“Đại dịch” kháng thuốc

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng, tình trạng kháng thuốc cũng nguy hiểm không kém đại dịch Covid-19. Hiện, Việt Nam đứng thứ tư về tình trạng kháng thuốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với tỷ lệ 40%. Trước thực trạng này, với nhiều bệnh nhiễm trùng, có thể chữa trị đơn giản thì nguy cơ không ít cơ thể con người cũng không thể tự vệ nổi. 

Thói quen tự mua thuốc khi mắc bệnh của không ít người dân gây ra tình trạng kháng thuốc. Ảnh: TTXVN
Thói quen tự mua thuốc khi mắc bệnh của không ít người dân gây ra tình trạng kháng thuốc. Ảnh: TTXVN

Tỷ lệ kháng thuốc lên đến 60%

Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện (BV) Bạch Mai hiện đang điều trị cho một bệnh nhân từ Ninh Bình chuyển lên. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi và đã điều trị bằng kháng sinh 10 ngày ở tuyến dưới nhưng không đáp ứng thuốc. Sau vài ngày điều trị tại A9, bệnh nhân vẫn trong tình trạng nặng, phải thở máy. Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ phải làm kỹ thuật đặc biệt định danh vi khuẩn, đánh giá xem vi khuẩn có kháng kháng sinh không, từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả hơn. 

Bác sĩ Nguyễn Hữu Quân, Khoa Cấp cứu A9 BV Bạch Mai cho biết: “Trên cơ thể bệnh nhân đã cấy ra hai loại vi khuẩn gần như kháng tất cả các loại thuốc. Rất may, chúng tôi đã tìm được hai loại kháng sinh vẫn còn có tác dụng điều trị trong trường hợp này. Hy vọng, tình trạng bệnh nhân sẽ được cải thiện trong thời gian tới”.  Cũng theo bác sĩ Quân, với những người mắc bệnh mãn tính, dễ nhiễm trùng như người có tiền sử đái tháo đường, gút như bệnh nhân này, việc tự ý sử dụng kháng sinh vô cùng nguy hiểm. Vi khuẩn sẽ rất dễ kháng kháng sinh. 

Kháng thuốc xảy ra khi các loại vi sinh vật như vi khuẩn, virus trở nên miễn dịch với các loại thuốc điều trị những loại bệnh do chúng gây ra khiến các vết thương nhỏ và nhiễm trùng thông thường cũng có thể làm người bệnh tử vong. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Quân, tại BV Bạch Mai, trong vòng một năm trở lại đây tỷ lệ kháng thuốc chiếm từ 40% - 60%. Có nhiều trường hợp, bệnh nhân nhập viện nhưng nhiễm trùng tăng lên nhanh, gặp vi trùng kháng kháng sinh khiến bệnh nhân nguy kịch và tử vong do nhiễm trùng chứ không phải do tiền sử bệnh lý. Đặc biệt, bác sĩ Quân lưu ý, có nhiều loại kháng sinh chỉ có bác sĩ được phép chỉ định sử dụng trong những trường hợp đặc biệt nhưng lại rất dễ dàng mua ở thị trường tân dược bên ngoài.

BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cũng là đơn vị thường xuyên tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân nhiễm trùng do căn nguyên vi khuẩn đa kháng thuốc. Thời gian gần đây, hai phần ba số ca bệnh tại Khoa Hồi sức tích cực nhiễm loại vi khuẩn này. Đặc biệt, cơ sở này mới tiếp nhận một bệnh nhân 24 tuổi, bị đa chấn thương gồm lồng ngực, ổ bụng và cột sống dẫn đến liệt, phải thở máy kéo dài. Sau chấn thương, bệnh nhân này bị nhiễm khuẩn tại nhiều vị trí trên cơ thể như viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng vết mổ và không may có tới ba vi khuẩn đa kháng khiến việc điều trị rất khó khăn.

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, nếu không kháng kháng sinh, việc điều trị bằng thuốc cho những trường hợp như bệnh nhân này thường dễ dàng hơn nhiều. Thời gian điều trị nhiễm trùng thường dưới hai tuần và chi phí cũng thấp. “Trường hợp này trước đó đã điều trị tại một số bệnh viện trung ương gần hai tháng nhưng không thể dứt điểm do kháng kháng sinh. Hiện tại, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong điều trị cho các bệnh nhân như vậy”, bác sĩ Khiêm chia sẻ.

Nguyên nhân của tình trạng kháng kháng sinh được các bác sĩ chỉ ra là do thói quen tự mua thuốc khi mắc bệnh của không ít người dân; tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi trong trồng trọt, chăn nuôi; sự lạm dụng trong việc kê đơn kháng sinh không cần thiết của một số bác sĩ. Ngoài ra, còn do lối sống thiếu lành mạnh, sự thay đổi môi trường khiến các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid, ung thư... tăng lên. Các bệnh lý này làm thay đổi hệ thống miễn dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn cư trú trong cơ thể.

