Đa Krông: Nỗi lo thiếu nước sạch sau lũ

Nhiều trận lũ nối tiếp nhau, rất nhiều địa phương ở miền trung (trong đó có Quảng Trị) đứng trước nguy cơ thiếu nước sạch sau mùa lũ. Tình trạng sạt lở đất lâu ngày gây khó khăn, không chủ động được nguồn nước để cung cấp cho sinh hoạt. Đồng thời, nhiều công trình nước bị lũ lụt gây hư hại, cuốn trôi.

Đồng bào Vân Kiều xã Tà Long phải tìm nguồn nước từ núi đá.
Đồng bào Vân Kiều xã Tà Long phải tìm nguồn nước từ núi đá.

Thiệt hại đau lòng

Trong hai đợt lũ từ đầu và giữa tháng 10-2020, tỉnh Quảng Trị có nhiều người thương vong, mất tích, hàng trăm nhà thiệt hại. Mưa lũ làm hơn 70 điểm trường bị ngập lụt với mực nước dâng cao. Ngoài ra, mưa lũ còn gây thiệt hại lớn về nông, lâm nghiệp, giao thông vận tải, hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc, điện...

Riêng huyện Đa Krông, ước thiệt hại lên đến 380,5 tỷ đồng, hai người chết, 20 ngôi nhà bị hư hại, ngập nước 560 hộ, nhiều tài sản của người dân: trâu, bò, dê, ao cá… bị lũ cuốn trôi. Đi đến đâu, chúng tôi vẫn còn thấy những vết dấu sau mùa lũ. Tại Km 7 đường Hồ Chí Minh người dân địa phương cố gắng xử lý điểm sạt lở cho xe thông đường. Km 16 thôn Trại Cá nhiều ngôi nhà vẫn còn xâm xấp nước lũ, rất nhiều điểm giao thông liên thôn như Ly Tôn - Sa Ta, A Đu - Ba Ngày… bị hư hỏng nghiêm trọng, người dân phải đi bộ hàng chục km để nhận quà cứu trợ hoặc đi mua thực phẩm, thuốc men. 

Tại Km 50, khó khăn lắm chúng tôi mới đến được A Vao trên con đường lầy lội, có nơi lởm chởm đất đá và nước từ núi vẫn chảy trên đường, chiếc cầu tạm lắt lẻo làm từ vài hôm trước hôm nay lại bị lũ cuốn trôi, người dân lại dắt díu nhau chặt tre làm cầu. Ông Kôn Nghiệp, thôn A Vao rùng mình nhớ lại: “Dữ quá! Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cảnh lũ như thế, nước từng ngọn như núi, cứ cuốn lấy hết mọi thứ. Ở cây cầu này đã cuốn trôi thầy giáo, thầy chết rồi, mọi người thương lắm!”.

Hiện, nhân dân và các lực lượng chức năng đang khẩn trương khắc phục thiệt hại. Tuy nhiên, nỗi lo hiện nay của người dân huyện Đa Krông là thiếu nước sinh hoạt.

Hư hại công trình nước sinh hoạt 

Ước thiệt hại 22 tỷ đồng do mưa lũ làm hư hại các công trình nước sinh hoạt. Hầu hết là công trình nước bị hư hỏng, mưa lũ cuốn trôi các đoạn ống sắt dẫn nước cố định về các thôn, bản. Một số đoạn ống bị lũ cuốn trôi khó tìm lại được, việc khắc phục nước sinh hoạt cho người dân gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của UBND huyện (cập nhật đến thời điểm 14 giờ ngày 20-10), xã A Vao có năm công trình nước sinh hoạt bị lũ cuốn trôi với 610 m ống sắt cố định, bao gồm: A Vao, Ro Ró 2, Pa Ling, Tân Đi 2, Tân Đi 3; xã Húc Nghì thiệt hại ba công trình, bao gồm: khu tái định cư, thôn 37 và tổ 5 tổng 1.312 m đường ống; xã A Ngo hai công trình, 62 m đường ống; xã Tà Rụt hai công trình; xã Tà Long bốn công trình với 6.700 m đường ống; xã Mò Ó một công trình; Triệu Nguyên hai công trình và xã Ba Lòng bảy công trình nước sinh hoạt.

Hầu hết các công trình nước sinh hoạt nêu trên đều bị cuốn trôi đường ống dẫn lớn, nhiều đường ống bị gãy, bị nước cuốn trôi. Điển hình như các công trình nước sinh hoạt: Khe Kè, Tà Lao, Ly Tôn, thuộc xã Tà Long bị mưa lũ cuốn trôi cả đường ống dẫn chính và ống phụ về các tổ nhóm, đầu nguồn các công trình bị cát sạn vùi lấp gần như toàn bộ, dẫn đến không thể sử dụng được.

Các công trình nước sinh hoạt cá nhân của hầu hết hộ gia đình cũng bị mưa lũ cuốn trôi. Một số hộ sống ở vị trí đặc biệt, giao thông cách trở, xa khu dân cư… thường đầu tư làm công trình nước tự chảy (bao gồm bể chứa và đường ống) để chủ động nguồn nước, nhưng hầu hết bị mưa lũ cuốn trôi, vùi lấp. Rất ít hệ thống nước tự chảy còn sót lại sau mưa lũ. 

Đa Krông: Nỗi lo thiếu nước sạch sau lũ -0
Đồng bào Vân Kiều xã A Bung dùng dụng cụ trữ nước mưa dùng trong sinh hoạt hằng ngày.  

