Chủ động để bảo đảm chương trình

Đến ngày 9-2, cả nước đã có 62 tỉnh, thành phố cho học sinh nghỉ thêm để phòng, chống dịch nCoV từ ngày 10 đến 16-2. Ngành giáo dục đã chủ động các phương án diệt khuẩn lần hai cũng như dạy và học online để bảo đảm chương trình.

Các trường học tại Hà Nội tiến hành khử khuẩn trong các đợt nghỉ. Ảnh: TTXVN
Các trường học tại Hà Nội tiến hành khử khuẩn trong các đợt nghỉ. Ảnh: TTXVN

Diệt khuẩn lần hai tại các trường

Hiện tại, các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đều thể hiện sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch nCoV tới các trường học.

Là địa bàn khá xa trung tâm Thủ đô, nhưng huyện Ba Vì đã có sự chuẩn bị chu đáo cho việc khử khuẩn, sát trùng lần hai theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hà Nội. Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh, xác định nguồn thuốc sát trùng, khử khuẩn khan hiếm, nhà trường đã chủ động liên hệ mua thêm 300 kg Cloramin B từ các đại lý. Ngoài ra, được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các lãnh đạo UBND huyện đã liên hệ Bệnh viện E để cung cấp thêm.

Với địa bàn quận Hoàn Kiếm, Trưởng phòng GD&ĐT quận Vương Hương Giang cho hay, các đơn vị liên quan đã họp và thu xếp các cơ sở ưu tiên để tiến hành phun dung dịch khử khuẩn trước. “Chúng tôi phun cuốn chiếu các cơ sở giáo dục theo từng địa bàn phường. Xong phường này sang phường khác, như vậy sẽ đạt hiệu quả cao và tránh tình huống lực lượng bị phân tán”, bà Giang cho biết.

Cũng là sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch nCoV, Trưởng phòng GD&ĐT quận Long Biên Vũ Thị Thu Hà cho biết: “Ở quận cứ hai ngày lại họp toàn lực lượng về công tác phòng, chống dịch. Lãnh đạo quận rất sát sao, đã chỉ đạo các lực lượng chuẩn bị đầy đủ lượng Cloramin B cần thiết, phát cho toàn bộ trường học để bắt đầu phun thuốc lần hai”.

Theo bà Hà, Phòng GD&ĐT quận đã chủ động liên hệ cơ sở bán máy phun thuốc, sau đó chia sẻ thông tin trên các diễn đàn nhà trường để ban giám hiệu chuẩn bị cho cơ sở mình. “Máy phun có giá 1,5 triệu đồng, chúng tôi đã khuyến nghị nhà trường chủ động chuẩn bị và 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn quận đã được trang bị”.

Hứng thú với dạy - học online

Đến thời điểm hiện tại, nhiều địa phương đã chốt phương án sẽ tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 16-2. Để thích ứng với việc học sinh (HS) nghỉ dài ngày, nhiều trường tiểu học, THCS hay THPT ở các thành phố lớn đã giao bài tập hoặc triển khai học online cho HS. Nhiều giáo viên làm video up Youtube, dùng ứng dụng học trực tuyến, in phiếu bài gửi qua mail để giúp HS ôn luyện kiến thức tại nhà.

Tại Trường Newton (Hà Nội), đội ngũ giáo viên đưa ra hai phương án triển khai gồm: cho HS làm bài trên hệ thống học tập trực tuyến hoặc thầy, cô gửi file bài tập hằng ngày. Môn học được áp dụng online gồm Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, hệ nước ngoài và một số môn về năng khiếu như Âm nhạc, Mỹ thuật.

Thầy Trần Hồng Thịnh, Tổ trưởng tổ Toán khối 5 Trường Newton cho biết, giáo viên có thể dùng nhiều cách khác nhau để truyền đạt kiến thức từ xa cho HS, như quay video bài giảng up Youtube, học qua Zalo, Facebook, Viber, làm bài tập trên hệ thống VioEdu.

Với cách học qua VioEdu, thầy Thịnh cho rằng, đây là phương pháp tốt với môn Toán vì ứng dụng có sẵn kho bài tập, bài kiểm tra lớn theo chuẩn kiến thức của Bộ GD&ĐT, do các chuyên gia biên soạn chuyên nghiệp và chất lượng, tạo hứng thú cho học sinh, lại có thể phân hóa đối tượng.

Ngoài Toán, các môn khác như Tiếng Việt, Tiếng Anh, chưa có sẵn kho bài giảng nên giáo viên sẽ sử dụng phần mềm để tự biên soạn và up bài lên hệ thống, sau đó HS tiếp nhận và làm bài. Ứng dụng có điểm mạnh là tương tác thuận tiện giữa giáo viên, HS và phụ huynh.

