Chủ động ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm

Những ngày qua, số người mắc các bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng nhanh chóng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Số ca bệnh khám và điều trị liên tục được ghi nhận tại các bệnh viện. Ngành y tế thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm chủ động ngăn chặn, khống chế và dập dịch.

Người dân cần chủ động đến khám tại các cơ sở y tế nếu thấy xuất hiện triệu chứng bệnh có nguy cơ truyền nhiễm.
Người dân cần chủ động đến khám tại các cơ sở y tế nếu thấy xuất hiện triệu chứng bệnh có nguy cơ truyền nhiễm.

Chín ca tử vong do sốt xuất huyết

Ghi nhận tại Khoa Nhiễm - thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1), số trẻ đến thăm khám và nhập viện điều trị do mắc bệnh tay chân miệng đông hơn thời điểm trước đó. Bệnh viện đã chủ động chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, bố trí đủ giường phục vụ chu đáo trong quá trình điều trị bệnh cho các bé. Có con nằm viện điều trị bệnh hai ngày nay, chị Trần Thị Hương (ngụ quận 6) cho hay, cách đây bốn ngày, con gái thứ hai gần 3 tuổi bị đau họng, sốt nhẹ, sau đó xuất hiện thêm các triệu chứng như: nổi bóng nước trên da, quanh miệng, bên trong má, lòng bàn tay và bàn chân... “Do hai vợ chồng có tìm hiểu và được trang bị kiến thức phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nên lập tức đưa cháu vào Bệnh viện Nhi đồng 1 để thăm khám. Bác sĩ kết luận cháu mắc bệnh tay chân miệng và cho nhập viện. Việc phát hiện và điều trị sớm giúp bé nhà tôi giảm hẳn các triệu chứng của bệnh”, chị Hương chia sẻ.

Nằm điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (quận 5) gần một tuần nay, ông Chu Văn Dần (ngụ huyện Hóc Môn) cho hay, địa bàn Hóc Môn đang nằm trong diện cao điểm dịch sốt xuất huyết. Dù được cơ quan chức năng và ngành y tế khuyến cáo về dịch nhưng bản thân ông chủ quan, thường nằm ngủ không mắc màn. “Cách đây hơn 10 ngày, khi ngủ dậy tôi thấy có dấu hiệu sốt cao, đau đầu, đau ê ẩm cả người và bắt đầu nổi phát ban… Khi đó, vợ chồng tôi mới đi thẳng lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thăm khám và làm xét nghiệm, kết quả dương tính với sốt xuất huyết. Nhờ nhập viện kịp thời và được điều trị đúng phác đồ nên bệnh tình đã thuyên giảm rất nhiều, chắc vài ngày nữa tôi sẽ xuất viện”, ông Dần cho biết.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết, nếu như thời điểm tháng 8, trung bình một ngày có khoảng 20 bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng, thì từ tháng 9 đến nay, con số này tăng lên hơn gấp đôi, với khoảng 40 đến 50 bệnh nhi nhập viện điều trị, một số trường hợp khá nặng phải thở máy. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, tháng 10 và 11 là thời gian cao điểm dịch bệnh tay chân miệng, đến tháng 12 mới hết dịch bệnh này. Do đó, các bậc phụ huynh cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ thường xuyên cho trẻ nhỏ như: Rửa tay và duy trì việc vệ sinh cá nhân, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh hoặc làm vệ sinh cho trẻ, trước khi chuẩn bị thức ăn hoặc sau khi ăn; rửa, khử trùng đồ chơi và các đồ vật khác mà bé thường tiếp xúc; giặt quần áo, ga trải giường, chăn màn bằng xà-phòng và nước nóng, phơi dưới ánh nắng mặt trời; tránh tiếp xúc với các bé bị nhiễm bệnh...

Dịch bệnh sốt xuất huyết cũng đang vào mùa cao điểm. Một trong những điểm nóng nhất của dịch bệnh là xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn). Địa bàn này có nhiều khu đất trống bị biến thành bãi tập kết rác thải, một số tuyến đường nước ứ đọng do không có cống thoát nước, cùng các vật dụng chứa nước trong hộ dân, tập quán trữ nước mưa... là điều kiện lý tưởng để loăng quăng, muỗi vằn sinh sôi phát triển. Mới nhất, trên địa bàn này đã có hai ca tử vong do mắc sốt xuất huyết. Theo Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn, toàn huyện có hơn 930 điểm nguy cơ phát sinh ổ dịch sốt xuất huyết thời gian tới.

Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong tháng 9, trên địa bàn thành phố đã có 6.573 ca mắc tay chân miệng (gồm cả ngoại trú và nội trú), tăng gần gấp đôi so tháng 8. Còn trong chín tháng năm 2019, tổng số ca mắc bệnh tay chân miệng là gần 15.000 ca, không có trường hợp tử vong và chỉ có 16% nhập viện điều trị. Về dịch bệnh sốt xuất huyết, thành phố có thêm hai ca tử vong, nâng tổng số tử vong do dịch bệnh này từ đầu năm đến nay là chín trường hợp (trong đó có bảy người lớn và hai trẻ em). Hầu hết các trường hợp tử vong đều do đến bệnh viện trễ, sau một thời gian tự mua thuốc điều trị tại nhà. Một số ít người có thể trạng béo phì, có bệnh mạn tính. Số mắc sốt xuất huyết trong tháng 9 trên toàn thành phố ghi nhận là 8.128 ca, tương đương tháng 8.

Chủ động ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm ảnh 1

Ngành y tế thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Ngăn chặn dịch bệnh bùng phát

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, đối với bệnh tay chân miệng, phần lớn số trường hợp đều ở thể nhẹ. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ không thể chủ quan mà cần cách ly để trẻ ở nhà, không nên đưa đến lớp nhằm hạn chế lây lan cho các trẻ khác. Đồng thời, quan tâm để sớm phát hiện các dấu hiệu trở nặng của bệnh (nếu có) để đưa đến cơ sở y tế điều trị kịp thời.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng. Đồng thời, hai ngành y tế và giáo dục thành phố đã ký kế hoạch liên tịch phối hợp trong hoạt động phòng, chống các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và sởi trong trường học. Hàng loạt các lớp tập huấn về kiểm soát bệnh trong trường học cũng đã được triển khai đến Ban giám hiệu và nhân viên phụ trách y tế của các trường. Hiện trung tâm đã triển khai đoàn giám sát, hỗ trợ các trung tâm y tế quận, huyện tổ chức các hoạt động phòng, chống bệnh tay chân miệng trong cộng đồng và trường học.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh trong môi trường học đường, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đề nghị hiệu trưởng các trường chủ động phối hợp với các cơ sở y tế và cơ quan liên quan của địa phương triển khai một số biện pháp như: Thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt đồ chơi, vật dụng trong lớp học hằng ngày bằng xà-phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Các trường có tổ chức lớp học bán trú, nội trú cần tăng cường vệ sinh chiếu, mền và phòng ngủ; tăng cường nhắc nhở học sinh rửa tay đúng quy trình trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng lưu ý, nếu có trường hợp học sinh bị bệnh, các đơn vị phải báo cáo ngay cho trung tâm y tế địa phương và Sở; cùng với đó tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học, đặc biệt tại các trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình…

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm. Người dân sống trong vùng dịch bệnh sốt xuất huyết lưu hành cần chủ động diệt loăng quăng và muỗi. “Khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện sốt cao đột ngột, kèm nhức đầu, đau sau hốc mắt hoặc có dấu hiệu xuất huyết nên đến khám tại các bệnh viện để chẩn đoán, điều trị đúng phác đồ. Nếu người bệnh được chỉ định điều trị ngoại trú, cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, khi thấy mệt nhiều, có triệu chứng xuất huyết, đau bụng… cần đến bệnh viện ngay để được cấp cứu”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng khuyến cáo.

Qua công tác giám sát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố ghi nhận có nhiều quận, huyện, nhất là khu vực ngoại thành chưa kiểm soát tốt các điểm nguy cơ gây sốt xuất huyết. Nhiều cơ sở kinh doanh vỏ xe, bồn nước cũ, vựa ve chai, các hộ chăn nuôi gà đá, hộ gia đình có vật chứa đựng nước… tạo thành các điểm nước đọng lưu cữu giúp muỗi đẻ trứng và phát triển, làm phát sinh nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết.

Ông Đỗ Thanh Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực diệt muỗi, diệt loăng quăng; đẩy mạnh việc xử phạt những trường hợp cá nhân, tổ chức cố tình không xử lý các điểm nguy cơ gây phát sinh dịch bệnh sốt xuất huyết.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, việc phòng, chống bệnh sốt xuất huyết không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành y tế. Đây là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở trong việc phải dọn dẹp, loại bỏ những nơi, những vật dụng chứa nước lưu cữu tạo điều kiện cho muỗi có thể đẻ trứng, phát triển và trở thành điểm nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết.