Đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm

Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn chủ động thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt, nỗ lực xây dựng, hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn.

Đường Phạm Văn Đồng được đưa vào sử dụng tạo hướng mở cửa ngõ phía đông TP Hồ Chí Minh.
Đường Phạm Văn Đồng được đưa vào sử dụng tạo hướng mở cửa ngõ phía đông TP Hồ Chí Minh.

Thuận lợi, nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra

Giữa tháng 7, Ban quản lý dự án (BQL DA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) đã thông xe nhánh hầm N2 (thuộc DA xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương, tại quận 12 và huyện Hóc Môn), giúp thông thoáng cho nút giao thông trọng điểm thuộc cửa ngõ Tây Bắc thành phố.

Theo Giám đốc BQL DA Lương Minh Phúc, tất cả các hạng mục chính công trình xây dựng nút giao thông An Sương gồm hai đường hầm, các giao lộ trên mặt đất và cầu vượt trên cao, đã cơ bản hoàn thành. Đây là DA trọng điểm của thành phố, giao nhau giữa hai tuyến đường giao thông huyết mạch là QL 1 và 22, có mật độ lưu thông rất lớn. Đây cũng là điểm đen về tai nạn giao thông (TNGT) nhiều năm qua. Việc thông xe nhánh N2 giúp người dân và các phương tiện lưu thông thuận lợi, an toàn hơn. “Trước kia, thường xuyên có cảnh kẹt xe, mất an toàn giao thông (ATGT) tại nút giao thông phức tạp này. Nhưng khi hai hầm chui hoàn thành, việc lưu thông của các phương tiện qua đây rất an toàn”, ông Cù Văn Mướn, chạy xe ôm khu vực Bến xe An Sương (quận 12) nhận xét.

5 năm tới, để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cửa ngõ Tây Bắc, BQL DA tiếp tục triển khai DA cải tạo QL 22 và xây thêm hai cầu vượt tại nút giao QL 22. Đồng thời, triển khai DA đường Song Hành và Phan Văn Hớn. Đặc biệt là cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh), góp phần tăng cường khả năng giao thông, giảm ùn tắc giao thông và nối kết vùng Đông Nam Bộ.

Tương tự, đến nay, DA nâng cấp, mở rộng cầu chữ Y (quận 5 và quận 8), kinh phí đầu tư 186 tỷ đồng cơ bản hoàn thành. Mặt cầu cho xe lưu thông được mở rộng lên 12 m đã giải tỏa nút giao thông trung tâm thành phố vốn quá tải.

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, thành phố đã hoàn thành ba DA, khởi công 13 DA giao thông trọng điểm. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiến độ thi công, khởi công mới các công trình, DA chậm hơn so kế hoạch. Mặt khác, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) quá chậm. 

Về triển khai các DA hạ tầng trọng điểm trong năm 2020, BQL DA đã xây dựng chỉ tiêu kế hoạch thực hiện thi công 59 DA và phấn đấu hoàn thành 32 DA cầu đường trọng điểm. Song song đó, BQL DA sẽ hoàn tất thủ tục trình phê duyệt, điều chỉnh 18 DA; hoàn tất các thủ tục khởi công 31 gói thầu, DA; trình HĐND TP các DA trọng điểm: Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, hai cây cầu trên tuyến đường N2 và N4 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hai đoạn đường Vành đai 2, nút giao An Phú, mở rộng QL 50, cải tạo QL 22 và cầu đường Nguyễn Khoái nối các quận 1, 4 và 7.

Thế nhưng, một số DA triển khai chậm là do vướng bồi thường GPMB. Đơn cử như DA xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu trên đường Vành đai phía đông đến đường Xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái, tại quận 9 và quận Thủ Đức); DA xây dựng đoạn kết nối từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng.

Trao đổi với Thời Nay, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Phan Công Bằng cho hay, giai đoạn 2020 - 2030, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố đã gửi đến UBND thành phố, sẽ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gồm: 639 km đường bộ; 78 DA cầu; 18 DA nút giao thông; 32 DA giao thông tĩnh; 211,9 km đường sắt đô thị, BRT; 379 km đường thủy nội địa... Tổng kinh phí dự kiến khoảng 952.547 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách thành phố là 457.704 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn khác (vốn T.Ư, ODA, đầu tư theo hình thức đối tác công tư…).

