Cách để người dân hết khổ vì khai thác mỏ

Gần chục năm qua, 17 hộ dân xóm Hô Phai Rưỡi, xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai sống trong cảnh ô nhiễm khói bụi, mất ruộng, tai nạn rình rập… do mỏ khai thác cao lanh của Công ty cổ phần (CP) khoáng sản Lào Cai gây ra. Sau nhiều năm kiến nghị, một con đường mới đã nối từ khai trường ra quốc lộ (QL). Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc cần làm ở phía trước.

Xe trước khi ra khỏi mỏ phải rửa bánh, tránh để cao lanh rơi xuống đường.
Xe trước khi ra khỏi mỏ phải rửa bánh, tránh để cao lanh rơi xuống đường.

Khổ vì mỏ khai thác    

Khu mỏ cao lanh Fenspat ở xã Làng Giàng được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho Công ty CP khoáng sản Lào Cai (công ty) khai thác lộ thiên từ năm 2012, diện tích khoảng 150 ha. Từ QL279, ra vào khai trường chỉ có một con đường độc đạo chạy qua khu vực 17 hộ dân xóm Hô Phai Rưỡi sinh sống. Trong thời gian hoạt động, doanh nghiệp (DN) đã sử dụng nhiều máy xúc, máy cẩu, ô-tô tải trọng lớn làm cho người dân khổ sở.

Nhà bà Hà Thị Thành sát mặt đường trục chính liên thôn. Do nền đường cao hơn nền nhà, xe lớn liên tục đi lại, gia đình phải rào lại phần đất tiếp giáp tránh sụt lún. “Lau bụi thì ngày hai, ba lần cũng không hết được. Đấy là nắng, còn mưa thì đỡ một tý nhưng đi lại thì khó, bùn đất lầy lội lắm”, bà Thành cho biết. Bà Lý Thị Phèn cùng thôn cũng bức xúc: “Bụi lắm, trắng xóa cả nền nhà. Xe thì to, chạy rất nhanh, trẻ con không dám cho ra đường chơi nữa vì sợ tai nạn”.

Việc vận chuyển cao lanh còn gây rơi vãi vào ruộng, khiến sản xuất gặp khó khăn. Trưởng thôn Hoàng Văn Thưởng cho biết, đây vốn là đường đất, người dân mở rộng để đi lại cho dễ. Khi công ty hoạt động, bà con phải sống cùng bụi. Mỗi ngày hàng chục lượt xe qua lại, chạy cả ngày cả đêm rất ồn. Xe đầu kéo trọng tải lớn nên đường vừa sửa xong lại hỏng. 

Lãnh đạo công ty cũng thừa nhận những ảnh hưởng của việc khai thác, vận chuyển đến người dân. Theo ông Vũ Quốc Tuân - Giám đốc điều hành công ty, từ năm 2017 - 2018, 2019, lượng xe vận tải tăng nhiều. Công ty cũng được tỉnh, huyện kiểm tra và yêu cầu khắc phục. Tuy nhiên, vì chưa tìm được tiếng nói chung nên đời sống nhân dân bị ảnh hưởng trong nhiều năm.

Chính quyền vào cuộc

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn Hoàng Văn Quang, huyện đã nhiều lần tổ chức đối thoại với người dân và công ty. Giải pháp từng được coi là tối ưu nhất, đó là cần phải sớm nâng cấp, cải tạo tuyến đường dài 250 m nối từ khai trường ra QL279. Dự án này dự kiến sẽ mở rộng đường ra 3 m và đổ bê-tông dày 30 cm. Tuy nhiên, chính việc mở rộng này lại gây ảnh hưởng lên một phần diện tích đất của các hộ dân. Đây lại là thỏa thuận giữa công ty và người dân, nên chính quyền địa phương cũng khó can thiệp. Vì vậy, dự án đã kéo dài trong nhiều năm mà không thể thực hiện. “Trong quá trình nâng cấp con đường, cũng có nhiều ý kiến trái chiều của người dân, người đồng ý, người lại có những yêu cầu vượt quá quy định của Nhà nước, vượt quá khả năng của doanh nghiệp”, ông Quang cho biết. 

Cuối tháng 1 năm nay, sau nhiều lần chính quyền địa phương vận động bà con và thúc giục phía công ty, con đường bê-tông đã được hoàn thiện sau nhiều lần hứa hẹn. Song song đó, công ty còn sử dụng một xe tưới nước chuyên dùng, thường xuyên hoạt động khi lưu lượng xe qua lại nhiều. Đặc biệt, khi xe vận chuyển ra khỏi khai trường, đều phải phun rửa lốp để hạn chế tối đa bụi bẩn.