Qua quá trình theo dõi HS làm bài tập online, thầy Thịnh cũng nhận thấy, một số bạn chăm hỏi giáo viên hơn so học trên lớp, các em tỏ ra tự tin, tích cực, tâm lý bớt e ngại. “Hệ thống học trực tuyến này giúp các em luyện tập thêm, rèn kỹ năng phản xạ, vì ứng dụng có thể phân tích được điểm mạnh yếu HS đang gặp phải để tự động đưa ra dạng bài phù hợp”, thầy Thịnh cho biết thêm.

Hiện VioEdu gấp rút hỗ trợ tập huấn và trợ giúp hệ thống các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội sử dụng tính năng upload bài giảng, sử dụng bài giảng trên hệ thống, giao và kiểm tra bài tập về nhà của HS trên VioEdu, giúp HS luôn giữ được tinh thần học tập trong những ngày nghỉ do dịch bệnh.

Các giáo viên Trường tiểu học Ban Mai cũng sử dụng hệ thống VioEdu trực tuyến để hỗ trợ HS từ xa. Đặc biệt các thầy, cô sử dụng những phần mềm học Tiếng Anh, gửi mẩu truyện ngắn hấp dẫn giúp các em tập đọc, hay game lồng tiếng cho phim, gửi bài qua mail để giáo viên kiểm tra, đánh giá... Thời gian làm bài và gửi bài cho giáo viên cũng được nhà trường linh động, sao cho phù hợp với quỹ thời gian của từng phụ huynh.

Theo anh Nguyễn Mạnh Hà, Lê Văn Huấn phụ huynh hai bé Nguyễn Khắc Minh (lớp 6, Trường THCS Nguyễn Tất Thành) và Lê Danh Hiếu (lớp 3, Trường tiểu học Minh Khai) đang học trực tuyến trên VioEdu, ứng dụng hay và hiệu quả trong thời điểm hiện tại. Phần mềm nắm bắt tốt năng lực học tập của từng bạn dựa trên ứng dụng AI, kho bài tập phong phú, nhiều video sinh động, nên các bé đều học rất hào hứng.

Chủ động ôn luyện

Tại Hà Nội, kỳ thi vượt cấp lên THPT năm nào cũng căng thẳng vì chỉ có khoảng 60% HS đỗ suất học trường công. Theo kế hoạch, HS được biết ba môn thi chính thức gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ đầu năm học, còn một môn thi Sở GD&ĐT sẽ công bố vào tháng 3. Vì thế, trong đợt nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh lần này, các giáo viên, hiệu trưởng đều bày tỏ sự lo lắng sẽ ảnh hưởng đến tinh thần, chất lượng học tập của HS.

Bà Đỗ Thị Việt Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình, Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, ngay sau khi có thông tin được nghỉ học, nhà trường chỉ đạo giáo viên giao bài tập cho HS từ lớp 6 đến lớp 9 để củng cố kiến thức. Đặc biệt, với HS lớp 9, giáo viên phải soạn đề cương ba môn trọng tâm để các em ôn tập. Bà Việt Hiền nói rằng, nghỉ học là điều bắt buộc vì trường học là nơi dễ lây lan dịch bệnh, tuy nhiên nhà trường lo lắng chất lượng học tập của HS.

Còn ông Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Quan (Hà Nội) cũng cho rằng, không quá lo lắng về chương trình vì với việc nghỉ học đồng loạt, quy mô lớn như hiện nay, Bộ sẽ có kế hoạch cho HS học bù. Tuy nhiên, nghỉ học kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tinh thần, nền nếp HS. “Trong tuần tới HS tiếp tục nghỉ, nhà trường sẽ yêu cầu giáo viên có kế hoạch soạn đề cương, bộ đề cho HS ôn tập qua mạng, tránh xao nhãng kiến thức. Để làm được việc này, giáo viên sẽ rất vất vả nhưng cũng phải thực hiện”, ông Dũng nói.

Trao đổi về công tác giảng dạy trong tình huống dịch bệnh có thể kéo dài, Hiệu trưởng Trường THCS Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm Vũ Lan Anh phân tích, HS nghỉ hai tuần sẽ không gây xáo trộn lớn. Bởi thông thường, tuần thứ hai của tháng 5 là hoàn thành chương trình tại trường. Như vậy có nghĩa, nếu kéo dài thời gian nghỉ học, tức là các nhà trường sẽ phải kéo dài thời gian dạy bù trong tháng 5 và HS coi như không có thời gian nghỉ. “Trong tình huống HS được nghỉ thêm, chúng tôi sẽ đề xuất cơ quan chức năng dùng quỹ thời gian nghỉ hè để tiến hành các lớp học bù”, bà Lan Anh nói.

Phía lãnh đạo Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương, nhà trường chủ động, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch dạy học, tổ chức dạy học bù và hướng dẫn việc ôn tập cho HS phù hợp điều kiện thực tiễn. Bộ khuyến khích các trường tổ chức cho HS học tập qua mạng để giáo viên, HS có môi trường tương tác trực tiếp trong quá trình học tập, thảo luận với nhau; chấm bài, chữa bài cho HS.