Để các tuyến Metro không trễ hẹn

Năm 2021 được xem là năm bản lề để TP Hồ Chí Minh hiện thực hóa “giấc mơ”  đường sắt đô thị (Metro). Theo đó, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã bước vào giai đoạn hoàn thiện kỹ thuật, tiến tới chạy thử trên toàn tuyến vào cuối năm 2021 và khai thác thương mại vào năm 2022. Còn tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã bàn giao 76% diện tích mặt bằng, sẽ đạt 100% trong năm 2021 và khởi công vào năm 2022.

Thi công hạng mục hệ thống cấp điện trên tuyến Metro số 1.
Thi công hạng mục hệ thống cấp điện trên tuyến Metro số 1.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo kế hoạch đề ra ban đầu, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ vận hành thử đoạn trên cao Long Bình - Bình Thái vào quý IV - 2021 (tháng 9) để kịp đưa vào vận hành thương mại cuối năm 2021. Thế nhưng mới đây, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR) thông tin, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên dự kiến tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này sẽ phải lùi thời gian vận hành thương mại sang năm 2022.

Từ tác động trên đã khiến cho các gói thầu xây lắp gồm: CP1a, CP1b và gói thầu CP2 chậm trễ công tác thi công, ngày hoàn thành các kết cấu và tiện ích dọc tuyến. Qua đó dẫn đến khó khăn cho nhà thầu gói CP3 khi tiếp cận các khu vực ven đường, sảnh chờ và ke ga của nhà ga… Gói thầu thiết bị CP3 cũng chậm trễ công tác mua sắm, sản xuất, vận chuyển thiết bị từ nước ngoài về. Các công tác lắp đặt tiếp theo dọc tuyến và công tác thử nghiệm, vận hành cho nhà thầu thực hiện mà điển hình như đến tháng 10-2020 mới nhập khẩu đoàn tàu đầu tiên, trễ sáu tháng so kế hoạch.

Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc hạn chế di chuyển quốc tế nhập cảnh Việt Nam cũng làm chậm tiến độ chung của dự án bởi tuyến Metro số 1 đang trong giai đoạn nước rút, cần có sự giám sát của các chuyên gia nước ngoài… Việc hài hòa giữa pháp luật Việt Nam và quy định của các nhà tài trợ nước ngoài cũng mất nhiều thời gian để giải thích, làm rõ với các bên nên cũng làm ảnh hưởng tiến độ chung.

Không chỉ chậm vốn giải ngân, chậm thanh toán công nợ với các nhà thầu, liên tiếp lại phát hiện hai vị trí gối cầu bị lệch dầm khiến người dân lo lắng cho tiến độ dự án. Mới đây, phía tổng thầu là liên danh Sumitomo - Cienco 6 (SCC) đã có văn bản trả lời về sự cố trên nhưng các chuyên gia của tổ kiểm tra độc lập đã yêu cầu tổng thầu phải trả lời các câu hỏi liên quan sự cố để sau đó đề xuất phương án khắc phục.

Còn đối với tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), theo báo cáo của MAUR, đến nay các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú (phạm vi dự án đi qua) đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường, đạt 99,67% (601/603 trường hợp); trong đó, các quận 1, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú đạt 100%. Tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 76,12% (459/603 trường hợp).

Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, riêng quận 3 mới chỉ dừng lại ở dự thảo phương án lấy ý kiến người dân do còn vướng hệ số điều chỉnh giá đất. Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn ngày 3-12-2020 về phương án hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án, trình UBND thành phố xem xét, quyết định.

Mới đây, Văn phòng UBND thành phố đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình, trong đó giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tổng hợp báo cáo những khó khăn, vướng mắc liên quan việc thẩm định, phê duyệt hệ số giá đất dự án trên địa bàn quận 3. Hiện, quận 3 có 113 trường hợp bị giải tỏa, trong đó, mới chỉ có 37 hộ đã giao đất.

Dồn lực làm đúng tiến độ

Để khắc phục những khó khăn trên và quyết tâm không để trễ hẹn thêm một lần nữa, TP Hồ Chí Minh sẽ quyết liệt tháo gỡ các điểm nghẽn để tuyến Metro số 1 và số 2 đi đúng lộ trình.

Đối với tuyến Metro số 1, ghi nhận tại khu vực ga Thủ Đức những ngày đầu năm mới 2021, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh phối hợp Nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) cùng các đơn vị thi công liên quan, tổ chức thi công hạng mục hệ thống cấp điện trên toàn tuyến. Trước sự chứng kiến của lãnh đạo UBND thành phố, hàng chục công nhân và kỹ sư đã thực hiện các công đoạn kéo cáp và lắp đặt hệ thống điện. Khi hoàn thành sẽ kết nối nguồn điện từ hai trạm điện 110 kV Bình Thái và Tân Cảng để cấp nguồn cho các trạm điện nhà ga.

“Giấc mơ có tuyến Metro hiện đại đi vòng quanh thành phố chẳng còn xa nữa. Chúng tôi rất vinh dự khi được đứng đây thi công những công đoạn cuối cùng để tuyến Metro số 1 băng băng về đích, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân thành phố”, anh Lê Hải Tuyên (công nhân thi công hạng mục cấp điện) niềm nở bày tỏ.

