Cấp tập, đồng lòng chống dịch

Thực tế hiện nay, đã có địa phương qua  20 ngày dịch bùng phát, nguy cơ dịch lây lan vẫn còn cao. Cuộc chiến với Covid-19 vẫn cần hơn nữa sự quyết liệt bằng những hành động chủ động, quyết đoán, kịp thời.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác phòng, chống dịch. Ảnh: TTXVN
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác phòng, chống dịch. Ảnh: TTXVN

Mỗi đợt dịch là một cuộc chiến mới  

Ghi nhận của phóng viên, chiều 18-2 tại Trung tâm Y tế quận Tây Hồ, Hà Nội, đã có rất đông người liên quan hoặc trở về từ Hải Dương từ 0 giờ ngày 2 đến ngày 16-2 đến để lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội đã yêu cầu mở rộng lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 với những người từ Hải Dương về Hà Nội trong vòng 14 ngày kể từ ngày 2-2 đến ngày 16-2 và thực hiện giám sát sức khỏe tại nơi cư trú. Nghe thông tin này, vợ chồng chị Vũ Hà Trang sống tại phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ đã đến Trung tâm Y tế quận để lấy mẫu xét nghiệm. “Vừa rồi hai vợ chồng tôi có về quê ăn Tết ở Hải Dương, sáng nay nhận được thông báo của UBND phường nên chúng tôi đã đến Trung tâm Y tế quận để lấy mẫu xét nghiệm. Tôi rất ủng hộ việc làm này để dịch không lây ra cộng đồng, tôi hy vọng sẽ có kết quả âm tính”, chị Trang chia sẻ.

Người dân tự giác khai báo y tế, số người xét nghiệm gia tăng đồng nghĩa tăng áp lực công việc đối với đội ngũ y tế dự phòng. Tuy nhiên họ luôn nỗ lực hết mình. Từ khi phát hiện đợt dịch mới có nguồn lây từ tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hải Dương (ngày 27-1) cho đến nay, đã có ngày Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội phải lấy đến hơn 11.400 mẫu. Như vậy, có ngày cán bộ CDC phải làm việc tới hơn 300% công suất. “Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, CDC Hà Nội không quản ngại ngày đêm phối hợp các đơn vị liên quan triển khai xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng, giám sát các đối tượng mắc và nghi nhiễm Covid-19 một cách nhanh chóng và kịp thời, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, không để dịch lây lan ra cộng đồng”, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.

Bác sĩ Trần Thị Phương, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng tâm sự, mỗi đợt dịch là một cuộc chiến mới. Trong những ngày chống dịch, ca làm việc của cán bộ y tế kéo dài hơn ngày thường, khối lượng công việc nhiều kéo theo căng thẳng, áp lực. Nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ liên tục trong gần 10 giờ/ngày, mồ hôi ướt sũng, mờ cả lớp kính bảo hộ nhưng tất cả cùng động viên nhau hoàn thành tốt công việc. “Có những bác sĩ, nhân viên y tế đang nuôi con nhỏ mà mấy tuần liền chỉ được gặp con qua điện thoại. Có hôm phải đến 5 giờ sáng mới xác minh xong đối tượng F1, F2”, bác sĩ Phương Anh chia sẻ.

Trên mặt trận điều trị cũng vậy, dù có những lúc dịch tạm lắng rồi lại “nóng” lên, nhưng công việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư hơn một năm qua chưa lúc nào bớt căng thẳng. Ngoài các ca nhiễm trong cộng đồng, BV còn liên tục tiếp nhận điều trị các ca bệnh nhập cảnh, vì thế các y, bác sĩ chưa được ngơi tay. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, khó khăn lớn nhất là chúng ta phải đương đầu với một bệnh lý mới. Suốt cuộc chiến, các bác sĩ tại đây đã phải vắt óc tìm hiểu, nghiên cứu, đưa ra nhiều quyết định cả về phác đồ điều trị lẫn công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Có thể nói, các bác sĩ tại đây đã có đóng góp rất to lớn trong việc khống chế thành công dịch Covid-19, cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch tại miền bắc.

Duy trì chiến lược phòng dịch trong chủ động

Tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 sáng 19-2, TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam ghi nhận bốn biến thể của virus SARS-CoV-2, gồm: D614G từ châu Âu (dịch tại Đà Nẵng); B.1.1.7 từ Anh đang gây dịch tại Hải Dương; B.1.351 từ Nam Phi trên bệnh nhân người Nam Phi (BN1422), nhập cảnh sân bay Nội Bài từ Nam Phi ngày 19-12-2020; A.23.1 từ Rwanda, châu Phi tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh. Đáng lưu ý, biến chủng virus tại Hải Dương là biến thể Anh B.1.1.7 có khả năng lây lan nhanh hơn virus gây dịch tại Đà Nẵng (biến thể châu Âu D614G). Có năm ổ dịch lớn gồm: thành phố Chí Linh, huyện Cẩm Giàng, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách và thành phố Hải Dương.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh cũng cho biết, Hải Dương hiện dẫn đầu số người mắc, trung bình mỗi ngày hơn 20 ca. Đến nay đã hơn 20 ngày, nhưng số mắc vẫn rất cao. “Số ca Covid-19 mới tại Hải Dương vẫn rất cao. Tình hình tại đây vẫn rất phức tạp”, PGS Khuê nói.

“Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là trong quý I phải coi công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên cấp bách cũng như lâu dài. Coi công tác phòng, chống dịch không thể kết thúc được trong sáu tháng đầu năm và ngay cả trong năm 2021. Vì thế, Bộ Chính trị yêu cầu tất cả các cấp ủy tăng cường công tác phòng, chống dịch”, Bộ trưởng Y tế, GS, TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Sau ba tuần chống dịch, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, tất cả các địa phương không được chủ quan, lơ là, không được nghĩ rằng dịch không xảy ra ở khu vực mình. Thực tế vừa qua cho thấy dịch có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, địa phương nào, như Gia Lai, tưởng như không có yếu tố dịch tễ nhưng đã ghi nhận đến 27 ca bệnh. “Vì vậy trong tư tưởng, kế hoạch, hành động luôn phải xác định dịch có thể xảy ra bất cứ khi nào để không luống cuống, chủ động đối phó. Với hệ thống y tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, Việt Nam kiên định theo nguyên tắc phát hiện sớm, ngăn ngừa, khoanh vùng, dập dịch”, Bộ trưởng nói.

Đặc biệt, Bộ trưởng Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố cần chuẩn bị ngay bốn kịch bản:

Thứ nhất, các địa phương phải chuẩn bị kịch bản giãn cách, cách ly với F1 do không địa phương nào có sẵn cơ sở cách ly. Quan điểm của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo là phải cách ly triệt để F1 để ngăn chặn mầm bệnh lây nhiễm ra cộng đồng. Phải tính tình huống dịch xảy ra trong khu công nghiệp, trường học, BV… kịch bản giãn cách ra sao, không thể lấy một trường học làm nơi cách ly nhưng không có sẵn bộ máy, phải lấy nơi khác về. Trong cách ly phải phối hợp chặt chẽ với quân đội do dân sự quản chưa nghiêm, còn hiện tượng lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

Thứ hai, các địa phương cần quản lý đến từng người dân để khi xảy ra ổ dịch trên địa bàn, chính quyền nắm được người từ nơi khác đến, người đang phải cách ly, khi giãn cách tránh tình trạng gia đình này giao lưu gia đình khác và tránh lây nhiễm trong khu phong tỏa.

Thứ ba, đề nghị các địa phương chuẩn bị ngay các phương án xét nghiệm và kịch bản xét nghiệm số lượng lớn và phải nâng công suất xét nghiệm trong thời gian rất ngắn. Vừa qua, Bộ Y tế đã phải huy động lực lượng xét nghiệm đến các địa phương nhưng nếu nhiều địa phương cùng bùng phát, không thể hỗ trợ được. Do đó, các địa phương phải đặc biệt quan tâm đến công suất xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm. Tất cả cán bộ y tế đều phải được tập huấn về lấy mẫu.

Thứ tư, chuẩn bị phương án điều trị trường hợp có nhiều bệnh nhân. Khoa Truyền nhiễm tại các BV chỉ có đủ khả năng thu dung điều trị 10 - 20 bệnh nhân, vượt quá sẽ quá tải. 

Nhìn lại diễn biến từ khi dịch xuất hiện tại Hải Dương, Quảng Ninh, sau đó là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cùng những hành động nhanh chóng, kịp thời, quyết liệt của các ngành, các cấp, lực lượng chống dịch ở địa phương đã cho thấy sự tin tưởng rằng, dịch sẽ được kiểm soát sau Tết và dần bị đẩy lùi. 

Nói về công tác phòng, chống dịch Covid-19 đến thời điểm hiện tại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: “Tất cả cuộc sống của người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước của nhiều nước trên thế giới. Chúng ta có được thành công đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chúng ta có đội ngũ thầy thuốc, lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân và nhiều lực lượng chức năng khác, nhưng đặc biệt là nhân dân Việt Nam rất tuyệt vời!”.