Nỗi lo thiếu nước sạch 

Đa Krông là huyện miền núi nghèo với 9.064 hộ dân. Cuối năm 2019, đầu 2020 trên địa bàn huyện có hơn 3.000 hộ dân sử dụng nước từ công trình nước tập trung; số hộ sử dụng nước từ công trình cấp nước nhỏ lẻ là 846 hộ. Số còn lại người dân sử dụng nước tự chảy bằng nguồn dẫn nước cá nhân dùng đường ống hoặc tận dụng các nguồn nước từ ao hồ, sông suối.

Sau trận mưa lũ lịch sử này, hầu hết các công trình cung cấp nước sinh hoạt cho hầu hết đồng bào Vân Kiều, Pa Cô bị hư hỏng nặng nề, không thể cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện. Số bể nước người dân tự xây dựng bị nước lũ tràn vào và nguồn nước đang bị bùn đất nên không bảo đảm vệ sinh. Ước tính có hơn 89% hộ dân trên địa bàn huyện miền núi Đa Krông sẽ thiếu nước trong thời gian tới.

Ông Hồ Văn Thon, Trưởng thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đa Krông, nơi có công trình nước liên thôn A Đeng - A Rồng - A La cho biết: Công trình nước sinh hoạt cho gần 400 hộ dân ở các thôn đã bị lũ cuốn trôi, hơn 1.000 dân sẽ phải tự đi tìm nguồn nước để sinh hoạt. Hiện tại, người dân trên địa bàn đi vào núi, dọc khe suối nhỏ hoặc hứng nước mưa để sử dụng cho gia đình như nước uống, nấu cơm… Tình hình rất khó khăn.

Dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, hơn 60 km từ cầu treo Đa Krông đến điểm cuối cùng là xã A Bung, rất nhiều hộ dân người đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ra dọc đường hoặc các kênh mương, cống rãnh để lấy nước sinh hoạt. Chị Hồ Thị Họa My, xã A Bung chia sẻ: Nhiều gia đình phải đi xa để tìm nguồn nước sinh hoạt. Sau mưa lũ hầu hết nguồn nước đều ô nhiễm.

Điểm Km 22 thuộc xã Tà Long nơi có 771 hộ dân, trong cái se lạnh, trời vẫn mưa, bà con Vân Kiều tận dụng nước từ núi và cả nước mưa trực tiếp để tắm giặt. Chị Hồ Thị Thương tâm sự, quá khó khăn rồi, nước sông đục lắm, nước của công trình sử dụng tập trung bị lũ cuốn trôi rồi. Giờ bà con men theo núi để tắm giặt, rất nguy hiểm nếu có sạt lở xảy ra, nên bà con vừa sử dụng nguồn nước vừa canh chừng núi lở. Sử dụng nước từ thiên nhiên nhưng cũng phải tiết kiệm. Những mạch nước chảy ra từ khe đá, vết nứt không có nhiều nên bà con san sẻ cho nhau. Chắc lâu công trình mới được khắc phục trở lại.

Nhiều ngày qua, chị Hồ Thị Búi, thôn Kỳ Neh, xã A Ngo, huyện Đa Krông phải mang xô, chậu, can nhựa đi lấy nước từ rừng. Chị Búi chia sẻ, nước ít quá nên không dám dùng nhiều, tiết kiệm lắm vì đi lấy cũng xa, giặt áo quần chỉ trôi được bọt xà-phòng là mừng lắm! Nước để nấu cơm canh phải để lâu lâu cho cặn bùn đất lắng xuống. Cùng hoàn cảnh, chị Căn Tý, thôn A Đeng, xã A Ngo cho biết: Lúc trước đường ống to bị cuốn trôi thì còn đường ống nhỏ. Đợt lũ sau nước cuốn đường ống nhỏ đi luôn nên hết nhờ vả rồi. Nguồn nước ở sông suối bị bùn đất làm bẩn. Không có nước sạch tôi phải sử dụng thùng, xô hứng nước mưa sử dụng tạm.

Trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân huyện miền núi Đa Krông cũng như hầu hết khu vực miền núi như Hướng Hóa, Gio Linh, Vĩnh Linh… mong rằng chính quyền địa phương nỗ lực khắc phục để nhanh chóng có nước sinh hoạt cho các hộ gia đình. Trước mắt cần hỗ trợ xử lý một số nguồn nước có thể sử dụng được cho người dân trong thời gian này. Ngành Y tế có phương án hỗ trợ địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh và cùng Trung tâm Y tế huyện lên phương án hỗ trợ thuốc Cloramin B cho các hộ dân khử trùng nước giếng bị ô nhiễm sau lũ, đồng thời nước cấp từ công trình chứa nước tập trung để các hộ có nước hợp vệ sinh sử dụng trước mắt.

Ông Hồ Văn Hơn, Trưởng thôn Kỳ Neh, xã A Ngo cho hay: Thường để sửa chữa, khắc phục lại hệ thống nước sinh hoạt trên địa bàn cho người dân tốn rất nhiều thời gian, sớm thì cũng vài tháng. Ông Hơn tha thiết mong các cấp, ngành sớm có phương án, bố trí kinh phí sửa chữa, khắc phục các công trình nước để người dân được sử dụng nước sạch sinh hoạt trong thời gian sớm nhất.