Cấp thiết phát triển bus mini tại TP Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh xác định phát triển bus mini là cần thiết và cấp bách bởi phần lớn các đường hẻm trên địa bàn phù hợp loại phương tiện này. Chủ trương này nhằm “kéo” người dân đi lại bằng vận tải công cộng nhiều hơn, góp phần hạn chế sử dụng xe cá nhân…

Ùn tắc giao thông tại các tuyến đường lớn khiến xe bus ngày càng thất thế.
Ùn tắc giao thông tại các tuyến đường lớn khiến xe bus ngày càng thất thế.

Ở hẻm khó tiếp cận xe bus

Hẻm 549 - nối giữa đường Xô Viết Nghệ Tĩnh sang đường Đinh Bộ Lĩnh (phường 26, quận Bình Thạnh), là tuyến đường hẻm đông đúc. Khu vực này ngoài dân cư đông thì các trường đại học như Ngoại thương cơ sở II, Giao thông vận tải, Công nghệ - Hutech và bến xe Miền Đông… bao quanh, càng gây quá tải mỗi khung giờ cao điểm sáng, chiều. 

“Tuyến hẻm này nằm ngay trục giao thông quan trọng của thành phố để đi ra bến xe Miền Đông, QL 13 ra QL 1 hướng về Bình Dương, Đồng Nai. Ở chiều ngược lại, hướng đi sân bay Tân Sơn Nhất, đi ngã tư Hàng Xanh vào trung tâm thành phố. Thế nên, dù mặt đường được tổ chức hai chiều nhưng các phương tiện ô-tô lẫn xe máy lưu thông gây ùn ứ thường xuyên. Cũng vì thế mà các tuyến xe bus không thể tiếp cận để đưa rước người dân”, ông Lê Văn Nghề (ngụ 131/19 hẻm 549, phường 26, quận Bình Thạnh) cho hay.

Để giảm áp lực cho con hẻm này, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh đã ra phương án điều chỉnh tổ chức lưu thông hai chiều xe đối với xe hai bánh và một chiều đối với xe ô-tô tại đây. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm hằng ngày, lượng xe đông đúc vẫn khiến cho con hẻm quá tải.

Bà Nguyễn Mai Hương (ngụ tại hẻm đường Nguyễn Thị Định, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) cho biết: “Tuyến đường hẻm không có xe bus chạy qua do bề rộng chỉ khoảng 6 m nên các con tôi, đứa thì đi xe máy, đứa thì đi xe ô-tô dưới 16 chỗ để đến trường”.

Thực tế, tại hầu hết các tuyến hẻm kết nối các tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn thành phố, chiều rộng chỉ từ 4 - 6 m. Do đó, mỗi khi người dân đi lại bằng xe bus đều rất khó khăn trong việc tiếp cận. Trong khi trạm xe bus bố trí tại các tuyến đường lớn thường xa chỗ ở người dân trong các con hẻm.

Theo số liệu của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, mạng lưới đường bộ tại thành phố có hơn 4.900 tuyến đường, trong đó có tới khoảng gần 3.500 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7 m, tương đương hơn 55% tuyến đường chỉ không đủ để tổ chức hoạt động xe bus. Cùng với đó, có khoảng hơn 80% người dân thành phố sống trong các con hẻm. Hiện, mật độ đường giao thông tại thành phố chỉ đạt 2,17 km/km² (theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam phải đạt 10 - 13,3 km/km²). 

“Thành phố chỉ có khoảng 14% số đường có mặt đường rộng hơn 12 m để có thể tổ chức vận chuyển hành khách bằng xe bus được thuận lợi. Trong khi, quá tải về hạ tầng giao thông đường bộ đã khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra hầu hết tại các trục đường chính vào giờ cao điểm, khiến người dân đi xe bus sụt giảm”, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (thuộc Sở GTVT) Đỗ Ngọc Hải nêu.

PGS, TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học cho rằng, đường sá TP Hồ Chí Minh có quá nhiều giao cắt đồng mức và không đồng mức, toàn thành phố có đến hàng nghìn đường nhánh đâm từ các hẻm ra các đường trục tạo ra vô số các điểm giao cắt không theo quy luật nào cả. Do đó, giải pháp bổ sung thêm bus mini là tối ưu trong tình hình hiện nay. 

Phát triển xe bus mini là tất yếu

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh về đề xuất sử dụng xe ô-tô có sức chứa từ 12 đến 17 chỗ để hoạt động trên các tuyến xe bus bảo đảm phù hợp hạ tầng thành phố. Theo đó, Bộ đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở GTVT phối hợp cơ quan liên quan rà soát tỉnh khả thi của đề án để trình Thủ tướng xem xét cho phép triển khai.

