Cần sự chung tay hạn chế rác thải nhựa

Tình trạng ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nylon và xả rác thải nhựa tràn lan đang gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người dân. Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp, nhưng để hạn chế được lượng rác thải nhựa xả ra môi trường vẫn đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng.

Hệ thống siêu thị sử dụng túi giấy đựng hàng hóa cho người dân thành phố Hồ Chí Minh.
Hệ thống siêu thị sử dụng túi giấy đựng hàng hóa cho người dân thành phố Hồ Chí Minh.

Thói quen gây hại môi trường sống

Theo ghi nhận, người dân TP Hồ Chí Minh vẫn phổ biến sử dụng túi nylon trong sinh hoạt và xả ra môi trường một lượng lớn rác thải nhựa hằng ngày. Có mặt tại đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2 và quận 9), cứ vào khoảng 16 giờ đến hơn 18 giờ chiều tối, các xe chở rác tư nhân và của công ty môi trường đô thị hai quận nói trên đều đi đến từng hộ dân thu gom rác. Tại đây, chủ yếu là nguồn rác thải sinh hoạt, thế nhưng điều đáng nói là túi nylon vẫn được sử dụng chủ yếu để đựng rác.

Chị Trần Tuyết Nga (ngụ đường 39, phường Bình Trưng Tây, quận 2) cho biết, mặc dù chính quyền địa phương tuyên truyền đến tận khu phố và đến mỗi hộ gia đình về việc hạn chế rác thải nhựa và sử dụng túi nylon, nhưng phần đông người dân vẫn chưa thay đổi được thói quen này. Theo chị Nga, một phần do đựng rác bằng túi nylon tiện lợi trong khi các dụng cụ để thay thế chưa phổ biến nhiều, nếu có thì giá thành cao hơn nhiều so túi nylon.

Tương tự, tại các quán ăn, uống trên đường Rạch Bùng Binh (phường 9, quận 3), cứ khoảng hơn 7 giờ sáng, các hộ kinh doanh lại tập hợp sẵn rác với đủ loại chai, vỏ nhựa cũng như túi nylon bọc bên ngoài chờ xe thu gom rác đến thu dọn. Bởi vậy, rác thải chủ yếu là nhựa và nylon.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, trong tổng số 9.000 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh ra môi trường mỗi ngày trên địa bàn thành phố thì có tới 1.800 tấn rác thải nhựa và nylon. Tại các chợ truyền thống, cửa hàng bách hóa, kinh doanh và các hộ gia đình trên địa bàn thành phố vẫn phổ biến sử dụng ống hút nhựa, chai nhựa, túi nylon. Thói quen này không chỉ gây hại cho môi trường mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người.

Bà Đỗ Thị Diễm Thúy, Phó trưởng Phòng xử lý rác thải rắn (Sở TN&MT) cho biết, nhiều năm trở lại đây, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm do chất thải nhựa và túi nylon. Kết quả, tại hệ thống siêu thị đã giảm gần 80% lượng túi nylon khó phân hủy. Cụ thể, từ hơn 370 tấn/năm 2010 còn khoảng 80 tấn/năm 2015). Hiện nay, tất cả các siêu thị đã sử dụng túi nylon tự hủy, thân thiện môi trường. Mặc dù vậy, lượng túi nylon sử dụng tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại vẫn rất cao và tăng đều mỗi năm. Trong khi đó, tỷ lệ, khối lượng rác nhựa, túi nylon phát tán từ hộ gia đình, hộ kinh doanh được thu gom, tái chế chỉ chiếm hơn 50%. Do đó, để hoạt động này được duy trì và tăng dần việc sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, TP Hồ Chí Minh rất cần sự chia sẻ và đồng hành của mỗi người dân.

Cần sự chung tay hạn chế rác thải nhựa ảnh 1

Rác thải nhựa và túi nylon được thu gom trên đường Rạch Bùng Binh, quận 3.

Nâng cao ý thức về môi trường

Về giải pháp, bà Lê Thị Tấn Lộc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 10 cho hay, trước đây, mọi người chưa quan tâm vấn nạn rác thải nhựa. Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 10 đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chị em phân loại rác tại nguồn và thực hiện chương trình chống rác thải nhựa bằng cách tổ chức các ngày hội vào thứ bảy, chủ nhật thông qua các chương trình văn nghệ, bày bán các gian hàng ẩm thực với các đồ dùng thân thiện môi trường. Hoạt động đã tạo nên hiệu ứng tích cực. Kết quả, ngoài chị em phụ nữ tham gia ngày càng đông, nay có cả người cao tuổi, đàn ông, trẻ nhỏ... cũng tham gia rất tích cực. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 10 còn phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện khác đưa ra nhiều cách làm hay, hiệu quả nhằm chung tay hạn chế rác thải nhựa như: bố trí các thùng rác phân loại hữu cơ, vô cơ tại mỗi gia đình; đổi chai nhựa lấy chai thủy tinh, túi giấy; vẽ tranh cổ động về môi trường… Từ đó, nâng cao ý thức mỗi hộ gia đình và giảm dần tình trạng xả thải nhựa.

Nhiều năm qua, Liên hiệp HTX thương mại thành phố (Saigon Co.op) đã hạn chế tối đa sử dụng sản phẩm nhựa, túi nylon dùng một lần trong mọi hoạt động. Saigon Co.op còn triển khai nhiều hoạt động khác như: tổ chức thu gom chất thải nhựa, chai nhựa đổi quà, sản phẩm cho khách hàng; khuyến khích khách hàng sử dụng túi vải, túi thân thiện môi trường khi mua sắm tại siêu thị; khuyến khích các nhà cung cấp sử dụng bao bì thân thiện môi trường, tăng cường các sản phẩm xanh tới người tiêu dùng. Trong đó, từ tháng 3 vừa qua, tất cả siêu thị của Saigon Co.op đã chủ động sử dụng lá chuối, lá sen thay thế túi nylon để gói, bọc thực phẩm, góp phần tích cực thay đổi nhận thức, trách nhiệm và thói quen của các siêu thị cùng người tiêu dùng, vì lợi ích cộng đồng.

Còn theo GS, TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), để thay thế sản phẩm túi nylon cần sự chung sức đồng lòng từ ba phía, gồm doanh nghiệp, người dân và chính quyền. Đối với các doanh nghiệp, cần có lộ trình giảm thiểu việc sản xuất túi nhựa sử dụng hằng ngày hoặc chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm tái chế. Đối với người dân, cần thay đổi hành vi sử dụng như chuyển đổi thói quen khi đi chợ có thể sử dụng túi đựng nhiều lần, sử dụng túi dễ phân hủy. Về phía chính quyền, cần tăng cường kiểm tra các hoạt động tái chế, kiểm soát việc sử dụng túi nylon tại các siêu thị, chợ truyền thống.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT thành phố, những năm gần đây, ô nhiễm chất thải nhựa được xem là vấn nạn toàn cầu, là mối quan tâm lớn trên thế giới và tại Việt Nam. Cùng với cả nước, TP Hồ Chí Minh đã chủ động thực hiện nhiều chương trình nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức, cá nhân bán lẻ giảm sử dụng túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần cũng như kiểm soát ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa. Để công tác bảo vệ môi trường, phong trào hạn chế rác thải nhựa đi vào thực tế và hiệu quả hơn, thời gian tới, Sở TN&MT sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương cùng các sở, ngành, UBND 24 quận, huyện, Ủy ban MTTQ thành phố và đoàn thể các cấp, tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào này. Theo đó, Sở TN&MT, Sở Công thương, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, đã ký kết phối hợp đẩy mạnh phong trào “chống rác thải nhựa” trên địa bàn thành phố, với các nhiệm vụ được triển khai như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… về tác hại của chất thải nhựa và túi nylon khó phân hủy đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; giảm thiểu tiêu dùng, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; tăng cường phân loại để chất thải nhựa có thể được tái sử dụng, tái chế; vận động các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, nhà sách, cửa hàng ăn uống, các tổ chức và cá nhân bán lẻ giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và nylon khó phân hủy, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện môi trường; định kỳ tổ chức các hoạt động tổng vệ sinh, thu gom rác thải nhựa tồn đọng tại các khu vực công cộng, khu đất trống, sông, kênh rạch... và có giải pháp duy trì kết quả đạt được trong thời gian tiếp theo. “Hy vọng mỗi phong trào, việc làm và hành động nhỏ sẽ góp phần giảm thiểu được lượng rác thải nhựa, túi nylon xả ra môi trường, đem lại môi trường sống tốt hơn cho mỗi người dân”, ông Thắng nêu rõ.

Thời gian tới, UBND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đưa chỉ tiêu về giảm sử dụng túi nylon trên địa bàn vào chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020 với các giải pháp hết sức cụ thể như: tiếp tục tuyên truyền, vận động được khoảng 65% người dân thực hiện việc giảm thiểu sử dụng túi nylon khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại và chợ truyền thống. Đồng thời, đưa ra chỉ tiêu khoảng 80% số người dân thực hiện các hành động bảo vệ môi trường trong cuộc sống hằng ngày. Cùng với đó, thành phố đặt ra chỉ tiêu thu gom 100% chất thải phát sinh trên địa bàn và có ít nhất 50% lượng chất thải nhựa trong đó được thu hồi và tái chế. Đồng thời, tăng cường xử phạt đối với các đơn vị sản xuất túi nylon khó phân hủy mà chưa thực hiện đúng quy định về thuế bảo vệ môi trường.