Chuẩn nghèo đa chiều cho giai đoạn 2021 - 2025

2020 là năm cuối thực hiện đánh giá chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020.  Hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH)  đang xây dựng dự thảo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 theo hướng: Dựa trên cách tiếp cận bảo đảm quyền con người, nhất là quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều người dân phát triển nghề phụ để thoát nghèo.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều người dân phát triển nghề phụ để thoát nghèo.

Bất cập tiêu chí xét hộ nghèo đa chiều

Hố Mít là xã vùng cao thuộc huyện Tân Uyên (Lai Châu). Trên địa bàn xã chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông, mặc dù thu nhập khá hơn trước nhưng bà con vẫn sống theo nếp xưa. Có gia đình số tiền gửi tiết kiệm lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng không có nhu cầu mua sắm các thiết bị như: máy giặt, điều hòa, tủ lạnh, tivi đắt tiền… Nếu theo tiêu chí tài sản chủ yếu (tổng 150 điểm) thì những hộ này sẽ mất khá nhiều điểm vì không có tài sản như tiêu chí đề ra trong phiếu rà soát hộ nghèo. Như vậy, tiêu chí về tài sản chủ yếu chưa phù hợp điều kiện của nông thôn miền núi. Nhiều bà con tâm sự, khu vực sản xuất của gia đình cách xa nơi ở, phần lớn thời gian ở trên rừng, lán nương, không ở nhà nhiều nên nhu cầu mua sắm các tiện nghi sinh hoạt rất ít.

Theo phiếu rà soát xác định hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn vùng trung du và miền núi phía bắc, mục đặc trưng hộ, về diện tích ở bình quân đầu người quy định nếu từ 8 đến dưới 20 m² sẽ không được chấm điểm. Trong khi đó, phần đông đồng bào dân tộc thiểu số thường nhiều thế hệ, nhiều nhân khẩu cùng sinh sống. Dù làm nhà đã đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, nhưng nếu chia theo đầu người thì ít hộ bảo đảm diện tích. Hay như tiêu chí chăn nuôi, hộ có từ một con trâu/bò/ngựa được chấm 15 điểm, hộ có từ hai con trâu/bò/ngựa trở lên được 25 điểm. Theo đó, nếu có hai con hay cả đàn gia súc tới 20 con hoặc hơn nữa cũng vẫn chỉ được 25 điểm. Hoặc tiêu chí tiêu thụ điện bình quân một tháng của hộ, nếu tiêu thụ 25 - 49 kWh/tháng được chấm 20 điểm, nhưng ít hơn 25 kWh/tháng không có điểm. Thực tế, bà con vùng sâu, vùng xa, rất ít thiết bị sử dụng điện, tiền điện hằng tháng không nhiều, thậm chí có hộ chỉ vài nghìn hoặc hơn chục nghìn tiền điện/tháng...

Chị Lê Thị Tình, Trưởng phòng LĐ-TB&XH, Phó trưởng Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình huyện Tân Uyên cho biết: Cách đánh giá hộ nghèo có sự thay đổi từ đơn chiều sang đa chiều nhằm giúp bảo đảm mức sống tối thiểu, đồng thời đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, từng bước giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, với đặc thù nông thôn miền núi như tỉnh Lai Châu, một số tiêu chí chưa phù hợp thực tế. “Chúng tôi đã đề xuất tỉnh, Sở LĐ-TB&XH kiến nghị T.Ư  xem xét, bổ sung một số tiêu chí xác định hộ nghèo để đánh giá sát hơn, phù hợp hơn với điều kiện sống của người dân trên địa bàn”, chị Tình nói.

Chuẩn nghèo đa chiều nâng tiêu chí về thu nhập

Theo ông Tô Đức, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH), so với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới tập trung điều chỉnh, nâng tiêu chí về thu nhập bằng chuẩn mức sống tối thiểu tính tại thời điểm năm 2020; bổ sung chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các chỉ số đo lường các chiều thiếu hụt về y tế, dinh dưỡng, giáo dục - đào tạo, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin và người phụ thuộc trong gia đình; hộ nghèo phải đáp ứng cả hai tiêu chí thiếu hụt về thu nhập và các chiều dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm phù hợp phương pháp luận, bản chất nghèo đa chiều.

Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 được xây dựng dựa trên cách tiếp cận bảo đảm quyền con người, đặc biệt là quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân; hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm, bền vững cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần, được đáp ứng nhu cầu về điều kiện sống an toàn; tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao năng lực và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 có một số sửa đổi, bổ sung. Tiêu chí về thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, bổ sung thêm chiều việc làm, vì đây là chiều phản ánh thu nhập và điều kiện bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân. Chỉ số việc làm gắn với thu nhập cũng sẽ là cơ sở để phân loại đối tượng hộ nghèo giai đoạn tới để có các giải pháp tác động phù hợp.

“Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, ước tính tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khoảng 9,3%, tương ứng 2,5 triệu hộ với 10 triệu khẩu; tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 7%, tương ứng với 1,89 triệu hộ với 7,61 triệu khẩu. Ước tính khi thực hiện chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 chỉ đạt 78,30% so với giai đoạn 2016 - 2020; ngân sách chi để thực hiện các chính sách giảm nghèo bình quân là 25.000 tỷ đồng/năm (bao gồm ngân sách hỗ trợ chi mua bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ giáo dục, tiền điện, tín dụng/cấp bù lãi suất, trợ giúp pháp lý…) không làm gia tăng ngân sách so giai đoạn 2016 - 2020”, ông Đức cho biết.