Để đường tàu sạch và an toàn hơn

Sau vài ngày chấn chỉnh, hàng loạt hộ kinh doanh đã tự giác đóng cửa khiến đoạn đường sắt lộn xộn trước kia trở nên yên bình.

Hàng loạt hộ kinh doanh phải đóng cửa để bảo đảm an toàn.
Hàng loạt hộ kinh doanh phải đóng cửa để bảo đảm an toàn.

Mong cơ hội, điều kiện mới

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Hà Nội về giải tỏa các quán cà-phê đường tàu, từ ngày 10-10, lực lượng chức năng đã lập rào chắn ở đường Trần Phú, Điện Biên Phủ, Phùng Hưng... Quyết tâm lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt nhận được sự đồng tình của nhiều người. Nhưng cùng với đó cũng có những mong mỏi thành phố định hướng, tạo điều kiện để có cơ hội khác thêm nguồn thu nhập hỗ trợ cuộc sống.

Đa số người dân sinh sống dọc đường sắt này là cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt, khi về đây ở mỗi gia đình chỉ được phân một căn nhà cấp bốn. Vì điều kiện kinh tế khó khăn nên dù qua nhiều thế hệ, các hộ dân vẫn bám trụ gần đường tàu. Khoảng hai năm trở lại đây, người dân trong xóm bắt đầu bảo nhau mở thêm các quán nước, cà-phê phục vụ khách du lịch nên bắt đầu có thêm đồng ra, đồng vào. Bà Nguyễn Thị Mai Anh (người dân sinh sống tại xóm đường tàu) mong dự án di dời cư dân đường tàu được thực hiện. Nếu chưa hay không thực hiện được thì cũng cần tạo điều kiện cho người dân có thu nhập qua ngày.

Chị Nguyễn Thị Dung, chủ một quán cà-phê trên khu đường tàu đề xuất: Rất mong chính quyền có những giải pháp cụ thể hơn như cho phép kinh doanh trong nhà, kẻ vạch ranh giới hoặc quy định khung giờ cụ thể kinh doanh vì tàu không chạy qua đây cả ngày…

An toàn vẫn là trên hết

Dù để lại nhiều tiếc nuối nhưng theo các chuyên gia giao thông, tiêu chí an toàn vẫn phải đặt lên hàng đầu. Với lượng du khách đổ về ngày một đông, nhiều lái tàu khi đi qua khu vực quán cà-phê xó đường tàu đều rất căng thẳng, lo sợ. Ngày 6-10 vừa qua, tàu khách LP5 đã phải dừng khẩn cấp để chờ khách du lịch tránh sang một bên.

Kể về giây phút thót tim, lái tàu Nguyễn Hữu Nam (Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội) cho biết: Hôm đó tổ lái máy chúng tôi điều khiển đầu máy 641 kéo tàu khách LP5 vừa rời ga Hà Nội đi Hải Phòng. Khi đến km 1+200, đoạn qua chắn đường ngang Trần Phú vào khu vực cà-phê đường tàu Phùng Hưng, chúng tôi phát hiện từ xa có một cô gái đứng sát mép đường ray. Dù đã bấm còi liên tục nhưng cô gái không có phản ứng gì khiến chúng tôi phải hãm khẩn dừng tàu.

Anh Nguyễn Hữu Nam cho biết thêm, mỗi khi đi qua đoạn này, từ ca-bin đầu máy nhìn ra, người đứng, người quỳ đông nghịt, chen nhau quay phim, chụp ảnh. Chỉ sơ sảy, xô đẩy nhau, có người ngã ra là kiểu gì cũng bị tàu va quệt. Đứng ở khu vực nhà dân, hàng quán đã nguy hiểm rồi, có người còn đứng sát vị trí lan-can sắt trên đường dẫn cầu Long Biên. Trong khi ở đoạn này, khoảng cách tàu và lan can rất hẹp, lại là đường lên, xuống dốc nên việc xử lý hãm không đơn giản. Ô-tô còn có thể phanh “chết” chứ hãm tàu kiểu gì cũng phải lướt đi vài chục mét mới dừng được. Nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp quyết liệt, trước sau cũng xảy ra tai nạn.

Còn nhiều điểm khác

Không chỉ tại khu vực đường ngang Trần Phú, trên địa bàn Hà Nội còn tồn tại nhiều điểm người dân họp chợ, bày hàng quán trên đường sắt, trong hành lang an toàn giao thông đường sắt. Có thể kể đến đoạn đường ngang Cổ Nhuế, dân họp chợ, bán hàng trong lòng đường sắt; rồi sát đường sắt tại đường ngang lối vào Bệnh viện Bạch Mai người dân cũng che bạt, bán nước…

Ông Quách Tuấn Anh, quản đốc phân xưởng vận dụng Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cho biết, nhìn thẳng vào tàu, người không có chuyên môn sẽ tưởng tàu đi chậm nhưng thực tế tàu đi rất nhanh. Hơn nữa, đầu máy, toa xe rộng hơn 3 m, trong khi đường ray chỉ rộng 1 m, vì thế khoảng cách tối thiểu để bảo đảm an toàn là phải đứng cách xa tim đường ray 2 m, nếu không nguy cơ tàu đâm, va rất cao.

Trước nguy cơ mất an toàn, các đơn vị đường sắt đã nhiều lần kiến nghị các quận trên địa bàn xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, có nơi chính quyền rốt ráo xử lý nhưng cũng có nơi chẳng có phản ứng gì. Riêng khu vực hàng quán cạnh đường tàu trên phố Phùng Hưng, Trần Phú, Điện Biên Phủ… đã rất nhiều lần bị lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản nhưng sau đó lại đâu vào đấy.

Hy vọng với sự quyết liệt của Hà Nội, hành lang an toàn của đường sắt sẽ được trả lại.