Giáo dục phổ thông tại các trường nghề:

Cần quy về một mối?

Kỳ 2: Xây dựng mô hình “vừa học, vừa làm” tinh gọn

Thị trường lao động Việt Nam đang rất cần những lao động đã được đào tạo nghề bài bản. Ảnh: QUYẾT THẮNG
Thị trường lao động Việt Nam đang rất cần những lao động đã được đào tạo nghề bài bản. Ảnh: QUYẾT THẮNG

Tính đến năm 2020, cả nước có 244 trường cao đẳng (CĐ) và 437 trường trung cấp (TC) có thực hiện tuyển sinh và đào tạo trình độ TC cho các đối tượng tốt nghiệp THPT. Hiện có khoảng gần 400 trường đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu giảng dạy văn hóa THPT theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Mỗi năm hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tuyển được khoảng 350 nghìn học sinh (HS) học trình độ TC, trong đó có hơn 80% số HS tốt nghiệp THCS có nguyện vọng học và thi lấy bằng tốt nghiệp THPT. Sự thiếu nhất quán trong quản lý đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người học.

Kiến nghị trường TC, CĐ được dạy văn hóa THPT

Theo Luật GDNN, Luật Giáo dục năm 2019, người học tốt nghiệp THCS đi học trình độ TC, có thể học thêm văn hóa THPT để liên thông lên trình độ cao hơn và Bộ trưởng GD&ĐT có trách nhiệm ban hành thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học phải tích lũy. Tuy nhiên, đến nay Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành được thông tư này.

Trước năm 2018, tại nhiều địa phương, Sở GD&ĐT đã cho phép các trường (TC nghề, CĐ nghề, TC chuyên nghiệp, CĐ) được giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT (bảy môn văn hóa bắt buộc). Người học, sau khi hoàn thành chương trình được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT để nhận được Bằng tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, người học có bằng tốt nghiệp TC nếu đã học xong khối lượng kiến thức văn hóa THPT (bốn môn) theo quy định tại Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT thì cũng được tham dự kỳ thi ĐH.

Tuy nhiên, kể từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các sở GD&ĐT không cho phép các cơ sở GDNN được tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT, mà chỉ được giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 (tức là chỉ được dạy chương trình bốn môn học) để chỉ liên thông từ TC lên CĐ trong hệ thống GDNN, chứ không liên thông lên ĐH.

Tại Công văn số 2672/BGDĐT-GDTX ngày 20-6-2019 về việc tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động tại các trung tâm GDTX, cũng như các văn bản hướng dẫn, trả lời tại các địa phương, Bộ GD&ĐT đã quy định việc thực hiện chương trình GDTX cấp THPT để tham dự kỳ thi lấy bằng tốt nghiệp THPT phải do các trung tâm GDTX chủ trì thực hiện. Trong khi đó, ở nhiều địa phương, số HS tốt nghiệp THCS vào học GDNN ngày càng đông, hơn 80% có nhu cầu học văn hóa THPT để tham dự kỳ thi quốc gia và lấy bằng tốt nghiệp THPT. Nhưng nhiều cơ sở GDNN ở các địa phương đã không được tiếp tục thực hiện giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT. 

Ngày 2-11-2020, Bộ GD&ĐT có Công văn số 4656/BGD ĐT-GDTrH về việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN, chỉ đồng ý để các cơ sở GDNN giảng dạy kiến thức văn hóa THPT theo trình độ TC để liên thông lên CĐ, chứ không cho các trường giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT cho người học.

Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam, Hiệp hội các trường CĐ, TC kinh tế - kỹ thuật đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giảng dạy văn hóa THPT cho HS tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở GDNN. Hai hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT cho phép các trường TC, CĐ đã được sở GD&ĐT các địa phương đồng ý cho giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT được tiếp tục giảng dạy chương trình này cho người học đến khi có quy định mới. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành Thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và việc giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN.

Được biết, tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện và ban hành Thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho HS có bằng tốt nghiệp THCS vào học trình độ TC học lên trình độ CĐ phù hợp Chương trình GDPT 2018 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở GDNN thực hiện theo quy định của pháp luật.

Khối lượng kiến thức văn hóa THPT dạy trong trường nghề phải phù hợp với ngành nghề đào tạo của HS và đủ để HS theo học trình độ cao hơn ở GDNN. Vì vậy, Bộ GD&ĐT không đưa ra khối lượng kiến thức tương đương với chương trình THPT/chương trình GDTX cấp THPT để có thể dự thi tốt nghiệp/cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT.

Bảo đảm quyền lợi người học

Ngày 6-4 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với các Bộ: GD&ĐT, VHTT&DL, LĐ-TB&XH, Tư pháp… về dạy học chương trình văn hóa trong các trường nghề.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần của Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Luật Giáo dục, các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan đều mong muốn thực hiện giáo dục mở, liên thông giữa các trình độ, giữa các hệ thống và hình thức đào tạo. Theo Phó Thủ tướng, những năm gần đây, đáng mừng là số lượng học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề nhiều hơn trước. Bên cạnh việc khuyến khích HS học nghề, cũng phải có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông để đạt chuẩn chung và thực hiện hội nhập quốc tế, để văn bằng tốt nghiệp THPT quốc gia của Việt Nam được các nước công nhận.

Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH đã bàn phương án để HS tốt nghiệp THCS được chuyển sang học nghề và cho tuyển sinh hệ CĐ nghề. Bộ GD&ĐT đã ban hành Văn bản số 2857/BGDĐT-GDTX về việc hướng dẫn tổ chức dạy chương trình GDTX cấp THPT kết hợp dạy nghề tại các cơ sở GDTX, góp phần phân luồng HS THCS từ năm học 2020 - 2021. Bộ GD&ĐT tạm thời để các trường nghề trực tiếp dạy văn hóa tương đương với chương trình THPT. Về khối lượng kiến thức văn hóa trong trường nghề, Bộ GD&ĐT vẫn nhận được nhiều ý kiến khác nhau nên sẽ tiếp thu để hoàn thiện, ban hành trong thời gian sớm nhất.

Bộ LĐ-TB&XH được chỉ đạo sớm xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở GDNN tiếp tục giảng dạy chương trình văn hóa bậc THPT theo đúng quy định pháp luật và thực hiện quyền tự chủ trong việc thành lập TTGDTX để tiếp tục dạy văn hóa giáo dục phổ thông theo quy định của Luật Giáo dục, trên tinh thần “không làm tăng biên chế, bộ máy tổ chức”.

Hai bộ cũng được định hướng và sẽ phối hợp rà soát mạng lưới TTGDTX, trung tâm GDNN và cơ sở GDNN nhằm sắp xếp, tinh gọn bộ máy, theo hướng nếu có điều kiện, có thể sáp nhập TTGDTX vào cơ sở GDNN, bảo đảm vừa dạy nghề, vừa dạy văn hóa theo mô hình “vừa học, vừa làm”.