đến tuổi kiếm cái nghề mưu sinh, ông Nhật chọn ngay nghề của cha ông để vừa kiếm kế sinh nhai, vừa giữ nghề truyền thống của ông cha. Ngồi bên những dãy tượng ông Táo vừa được rời khuôn, ông Nhật thoăn thoắt lấy đất bỏ vào khuôn gỗ. Dùng nề - lưỡi dao làm bằng dây phanh xe tải - gạt phần đất thừa. Nếu có chỗ bị lõm, thêm ít đất vào. Gõ gõ mạnh vào khúc gỗ phẳng. Một tượng ông Công ông Táo thành hình. Nhanh tay lấy ít tro rắc vào khuôn gỗ để ông Táo tiếp theo không bị dính. Một ngày trôi qua, ông Nhật tạo ra được hơn 300 tượng ông Táo. Cứ thế, một năm hàng vạn ông Táo ra đời.

Đôi tay ông Nhật hoạt động như cái máy, minh chứng cho sự cần cù và tay nghề người thợ làm ông Táo. Ông Nhật thổ lộ: “Để làm ra tượng ông Táo đẹp và bền, quan trọng và cũng vất vả nhất chính là khâu làm đất sét và đúc. Chúng tôi phải chọn loại đất sét vàng, ít tạp chất. Sau đó, nhào đất chín. Khi nhồi vào khuôn, ép chặt nếu không tượng sau này bị méo. Loại tro cũng phải có yêu cầu. Đó là loại tro phải trắng để sản phẩm tượng đẹp hơn”.

Như khẳng định cho cái tên làng, tượng ông Táo lấy đất từ cánh đồng màu mỡ phía sau làng. Theo các cụ cao niên trong làng, xưa làng này nổi tiếng có đất sét dồi dào, chất lượng. Vào thời Nguyễn, nơi đây được chọn đặt “Nê ngõa tượng cục” chuyên làm gạch, ngói phục vụ xây lăng tẩm cho các vua quan ở Huế. Cái nghề làm tượng ông Táo hình thành từ đó. Để có đất làm tượng, ăn Tết xong, từ tháng 3 Âm lịch, người dân chuẩn bị đất sét. Họ nhào nặn tạo cho đất dẻo. Khuôn gỗ lim có đục lõm hình tượng hai ông, một bà Táo đứng cạnh nhau được người dân thay thế sau hai năm sử dụng.

Một bức tượng rời khỏi khuôn gỗ, ông Nhật nâng niu đặt tượng xuống những viên gạch đỏ để rút nước trước khi mang đi phơi. “Thời tiết năm nay mưa nhiều khiến việc phơi ông Táo trước khi nung gặp khó khăn. Chúng tôi nghĩ ra cách tận dụng sức nóng từ lò nung để xếp tượng chung quanh sấy khô. Những ngày nắng hiếm hoi thì tranh thủ mang tượng ông Táo ra phơi”, ông Nhật nói. Nung một mẻ ông Táo khoảng hai ngày, làm nguội hai ngày. Ở trong lò nung, hàng nghìn ông Táo được sưởi ấm. Gần 40 năm làm nghề, ông Nhật chứng kiến biết bao mẻ ông Táo ra đời. Cạnh đó, bà vợ và con dâu ông Nhật bận rộn sắp xếp tượng ông Táo đem đi sấy.

Đại gia đình “biến đất thành cơm”

Loay hoay xếp tượng vào lò nung đối diện nhà ông Nhật, vợ chồng ông Võ Văn Nam, có thâm niên hơn 30 năm làm nghề nặn ông Táo, cẩn thận chuyền tay nhau, xếp tượng vào lò nung. “Công đoạn xếp tượng vào lò cũng rất quan trọng. Hơn nghìn tượng xếp thành từng hàng nhiều lớp, trên dưới xen kẽ. Giữa các lối có khoảng trống để lửa cháy đều, tránh bị nổ, vỡ nát khi nung”, ông Nam tiết lộ.