Theo Phó Trưởng ban MAUR Huỳnh Hồng Thanh, đây là sự kiện đánh dấu bước chuyển giai đoạn mạnh mẽ của dự án, từ thi công kết cấu hạ tầng sang chuẩn bị vận hành thử nghiệm các thiết bị và chạy thử vào cuối năm 2021, để đến năm 2022 khai thác thương mại toàn tuyến.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động rất lớn đến tiến độ dự án, để vượt qua khó khăn, MAUR sẽ cùng các nhà thầu tập trung thực hiện mục tiêu “kép”, vừa thi công nhiều mũi, thực hiện chứng kiến thử nghiệm từ bên thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết những thách thức về địa lý… vừa phòng, chống dịch trên công trường, nhằm bảo đảm tiến độ dự án cũng như đặt chất lượng công trình làm tiêu chí quan trọng nhất. Để giải quyết khó khăn và hỗ trợ nhà thầu, MAUR đã xin phép để làm thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia nước ngoài và xin cấp giấy phép lao động cho các chuyên gia. Đến nay, tuyến Metro số 1 đã đạt hơn 82% khối lượng công việc, với hơn 42,6 triệu giờ lao động an toàn.

Về tuyến Metro số 2, ghi nhận trên tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám (thuộc địa bàn quận 1, 3 và 10), Trường Chinh (quận Tân Bình), nhiều nhà dân sống trong khu vực giải tỏa để xây dựng tuyến Metro số 2 đã chủ động phối hợp chính quyền địa phương chấp hành việc di dời, lùi sâu nhà vào bên trong để trả lại mặt bằng cho thành phố. Phó Chủ tịch UBND phường 13 (quận Tân Bình) Trần Quang Tùng chia sẻ, thời gian đầu khi có chủ trương bàn giao mặt bằng để xây dựng tuyến Metro số 2, nhiều hộ dân không hoàn toàn đồng tình. Lãnh đạo UBND phường đã đến từng nhà để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải đáp mọi thắc mắc của người dân. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân hiểu được tầm quan trọng của dự án. Khi đồng lòng thì những hộ dân nằm trong diện cần giải tỏa đã chủ động bàn giao mặt bằng.

Cũng theo Trưởng ban MAUR Bùi Xuân Cường, công tác giải phóng mặt bằng và tiếp nhận bàn giao mặt bằng tuyến Metro số 2 phấn đấu hoàn thành vào quý II - 2021. MAUR đang phối hợp các đơn vị chuyên ngành quản lý về hạ tầng kỹ thuật thống nhất phương án thi công, di dời từ quý IV - 2021 và khởi công xây dựng vào năm 2022, hoàn thành năm 2026.

Để làm được điều này, trước mắt với 6/10 nhà ga của tuyến Metro số 2 đã có mặt bằng sạch, MAUR sẽ triển khai thi công, di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật như cáp viễn thông, hệ thống cấp - thoát nước, điện... trong phạm vi dự án. Đây là công tác rất quan trọng cần thực hiện sau giải phóng mặt bằng để bàn giao công trường cho các nhà thầu thi công các hạng mục chính của dự án.

Về nguồn vốn, từ nay đến năm 2021 sẽ xúc tiến ký kết các hiệp định vay bổ sung nguồn vốn cho dự án này. MAUR cũng đang đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ mời thầu cho công tác đấu thầu các gói thầu chính và thực hiện các thủ tục phê duyệt, đàm phán các khoản vay bổ sung đã được các nhà tài trợ cam kết. Riêng nguồn vốn về bồi thường giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật từ vốn ngân sách thành phố đã được bố trí.

Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, MAUR kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo và giải quyết khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là giải quyết chính sách bồi thường của quận 3, bố trí vốn để thực hiện. Phương án hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đã được Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND thành phố xem xét, quyết định. So với trước, giá mới được cho sát thực tế hơn.

TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia nghiên cứu quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị nhận định, phát triển mạng lưới giao thông công cộng là giải pháp bền vững và lâu dài. Ở các thành phố lớn trên thế giới, người dân chủ yếu đi lại bằng giao thông công cộng, trong đó hệ thống đường sắt đô thị đóng vai trò quyết định. Do vậy, trong tương lai gần, TP Hồ Chí Minh đặt rất nhiều kỳ vọng vào các tuyến Metro giúp giảm áp lực giao thông đô thị và phát triển kinh tế - xã hội.

Dự kiến, tuyến Metro số 1 và số 2 khi đi vào vận hành khai thác sẽ góp phần vận chuyển 350.000 lượt hành khách/ngày, đảm nhận 25% nhu cầu giao thông đô thị của vận tải hành khách công cộng TP Hồ Chí Minh vào năm 2030. Bên cạnh đó, việc phát triển các tuyến Metro góp phần chỉnh trang đô thị với mô hình phát triển định hướng giao thông công cộng (TOD), tạo nên hình ảnh thành phố văn minh, hiện đại.