PGS, TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông (Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Nghịch lý phát triển xe bus hiện nay tại thành phố là xe buýt cỡ lớn đang phải chạy rỗng rất nhiều do không tiếp cận được các tuyến hẻm. Trong khi, phần lớn người dân sống trong các con hẻm có nhu cầu đi xe bus cao lại khó tiếp cận vận tải công cộng này. Do đó, để kéo người dân đi lại bằng xe bus cần thiết phải phát triển xe bus mini”.

Đồng quan điểm, theo PGS, TS Nguyễn Minh Hòa, TP Hồ Chí Minh đang trong quá trình phát triển, hình thành các tuyến metro và xe bus nhanh (BRT), nhưng sẽ không có khách nếu không có loại hình xe bus mini vận chuyển khách nhỏ lẻ từ các điểm khác nhau. Bởi loại xe bus nhỏ này sẽ thu gom khách từ các khu dân cư phân bố chủ yếu trong đường hẻm, khu công nghiệp, trường học đến các ga của metro, các trạm xe bus BRT và đến các bến xe như bến xe Miền Đông, Miền Tây, Ngã Tư Ga, Chợ Lớn... 

Thế nhưng, PGS Hòa cho rằng, muốn loại xe này được đưa vào sử dụng, trước hết, Bộ GTVT phải xem xét lại và ủng hộ TP Hồ Chí Minh trong việc sử dụng xe bus nhỏ. Kế đến, Sở GTVT thành phố phải đánh giá lại xem loại xe nào phù hợp nhất hiện trạng đường sá và nhu cầu của người dân để lựa chọn mẫu xe phù hợp. Mặt khác, nghiên cứu các quy chế hoạt động để cho loại xe này mang lại hiệu quả và lợi ích kinh tế - xã hội cho thành phố.

Trao đổi với Thời Nay, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Võ Khánh Hưng đánh giá, việc triển khai bus mini phù hợp đặc thù của thành phố. “Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu kiểm soát sử dụng xe cá nhân tham gia giao thông. Trong đó, đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng phục vụ được 15% và đến năm 2030 phục vụ được 25% nhu cầu giao thông đô thị”, ông Võ Khánh Hưng cho hay.

Mới đây nhất, UBND TP Hồ Chí Minh gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Chính phủ xem xét, cho phép thành phố được thí điểm triển khai xe bus nhỏ chạy trong các tuyến gom. Cuối tháng 3-2021 vừa qua, Bộ GTVT lại có văn bản yêu cầu UBND thành phố cần có đánh giá chi tiết về vấn đề này: “TP Hồ Chí Minh cần bảo đảm đúng tính chất việc dùng xe bus cỡ nhỏ phục vụ người dân từ các khu dân cư đường hẹp ra đường rộng để kết nối mạng tuyến xe bus hiện tại và tuyến đường sắt đô thị đang hoàn thiện đưa vào khai thác trong thời gian tới”.

Song song đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về chủ trương thí điểm triển khai dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe bus điện trên địa bàn. Động thái này được thực hiện sau khi Tập đoàn Vingroup đề xuất cho phép thực hiện đề án gồm năm tuyến bus điện ở thành phố. UBND thành phố nhận định việc phát triển xe bus điện là phù hợp chủ trương, chiến lược phát triển dịch vụ vận tải của Chính phủ, Bộ GTVT và mục tiêu phát triển đô thị bền vững, hướng đến phương tiện thân thiện với môi trường, hiện đại của thành phố.

Về vấn đề này, Chính phủ cũng đã có văn bản tới UBND TP Hồ Chí Minh, nêu ý kiến về việc triển khai dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe bus điện trên địa bàn. Theo đó, chủ trương đưa xe bus điện vào hoạt động thí điểm không thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp cần thiết, UBND TP Hồ Chí Minh nghiên cứu, tham khảo định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá mà UBND thành phố Hà Nội đang triển khai thí điểm để tự quyết định hoạt động thí điểm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan để ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với loại hình xe bus điện để triển khai chính thức, phù hợp điều kiện giao thông trên địa bàn thành phố.

Theo kế hoạch phát triển bus mini của UBND TP Hồ Chí Minh, giai đoạn từ năm 2021 - 2022, thành phố dự kiến mở mới 20 tuyến xe bus sử dụng phương tiện nhỏ kết nối dọc tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), 10 tuyến xe bus kết nối với tuyến xe bus nhanh BRT số 1 (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) và một số tuyến xe bus kết nối với các khu đô thị mới.