Chạy đua với dịch

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chiều 2-5, đã có 20 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh, tám ca nhiễm trong cộng đồng. Đến nay, 13 tỉnh, thành phố thông báo có các trường hợp F1 trên địa bàn, trong đó có những địa phương chưa tìm được các F1 để đưa đi cách ly theo quy định. Bên cạnh đó, hàng nghìn F2 đã và tiếp tục được thống kê. Dự kiến số lượng F1, F2 trong cộng đồng sẽ còn tăng.

Mỗi người cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi công cộng. Ảnh: TTXVN
Mỗi người cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi công cộng. Ảnh: TTXVN

Nhiều nguy cơ

Đáng lưu ý, theo CDC Hà Nội, hai bệnh nhân mới nhất trú ở Hoàng Mai và Hai Bà Trưng (Hà Nội) làm việc ở quán Bar Sunny, Khu đô thị Đông Sơn, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đã đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người và hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh. Ngay sau đó, Bộ Y tế đã phát đi thông báo khẩn số 38 tìm người liên quan bệnh nhân Covid-19 mới được phát hiện.

Trong khi đó, PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, hiện nhiều người dân khá chủ quan trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. “Thời điểm này là lúc người dân cần cảnh giác và tuân thủ tuyệt đối thông điệp 5K của Bộ Y tế gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - khai báo y tế - không tập trung. Tuy nhiên, hình ảnh những điểm du lịch tập trung đông người trong ngày nghỉ lễ thật đáng lo ngại. Cả cộng đồng sẽ ra sao, nếu có ca mắc trong các tụ điểm ấy. Chỉ một ca nhiễm thôi cũng kéo theo nhiều hệ lụy, tổn thất cho cả đất nước!”, ông Phu lo lắng.

Sáng 2-5, trên đường phố Hà Nội rất nhiều người “quên” đeo khẩu trang, hoặc đeo không đúng cách. Tại nhiều quán ăn, hàng cà-phê, trà đá, các bạn trẻ ngồi thành từng nhóm và phần lớn không đeo khẩu trang. Tại các trung tâm thương mại, bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội như Yên Nghĩa, Mỹ Đình, Giáp Bát... rất dễ nhận ra sự lơ là trong phòng dịch. Nhiều người chỉ đeo khẩu trang khi đi qua cửa kiểm tra, khi vào trong lại tháo ra. Một phần lý do “quên” khẩu trang của những người dân là thời tiết nóng bức, phần khác là tâm lý chủ quan khi từ lâu Việt Nam không xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hà Nam về tình hình dịch bệnh, tính đến sáng 2-5, tỉnh đã ghi nhận thêm hai ca dương tính với SARS-CoV-2 liên quan ổ dịch thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân. Như vậy, tính đến 7 giờ sáng 2-5, chùm lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hà Nam liên quan BN 2899 đã lên tới 12 trường hợp.

Xử lý nghiêm

Sáng 2-5, BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hà Nam đã họp khẩn về công tác phòng, chống dịch, xem xét quy trách nhiệm, xử lý và kỷ luật những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng, chống dịch. Theo đó, với cá nhân ca bệnh 2899, là công dân Việt Nam, từ Nhật Bản về, đã hoàn thành thực hiện cách ly ở Đà Nẵng nhưng khi về địa phương chưa thực hiện nghiêm các quy định của địa phương phải tự cách ly tại nhà mà vẫn tổ chức liên hoan, ăn uống gây hậu quả để một số người mắc Covid-19. Trước hết phải xử lý phạt hành chính, giao cho công an tỉnh và các ngành thực thi pháp luật rà soát hồ sơ vụ việc, nếu đủ căn cứ vi phạm sẽ truy cứu hình sự. 

Cũng trong ngày 2-5, Bộ Y tế đã có Công điện khẩn số 583/CĐ-BYT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, hiện nay nước ta đã ghi nhận một số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại một số tỉnh, thành phố và có nguy cơ lây lan ra các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, trong những ngày qua vẫn còn nhiều tỉnh, thành phố để xảy ra hiện tượng tập trung đông người tại các khu vực công cộng (bãi biển, khu vui chơi, du lịch...), chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia) đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai các nội dung, như: Không tổ chức các hoạt động tập trung đông người không cần thiết (lễ hội, khu phố đi bộ, chợ đêm...); trường hợp tổ chức phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm các biện pháp dự phòng theo đúng quy định, đặc biệt phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và tại nơi công cộng.

UBND các tỉnh, thành phố xem xét chỉ đạo dừng một số dịch vụ không thật sự cần thiết (quán bar, karaoke, vũ trường, phòng game) có nguy cơ cao lây lan dịch Covid-19. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông thực hiện “thông điệp 5K” theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tại nơi công cộng; thực hiện xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh ở các nước trong khu vực, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý: Bên cạnh việc tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 cho lực lượng tuyến đầu, các địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát, ngăn chặn, không để dịch thâm nhập, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Các cơ quan, đơn vị cần chuẩn bị tốt tất cả kịch bản cho vấn đề lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và người dân cần phải thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.