Tháo gỡ những nút thắt

Ông Vương Quang Hưng, Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ (Sở GTVT thành phố) cho hay, thời gian tới sở sẽ phối hợp các cấp, ngành liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các DA trọng điểm, cấp bách như: Xây dựng hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; cầu vượt Bến xe Miền Đông mới; đường Nguyễn Hữu Cảnh... để đạt chỉ tiêu khởi công xây dựng ít nhất 34 DA; hoàn thành ít nhất 14 dự án năm 2020. 

Về giải pháp, ông Phan Công Bằng cho biết, trước hết, kiến nghị thành phố hoàn thành việc rà soát cơ chế chính sách, các thủ tục về đất đai liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; tiếp tục nghiên cứu các quy định có liên quan theo Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án. Song song đó, UBND các quận, huyện cần tập trung, ưu tiên đẩy nhanh công tác bồi thường GPMB.

Trong khi đó, theo ông Bằng, cần phối hợp tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn vốn (gồm ngân sách, ngoài ngân sách, xã hội hóa), kêu gọi đầu tư để xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn. Bên cạnh đó, rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với việc thực hiện DA theo hình thức PPP để thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Góp ý cho vấn đề này, TS, KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần dồn lực ưu tiên hoàn thành ngay các DA mở rộng các tuyến quốc lộ hướng tâm, các tuyến cao tốc đã quy hoạch, đồng thời khép kín hệ thống đường vành đai. Mạng lưới đường xương sống, kết nối liên vùng hoàn thiện thì giao thông nội đô sẽ tự thông thoáng hơn, các chính sách giãn dân, xây dựng đô thị đa trung tâm cũng dễ dàng thực hiện. Nêu cách làm hiệu quả, TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia nghiên cứu, quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị cho biết, thành phố cần quy hoạch tổng thể tại DA cần kêu gọi đầu tư. Đơn cử, kêu gọi đầu tư vào một con đường thì cần lập quy hoạch chi tiết và tiến hành GPMB rộng hơn quỹ đất hai bên đường. Sau đó, tổ chức đấu giá khu đất cho nhà đầu tư. Việc này giúp nhà đầu tư tính toán được lợi nhuận có được, giúp Nhà nước thu được nhiều tiền hơn về cho ngân sách.

Giám đốc Sở GTVT thành phố Trần Quang Lâm cho hay, để tăng nguồn vốn, thành phố sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa, khai thác tối ưu các quỹ đất, đấu thầu đấu giá các khu đất để tạo nguồn. Sắp tới, thành phố sẽ báo cáo Ban Kinh tế T.Ư và trình Quốc hội tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố lên 24%. Đối với từng hình thức sẽ có ưu tiên tái đầu tư khác nhau. Thí dụ, nguồn thu từ cổ phần hóa sẽ đầu tư phát triển hạ tầng; thu từ tối ưu quỹ đất sẽ ưu tiên phát triển giao thông công cộng. Đặc biệt, Sở GTVT được UBND giao nghiên cứu thu phí từ hạ tầng kết cấu cảng biển.

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở, ngành, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn, chấm dứt tình trạng DA chậm triển khai, bảo đảm tiến độ, hiệu quả đầu tư xây dựng công trình. Trong đó, thành phố sẽ rà soát cơ chế chính sách, các thủ tục về đất đai liên quan đến công tác bồi thường và GPMB; ưu tiên nghiên cứu các cơ chế thu hút vốn, cơ chế quản lý đầu tư để phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ; hoàn thiện đề án tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách T.Ư và ngân sách thành phố giai đoạn 2021 - 2030...

Hiện, hệ thống hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh vừa thiếu, vừa yếu so vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Tổng chiều dài các tuyến đường và cầu là 4.555 km, mật độ 2,1 km/km² (theo tiêu chuẩn phải từ 10 - 13,3 km/km²) và chỉ có 1.800 km có lòng đường rộng hơn 7 m. Mặc dù quy hoạch tám tuyến Metro nhưng đến nay chỉ có tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được triển khai và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021. Về cao tốc, đã hoàn thành 2/5 cao tốc (TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và Long Thành - Dầu Giây); hiện đang xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự kiến hoàn thành năm 2023. Hiện, đường vành đai 2 vẫn chưa khép kín, các DA vành đai 3 và 4 chưa hình thành theo quy hoạch.