Giáo dục phổ thông tại các trường nghề:

Cần quy về một mối?

Thị trường lao động Việt Nam có khoảng 75% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Tuy nhiên, việc phân luồng vẫn bị “tắc” ở sự chồng chéo quản lý đối với 
hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Giờ học thực hành nghề Thiết kế đồ họa của các sinh viên Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: QUYẾT THẮNG
Giờ học thực hành nghề Thiết kế đồ họa của các sinh viên Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: QUYẾT THẮNG

Xu thế tất yếu

Đề án phấn đấu ít nhất 40% học sinh (HS) tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp (SC), trung cấp (TC); ít nhất 45% HS tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ CĐ trong giai đoạn 2018 - 2025. 

Thực hiện Đề án này, bốn năm trở lại đây, mô hình đào tạo 9+ được một số trường thuộc hệ thống GDNN áp dụng, bước đầu có kết quả khả quan, thể hiện mạnh mẽ đặc điểm phân luồng, hướng nghiệp; đáp ứng được nguyện vọng vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng TC hoặc CĐ cùng một lúc. Ông Nguyễn Hoàng Hà, cán bộ hưu trí trú phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) nhận xét: “Chương trình sẽ góp phần giải quyết tình trạng thừa “thầy” thiếu “thợ”, giúp con em những gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn theo học nghề để lập nghiệp sớm. Với những HS trượt THPT, gia đình không có điều kiện cho theo học các trường THPT dân lập thì đây là lựa chọn tối ưu. Sau này, các em hoàn toàn có điều kiện liên thông lên các cấp học cao hơn, không từ bỏ cơ hội học tập suốt đời”.

Tại Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội, những năm gần đây, số HS theo hệ 9+ ngày càng tăng, tổng số hiện có là 918 em. Phạm Đình Mạnh Quân (SN 2004) và Nguyễn Đắc Huynh (SN 2001) là hai trong số hàng trăm HS hệ 9+ tại trường (lớp 11c7 hệ văn hóa, hệ TC nghề Sửa chữa và Lắp ráp máy tính K11) vừa giành thành tích cao trong cuộc thi tay nghề TP Hà Nội và cấp quốc gia năm 2020. Mạnh Quân đã giành giải nhất Kỳ thi tay nghề TP Hà Nội, HCĐ Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia năm 2020, Đắc Huynh đạt giải ba tại Kỳ thi tay nghề TP Hà Nội, Chứng chỉ nghề xuất sắc tại Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia năm 2020.

Huynh tâm sự: “Học hết THCS, em và một số bạn cùng lớp đăng ký theo học hệ 9+. Với em, thành tích của cuộc thi, không phải sự kiêng nể của bạn bè, không hẳn là sự tự hào của bản thân và gia đình, thầy cô… mà chính là bản thân đã chọn đi đúng hướng, thay đổi tư duy đúng thời điểm”. Còn Quân chia sẻ: “Em nhận thức rõ rằng, ĐH không phải là cánh cửa duy nhất để vào đời, thay vào đó từ rất sớm, sau THCS, em đã mạnh dạn chọn học một nghề mà mình yêu thích. Em tin rằng, có nghề sẽ có tương lai!”. 

10 năm trước, học nghề được gắn mác là nơi dành cho người “rớt ĐH”. Thế nhưng, tỷ lệ HS tốt nghiệp CĐ, ĐH có việc làm ít hơn so số học nghề trong những năm gần đây. Học nghề và đặc biệt là học hệ 9+ đang là lựa chọn của nhiều bạn trẻ. NGƯT, TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết: “Đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, đón xu thế thị trường LĐ và bảo đảm cam kết đầu ra cho người học là “chìa khóa” phát triển của mỗi trường nghề hiện nay”. Từ năm học 2018 - 2019, trường đã thực hiện “tuyển sinh là tuyển dụng”, ký hợp đồng đào tạo với sinh viên (SV) và phụ huynh với mục tiêu “100% SV đạt chuẩn đầu ra có việc làm và có thể tự tạo việc làm”. Được biết, hiện nay trường có gần 5.000 sinh viên với tỷ lệ ra trường có việc làm 100% sau sáu tháng với mức lương 5 - 15 triệu đồng/tháng. Nhiều nghề như điện, điện tử, điện lạnh, cơ khí, hàn, chăm sóc sắc đẹp…, sinh viên còn có việc làm trước khi ra trường…

Cần quy về một mối? -0
Học nghề đang là lựa chọn của nhiều bạn trẻ. Ảnh: Nguyễn Nam 

Quy định học văn hóa làm khó việc học nghề

Chủ trương đã có, hiệu quả thực tế đã chứng minh, nhưng hiện nay nhà trường vẫn chưa được tự chủ hoàn toàn trong công tác tuyển sinh và đào tạo. Nguyên  nhân là các cơ sở đào tạo nghề nghiệp như Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội đang chịu sự quản lý chuyên môn của hai bộ: Về mảng dạy nghề, chịu sự quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); còn giảng dạy văn hóa phổ thông, nhà trường chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). 