PGS, TS Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu A9 BV Bạch Mai cho rằng, thói quen tự dùng kháng sinh đang gây nguy hại cho chính người bệnh. Khi gặp vi khuẩn kháng thuốc, việc điều trị rất khó khăn vì phải lựa chọn kháng sinh phù hợp và nhiều loại kháng sinh dùng rồi kháng thì không dùng được nữa, phải dùng thuốc đắt tiền hơn, chi phí cao hơn, phối hợp nhiều loại thuốc. Cơ hội và tiên lượng cho người bệnh bị ảnh hưởng, nguy cơ tử vong tăng lên so nhóm bệnh nhân không kháng kháng sinh. 

“Đại dịch” kháng thuốc -0
Nhiều ca bệnh kháng thuốc khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Ảnh: TTXVN 

Hành vi con người là yếu tố phải thay đổi

Ngày 28-11, trong vai người bệnh mắc cảm cúm và viêm họng, phóng viên đã dễ dàng được một hiệu thuốc trên đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, Hà Nội) bắt bệnh và bán thuốc. Cô bán hàng kê ngay một đơn gồm thuốc kháng sinh Augmentin 500mg phải uống trong 5 ngày, mỗi ngày hai viên. Kèm theo đó là một số loại thuốc kháng viêm, chống phù nề, long đờm, dị ứng. Khi hỏi: “Tại sao đang trong dịch Covid-19, nhà thuốc vẫn bán dễ dàng các loại thuốc điều trị triệu chứng cảm, cúm, viêm họng?” thì phóng viên nhận được ngay câu trả lời: “Dịch không lây lan ngoài cộng đồng nên yên tâm. Trước nay, cửa hàng vẫn bán thuốc kháng sinh không cần đơn. Bệnh nhân vào viện chỉ khám thôi cũng mất cả ngày nên không ai muốn vất vả cả!”. Tương tự, tại nhiều cửa hàng thuốc trên đường Thụy Khuê, Âu Cơ (quận Tây Hồ, Hà Nội) việc mua các loại thuốc, trong đó có kháng sinh đều khá dễ dàng. Thậm chí, khi người mua có đơn thuốc bác sĩ kê, nhưng ra hiệu thuốc không có, người bán thuốc cũng sẵn sàng “thay đổi” sang thuốc khác với thành phần gần như tương tự cho người bệnh. 

Trước tình trạng bán thuốc không theo đơn dẫn đến việc người dân sử dụng kháng sinh bừa bãi, khiến tỷ lệ kháng kháng sinh ngày một cao, Bộ Y tế đã ban hành “Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn” cũng như “Ứng dụng công nghệ thông tin kết nối nhà thuốc” nhằm kiểm soát việc bán thuốc không theo đơn, nhằm giảm tỷ lệ kháng thuốc trong cộng đồng.

Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), đến nay 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc. Các địa phương đã phối hợp với các cơ sở cung ứng phần mềm trên địa bàn tổ chức tập huấn, cài đặt phần mềm, cấp tài khoản hướng dẫn cụ thể chi tiết cho các cơ sở cung ứng thuốc. Hiện, các tỉnh, thành phố đã cài đặt và cung cấp tài khoản liên thông cho 24.922 cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó có 15.178 nhà thuốc đã thực hiện kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia.

Theo các chuyên gia y tế, trong các nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các vi khuẩn đa kháng, hành vi con người là yếu tố duy nhất có thể thay đổi. Người Việt mua thuốc kháng sinh dễ như mớ rau ngoài chợ dẫn đến tình trạng lạm dụng kháng sinh trong nông nghiệp và gây hại cho chính sức khỏe của mình. 

Để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần xây dựng một lối sống lành mạnh, tập luyện thể dục đều đặn và ăn uống hợp lý, tránh lạm dụng những thực phẩm ảnh hưởng hệ miễn dịch như rượu, bia hay các chất khó chuyển hóa. Nếu cơ thể có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Trường hợp phải sử dụng kháng sinh thì phải được bác sĩ chỉ định, sử dụng đúng loại, đúng liều lượng và thời gian. Lưu ý, người bệnh không uống kháng sinh nửa chừng, ngay cả khi cảm thấy bệnh đã đỡ nhiều. Không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước; không chia sẻ thuốc kháng sinh trong đơn thuốc đang dùng cho người khác uống, ngay cả khi đó là người thân của mình. 

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cảnh báo, kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với con người và nền kinh tế Việt Nam do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi. Việc đầu tư, nghiên cứu cho ra đời các kháng sinh mới đã giảm đi trong nhiều thập kỷ nay, dẫn đến sự thiếu hụt các kháng sinh có hiệu quả để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng. 

Tình trạng kháng thuốc ngày nay không chỉ là vấn nạn đối với một quốc gia riêng lẻ mà là vấn đề y tế toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển. Thế giới mỗi năm phải chi tới hàng chục tỷ USD cho điều trị kháng thuốc và có hàng chục nghìn người tử vong vì vấn nạn này. Theo TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, chúng ta không còn thời gian nữa mà phải hành động ngay từ hôm nay. WHO cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong những nỗ lực phòng, chống kháng thuốc.