Cần bước đi bài bản trong đổi mới thi cử

Dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) sau năm 2020 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trình báo cáo Chính phủ đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Đáng chú ý, một số chuyên gia giáo dục bày tỏ băn khoăn, cho rằng nhiều điểm trong dự thảo cần phải được nghiên cứu kỹ hơn để có kế hoạch và hướng áp dụng sao cho hiệu quả.

Tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém, bảo đảm độ tin cậy là mục tiêu phương án đổi mới thi cử. Ảnh: ANH NAM
Tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém, bảo đảm độ tin cậy là mục tiêu phương án đổi mới thi cử. Ảnh: ANH NAM

Hướng tới kỳ thi không áp lực và tốn kém

Phương án đổi mới thi xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ sau năm 2020 được Bộ GD&ĐT đề xuất trên cơ sở tuân thủ ba nguyên tắc cơ bản:

Thứ nhất, bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới thi/tuyển sinh; không gây xáo trộn đối với việc dạy, học của giáo viên và học sinh; không gây bức xúc xã hội; bảo đảm đúng quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Thứ hai, kế thừa kết quả đã đạt được trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia giai đoạn 2015 - 2020, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 29-NQ/T.Ư của T.Ư Đảng, Kết luận số 51-KL/T.Ư ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư, Nghị quyết 44/NQ-CP của Chính phủ; đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới và lộ trình tăng cường tự chủ của các cơ sở GD&ĐT.

Thứ ba, ứng dụng hiệu quả các thành tựu của khoa học đo lường và đánh giá trong giáo dục; áp dụng lý thuyết khảo thí hiện đại và ứng dụng tối đa thế mạnh của công nghệ thông tin trong tổ chức thi, tham khảo các mô hình tổ chức thi của các tổ chức khảo thí quốc tế hàng đầu (ACT, ETS,...), từng bước tiếp cận xu hướng thi/tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới.

Mục đích và yêu cầu của phương án là tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém, bảo đảm độ tin cậy; đánh giá được kết quả học tập ở bậc học THPT theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và hướng tới đánh giá phẩm chất, năng lực của người học để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT; tác động tích cực trở lại đối với quá trình đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường; bảo đảm có độ phân hóa phù hợp nhằm có thể phát hiện nhân tài để cung cấp dữ liệu tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có thể tham khảo sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đã trình bày với Chính phủ nội dung cơ bản của phương án thi. Đối tượng dự thi là học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nếu đáp ứng các quy định của Bộ GD&ĐT thì được hiệu trưởng trường THPT (hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên) cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT; nếu có nhu cầu dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ được tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Phương thức tổ chức thi trên giấy như hiện nay, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình bảo đảm tính khả thi.

Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng quy định của Bộ GD&ĐT. Kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).

Cần bước đi bài bản trong đổi mới thi cử ảnh 1

Các trường cần có phòng máy tính cài các bài thi mẫu giúp học sinh làm quen với việc thi trên máy tính. Ảnh: HẢI ANH

Năng lực còn hạn chế

Sau khi Bộ GD&ĐT trình phương án, các chuyên gia, nhà quản lý đã bày tỏ băn khoăn vì có rất nhiều điểm cần phải được nghiên cứu kỹ hơn để có kế hoạch và hướng áp dụng sao cho hiệu quả.

Điểm mà nhiều chuyên gia yêu cầu cần làm rõ là việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT theo quy định của Luật Giáo dục mới (tháng 7-2020 có hiệu lực). Giấy chứng nhận này có giá trị như thế nào đối với người nhận? TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp cho rằng, giấy chứng nhận để cho những học sinh không muốn thi tốt nghiệp và giá trị pháp lý sẽ được quy định sao để người học có thể học liên thông và sử dụng khi đăng ký học nghề, tham gia thị trường lao động trong nước và quốc tế.