Theo TS Khánh, hằng năm, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ duyệt chỉ tiêu tuyển sinh học văn hóa cho trường còn UBND TP Hà Nội lại duyệt chỉ tiêu tuyển sinh nghề. Về chương trình học, mặc dù trường có đội ngũ giáo viên thuộc khoa giáo dục cơ bản có thể dạy văn hóa nhưng nhà trường vẫn phải phối hợp một đơn vị ngoài trường là Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) trực thuộc Sở GD&ĐT về giảng dạy. 

Bởi lẽ, theo Luật Giáo dục năm 2019, việc đào tạo chương trình phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 12) do Bộ GD&ĐT quản lý. Đối với các trường nghề, hệ TC nghề, việc dạy và học văn hóa có thể do trường nghề đảm nhiệm nếu trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Nhưng trường sẽ chỉ lo bốn môn Toán, Lý, Hóa, Văn cho HS. Khi ra trường các em sẽ nhận bằng TC nghề và chứng nhận đã hoàn thành chương trình văn hóa lớp 12. 

Còn nếu trường phối hợp các cơ sở giáo dục văn hóa có chức năng là TTGDTX giảng dạy cho HS bảy môn văn hóa thì khi ra trường, HS sẽ được nhận hai bằng: Bằng tốt nghiệp TC nghề và bằng tốt nghiệp THPT quốc gia. 

Vì lẽ đó, nhà trường phải dựa trên nhu cầu của HS và gia đình, khi ra trường vừa có bằng nghề vừa có bằng THPT nên buộc phải thực hiện chương trình đào tạo “hai trong một”. Hiện, Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội đang phối hợp TTGDTX huyện Hoài Đức để giảng dạy chương trình văn hóa. Trung tâm chịu trách nhiệm về công tác quản lý, hoạt động chuyên môn dạy và học văn hóa theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, hoàn thiện hồ sơ, học bạ để HS có đủ điều kiện tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. “Do cả hai đơn vị cùng quản lý một đối tượng HS nên vừa tốn kém,  vừa phức tạp, dễ chồng chéo, ảnh hưởng đến kết quả học tập của HS”, thầy hiệu trưởng chia sẻ.

Còn đối với HS, do phải học đồng thời hai chương trình văn hóa và đào tạo nghề cho nên gặp một số khó khăn như sắp xếp lịch học và tổ chức các hoạt động học tập, ngoại khóa. Điều này dẫn đến một số em HS gặp tình trạng áp lực về tâm lý, căng thẳng trong việc học tập. Đối với HS hệ 9+,  cùng lúc các em có hai giáo viên chủ nhiệm về văn hóa và nghề. Thực tế, sự kết hợp của hai giáo viên này còn nhiều khó khăn trong việc giáo dục nghề nghiệp và chăm lo về đạo đức cho các em. 

Nguy cơ nghẽn chủ trương phân luồng

Về phía trường nghề, chưa được chủ động tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên giảng dạy hệ văn hóa GDTX cấp THPT, nên còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình đào tạo; nhiều em ở  các tỉnh xa có nhu cầu học tập chương trình 9+ tại nhà trường, nên việc học chương trình GDTX cấp THPT còn khó khăn trong việc liên hệ, phối hợp quản lý giữa gia đình và nhà trường…

Thực tế, Trung tâm GDTX là đơn vị được sáp nhập từ ba trung tâm công lập cấp huyện gồm: Trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp (theo Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLB-BLĐTBXH - BGDĐT - BNV ngày 19-10-2015 của Liên Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ). Trung tâm GDTX này có đủ ba chức năng đào tạo nghề nghiệp (theo quy định của Luật GDNN) GDTX và hướng nghiệp (theo quy định của Luật Giáo dục). 

Như vậy, cho dù, kể từ năm 2017 hệ thống trường TC chuyên nghiệp, CĐ đã chuyển từ Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐ-TB&XH quản lý. Nhưng hiện nay, cả TTGDTX và các cơ sở GDNN đều có chức năng đào tạo nghề. Điểm khác biệt duy nhất ở đây là các cơ sở GDNN thì không được đào tạo chương trình văn hóa cấp THPT. Trong khi đó, nhu cầu người học nghề ngày càng tăng cao và số HS có nguyện vọng học chương trình 9+, tức là sẽ theo học chương trình văn hóa cấp THPT tại các cơ sở GDNN ngày một nhiều! Điều đó có nghĩa nhiều nguy cơ chủ trương phân luồng sẽ bị tắc nghẽn và HS theo học nghề sẽ không được tạo điều kiện thuận lợi nhất!

(Còn nữa)