Đối với việc bảo đảm giao thông đi lại, phía công ty cũng đã ban hành các giờ hoạt động rất chặt chẽ. Theo đó, duy trì giờ làm việc sáng từ 7 giờ đến 11 giờ 30 phút trưa, chiều từ 13 giờ 30 phút đến 21 giờ để không ảnh hưởng đến giờ nghỉ của người dân. Công ty cũng đã yêu cầu khách hàng, các chủ xe phải bảo đảm tốc độ cho phép cũng như thời gian hoạt động tại mỏ, nghiêm khắc xử lý những xe không chấp hành theo quy định của mỏ. 

Cơ bản đến thời điểm hiện tại cũng không có ý kiến phản ánh của người dân liên quan đến tuyến đường vận chuyển này nữa. Trong thời gian tới, để giảm thiểu ô nhiễm cũng như ảnh hưởng sản xuất của người dân, chính quyền địa phương cũng đề nghị công ty bảo đảm các phương án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, Chủ tịch UBND xã Làng Giàng Hoàng Nhân Sự thông tin.

Cách để người dân hết khổ vì khai thác mỏ -0
Đoạn đường đã được bê-tông hóa. 

Cần quyết liệt hơn 

Sau gần chục năm sống chung với khói, bụi, tiếng ồn và nhiều ảnh hưởng khác, người dân Làng Giàng đã bớt khổ. Câu chuyện tại địa phương cho thấy, cần có sự vào cuộc sát sao của chính quyền địa phương thì quyền lợi của người dân mới được bảo đảm và nghĩa vụ của DN mới được thực hiện đúng. 

Ông Hoàng Văn Quang phân tích, việc chia sẻ thông tin và lợi ích giữa Nhà nước, nghĩa vụ của DN và quyền lợi nghĩa vụ của nhân dân phải thường xuyên, kịp thời, hài hòa. Đặc biệt là khi DN hoạt động khai thác trực tiếp tại địa phương thì lắng nghe ý kiến của nhân dân. Chính quyền sẽ kịp thời giải quyết các vấn đề còn chưa thống nhất với người dân.

Văn Bàn là một trong những địa phương có nhiều DN đầu tư khai thác khoáng sản nhất ở Lào Cai. Những đóng góp của các đơn vị này cũng rất đáng ghi nhận. Năm 2020, huyện đã huy động được hơn ba tỷ đồng từ các DN này để xóa được hơn 300 nhà tạm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mối lo và trăn trở về hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản với những tác động xấu lên môi trường. 

Cái khó là phần lớn các đơn vị khai thác này đều được cấp phép từ cấp bộ, cấp tỉnh, UBND cấp huyện trở xuống thì không có thẩm quyền quản lý. Quá trình các DN này bị phát hiện gây ảnh hưởng đến môi trường, sau đó xử lý cũng rất mất thời gian. Vì vậy, thời gian qua, tuyến QL279 đoạn qua huyện Văn Bàn xuống cấp nhiều do hoạt động vận chuyển liên tục của xe tải trọng lớn, đòi hỏi cơ quan quản lý cấp cao và các cơ quan liên quan cần vào cuộc sát sao. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai Vũ Đình Thủy cho rằng: DN thực hiện nghĩa vụ của mình là điều bắt buộc. Địa phương cũng cần thường xuyên giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện những vi phạm của DN để xử lý kịp thời.

Ông Thủy cho biết thêm, khi tham gia với các dự án, ngoài việc quản lý về tài nguyên, môi trường thì còn phải có các yêu cầu đối với DN về bảo đảm tải trọng cho phép của các phương tiện. Chúng tôi đã yêu cầu DN phải lắp đặt các trạm cân. Sau này sẽ có những dự án phối hợp các cơ quan quản lý về giao thông để kết nối các trạm cân này với cơ quan quản lý nhà nước nhằm xác định tải trọng của phương tiện, bảo đảm đúng quy định cho phép.

Tỉnh Lào Cai hiện có 70 DN được cấp phép khai thác khoáng sản với khoảng 90 mỏ, là một trong những địa phương có hoạt động khai thác lớn nhất cả nước. Những vấn đề nêu trên được đặt ra tại Lào Cai cũng đang là bài toán nhiều nơi khác gặp phải. Cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan; tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người dân; giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp và kiên quyết yêu cầu các DN khai thác thực hiện đúng nghĩa vụ; kịp thời khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống người dân.