PGS Nguyễn Phương Nga, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh về kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT chuyển dần từ thi trên giấy sang thi trên máy tính là hướng đi tiệm cận xu hướng thi cử chung của quốc tế. Tuy nhiên, để học sinh THPT làm quen được với việc thi trên máy tính, các trường cần có phòng máy tính cài các bài thi mẫu. Đồng thời, trên cổng thông tin điện tử của Bộ và Sở GD&ĐT cần có diễn đàn riêng, đề thi và phần mềm thi để học sinh thi thử. Khi tổ chức cả hai hình thức thi, Bộ GD&ĐT cần tổng kết đánh giá so sánh giữa việc thi trên giấy và thi trên máy tính để điều chỉnh phù hợp về khâu tổ chức, tiến tới việc thi đại trà trên máy tính hằng năm. Năm 2021 chưa thể áp dụng kỳ thi THPT quốc gia trên máy tính, tuy nhiên, ngay từ bây giờ, Bộ GD&ĐT phải đặt ra lộ trình thực hiện để lứa học sinh đầu tiên trong Chương trình GDPT mới áp dụng được kỳ thi này.

Em Hoàng Hữu Đan, học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) nêu ý kiến: “Cá nhân em không thích làm bài thi trên máy tính, vì ngồi lâu trên máy dễ bị mỏi mắt. Nhất là khi thi, nếu bị mỏi mắt dễ lâm vào tình trạng đọc và hiểu sai đề thi. Hơn nữa, khi thi trên máy tính thì những bạn không quen sử dụng máy tính rất thiệt thòi, nhất là những bạn ở vùng sâu, vùng xa, ít có điều kiện tiếp cận máy tính. Do đó, em cho rằng Bộ GD&ĐT không nên áp dụng việc thi trên máy tính ở quy mô toàn quốc”.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, cũng đánh giá năng lực hiện nay của Trung tâm Khảo thí độc lập (TTKTĐL) chưa cao. Để phát huy vai trò trong kỳ thi THPT, trung tâm này phải huấn luyện cán bộ, thử nghiệm nhiều lần trước khi triển khai. Hiện nay, chỉ có thể một TTKT tham gia đánh giá các trường ĐH chứ chưa có thử nghiệm trên kỳ thi tốt nghiệp. Các TTKT khác thuộc các tổ chức xã hội cũng chưa làm chuyện này, số chuyên gia hiểu sâu và làm khảo thí cũng chưa nhiều.

Một thành viên Tổ tư vấn Ủy ban Đổi mới giáo dục quốc gia băn khoăn, việc tổ chức thi trên máy tính không hề đơn giản và phải có lộ trình chuẩn bị kỹ càng. Nếu Bộ GD&ĐT vẫn giữ cách làm đề trắc nghiệm như hiện nay thì rất khó để có ngân hàng đề thi chuẩn. Muốn thi trên máy tính do các TTKT cấp quốc gia tổ chức cần có chuyên gia khảo thí, phải có hạ tầng đồng bộ và đủ mạnh (hệ thống máy tính - mạng - phần mềm - hệ thống bảo mật). Đặc biệt là xây dựng ngân hàng đề thi như thế nào? Nếu không làm đồng bộ thì sẽ khó mà thực hiện được.

Sau khi nghe Bộ GD&ĐT báo cáo về phương án thi mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo chuẩn bị điều kiện đầy đủ về ngân hàng đề thi, hạ tầng công nghệ, nguồn lực và các quy định cần thiết trước khi tổ chức thi trên máy tính.

Từ nay đến năm 2025 là khoảng thời gian rất ngắn để thực hiện các mục tiêu tầm cỡ như ngân hàng đề thi, các trung tâm khảo thí quốc gia, các chuyên gia khảo thí, hạ tầng kỹ thuật... Do vậy, phải có những bước đi thận trọng, bài bản, nhất là công nghệ thay đổi liên tục. Nếu Bộ GD&ĐT vẫn giữ cách làm như những năm qua thì e rằng rất khó để đạt được mục tiêu đã đề ra, một chuyên gia giáo dục băn khoăn.

Về lộ trình triển khai, giai đoạn 2021 - 2025: cơ bản giữ ổn định như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp thực tế phương thức tổ chức thi và đặc biệt là phương thức tổ chức thi trên máy tính.
Giai đoạn tiếp theo, tức sau năm 2025, tiếp tục ổn định kỳ thi cho các học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhu cầu dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Những điều chỉnh cho phù hợp điều kiện thực tế và đặc biệt là hoàn thiện phương thức thi trên máy tính sẽ được Bộ GD&ĐT công bố trước một năm để phụ huynh và học sinh chủ động trong việc học, ôn tập và chuẩn bị tham gia kỳ thi.