Mẻ tượng ra lò được trang trí bằng màu, rắc bột kim tuyến bắt mắt, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ngồi tô tượng, chị Nguyễn Thị Thùy Linh, 28 tuổi, tỉ mỉ tô cho tượng ông Táo được đẹp đẽ. “Trước đây, tượng ít được trang trí. Gần đây, để hợp thị hiếu người tiêu dùng, ông Táo được tô thêm lớp màu rực rỡ. Nghề làm ông Táo thu nhập không nhiều, đủ sống qua ngày. Một tượng bán với giá 500 - 2.000 đồng. Làm cả ngày được khoảng 100 nghìn đồng”, chị Linh tâm sự.

Giữa không khí Huế những ngày cuối năm, người dân Địa Linh miệt mài đúc, sơn… ông Táo. Từ mảnh đất này, hàng vạn ông Táo theo các xe hàng đi khắp nơi, đến từng gác bếp, phục vụ ngày Tết ông Táo. Chị Linh nói: “Tượng ông Táo được xếp thùng để đem bán. Ngoài số lượng 100 tượng, còn để thêm chừng 20 tượng nhằm trừ hao khi vận chuyển bị bể. Giá bán sỉ từ 40 nghìn đến 50 nghìn đồng. Dịp 23 tháng Chạp hằng năm, các hộ dân bán ra thị trường khắp nơi, từ Thừa Thiên Huế cho đến Bình Phước, TP Hồ Chí Minh…”.

Các cụ cao niên kể, nghề làm tượng ông Táo ở Thừa Thiên Huế ra đời sớm nhất là làng nghề nổi tiếng gồm làng Địa Linh và làng Sình, ở huyện Phú Vang. Về sau, làng Địa Linh làm ông Táo, làng Sình chỉ làm áo ông Táo. Ông Trương Văn Lợi, 57 tuổi, nguyên trưởng làng Địa Linh, nói: “Hàng trăm năm về trước, làng có nghề đất nung rất phát triển, rồi tách thành nghề làm ông Táo. Về sau, ở khu đông dân cư, nghề gạch bị cấm sản xuất, do ô nhiễm môi trường. Giờ chỉ còn nghề làm ông Táo”.

Thời trước, ở ngôi làng này, hầu như nhà nào cũng có làm tượng ông Táo. Dần dà, công việc vất vả lại thức khuya dậy sớm, trong khi thu nhập chẳng thấm tháp là bao. Từng nhà từng nhà bỏ cái nghề lâu đời nay để kiếm nghề khác mưu sinh. “Những năm trở lại đây, nghề này mang lại hiệu quả kinh tế thấp nên nhiều gia đình trong làng dần bỏ nghề. Giờ làng chỉ còn bốn hộ làm nghề ông Táo. Họ là những gia đình bà con với nhau”, ông Lợi ngậm ngùi.

Tranh thủ những ngày về thăm nhà sau thời gian đi làm thợ xây ở tỉnh Quảng Nam, anh Võ Văn Danh, 37 tuổi, chồng chị Linh, tâm sự: “Ngồi đúc mãi rồi cũng đau lưng, mỏi tay, nhưng để giữ nghề truyền thống của cha ông và kiếm thêm thu nhập nên cố gắng làm lụng”. Cố gắng tạo tượng ông Táo vì nghề gia truyền, để lưu giữ nét văn hóa truyền thống. Họ còn phải làm thêm các nghề khác để kiếm tiền lo cho cuộc sống.

Rời Địa Linh, ngôi làng dần xa khuất. Tiếng gõ gõ của người dân cứ vang vọng trong không trung. Cho dù tháng năm vần vũ, những con người níu giữ nghề cha ông vẫn sẽ tiếp tục chăm chỉ nặn tượng ông Táo. Từ mảnh đất ấy, tượng ông Công ông Táo nóng hổi vừa ra lò đến với mọi nhà, góp phần làm nên cái Tết ông Táo đủ đầy.

Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, bên cạnh việc xem trọng bàn thờ của tổ tiên và cửa ngõ, trong phong tục lâu đời của người dân xứ Huế, giá trị phong thủy của bếp núc rất quan trọng. Các yếu tố tổng hợp sẽ cấu thành sự hưng thịnh, may mắn cho các gia đình. Do đó, ông Táo thờ hết năm phải mua ông mới, nên nghề nặn tượng ông Táo chưa bị thất truyền. Tuy nhiên, để gắn bó với nghề sẽ gặp nhiều khó khăn.