Bộn bề trong mưa lũ

Trên mưa, dưới ngập, một số tuyến đường sạt lở ách tắc, nhiều xã, bản miền ngược cũng như miền biển, miền xuôi bị cô lập. Bão, lũ nối tiếp lũ, thuyền không ra khơi đánh cá, đồng áng, hoa màu ngập úng, khiến bữa ăn trong các gia đình tại các tỉnh miền trung thêm phần kham khổ... 

Những người lính tiếp tế cho làng Aur (ảnh cắt từ clip).
Những người lính tiếp tế cho làng Aur (ảnh cắt từ clip).

Những người lính vào bản Aur

Gần đây, nếu bạn xem trên mạng, thấy cảnh thanh niên khoác ba-lô hoặc ôm túi đồ bơi qua dòng nước lũ chảy xiết. Nước sẽ cuốn họ trôi theo dòng, nhưng cái kết đầy ngỡ ngàng, họ đã sang được bờ bên kia an toàn. 

Đó là bộ đội về làng Aur trong đợt lũ lụt kéo dài này. Làng Aur thuộc xã A Vương (huyện Tây Giang, Quảng Nam). Đây là một làng biệt lập, cách trung tâm xã 15 km. Hiện tại, Aur chưa có điện, đường, trường, trạm và sóng điện thoại. Mưa lũ đã cuốn trôi, nhấn chìm đường mòn vào bản. Tính từ cuối tháng 9 đến nay, mưa lũ liên tục đã cô lập làng gần một tháng và mất liên lạc với bên ngoài. 

Nắm bắt tình hình địa bàn và tổ chức phương án cứu trợ khẩn cấp cho người dân. Ban Chỉ huy Quân sự (BCHQS) huyện Tây Giang đã cử năm cán bộ, chiến sĩ, gồm Thiếu tá Nguyễn Văn Hạnh - trợ lý phòng không, Đại úy Cơ Lâu Ngọt - trợ lý dân vận, Đại úy Lương Công Đức - nhân viên trinh sát cùng với hai dân quân địa phương cõng muối, mì chính, dầu ăn tiếp tế cho người dân Aur. Sẽ khó mà kể ra đây những nhọc nhằn qua một ngày đường vào bản, chân lội bùn nhão, tay bám vách núi cheo leo, mưa trên đầu, nước chảy ào ạt dưới chân. Chẳng may sơ sảy, người cứu trợ lại thành người cần được cứu nạn. Theo đó, BCHQS huyện phải chọn người giỏi đi đường rừng, đem những thứ cần thiết cho sinh hoạt thường nhật của người Cơ Tu làng Aur. 

Bày tỏ niềm vui khi có người trên huyện về làng trong lũ kéo dài, nguy hiểm, ông A Lăng A Rót, trưởng làng Aur, cho biết: “Dân làng Aur rất bất ngờ khi thấy bộ đội ướt hết quần áo, tay chân lạnh ngắt đã đến được nơi đây. Thấy được người bên ngoài vào làng là chúng tôi vui lắm rồi! Lại còn có quà nữa, cảm ơn lắm”. Nói về chuyến đi vào làng Aur đó, năm người lính có chung cảm nhận, vào làng Aur an toàn là chúng tôi mừng. Rất mừng. Được ngồi bếp sưởi ấm, ăn bữa cơm với dân. Tình hình của làng Aur, hai cơn bão làm hư hại hai ngôi nhà, khoảng 200 kg lúa giống bị mọc mầm. Tất cả người dân vẫn an toàn.

Hình ảnh hành trình cứu trợ vác nặng như đi trên “dây” về làng Aur vừa thắt tim, nín thở chờ đợi và vỡ òa. Đi trong rừng đã khó, đi trong lũ lụt khó gấp vạn lần, bùn giữ chân lại, vách núi nghiêng “hất” người xuống suối sâu. Nhưng tình quân - dân khó có gì thách thức và cũng khó đong đếm được.

Giá hàng sinh hoạt tăng tại các đô thị

Giá rau xanh ở các chợ đô thị, ven đô thị tăng vọt, nguyên nhân do nước ngập đồng, phá hủy hoa màu. Cụ thể, ở chợ Tân An (Hội An), giá dưa chuột tăng từ 12 nghìn lên 20 nghìn đồng/kg. Giá hành lá tăng gấp đôi. Trứng gà công nghiệp tăng từ 32 nghìn đồng lên 45 nghìn đồng. Rau ăn lá, củ quả đều tăng. Chị Đỗ Thị Tám bán trái cây ở chợ Bà Lê, cho biết: “Trái cây năm nay bán ế lắm! Do dịch Covid-19, nên người dân đã ít tiêu thụ. Bão lũ triền miên này, cơm ngày hai bữa cho xong, không ai nghĩ đến trái cây tráng miệng”.

Các vùng trồng rau lân cận tại thành phố Đà Nẵng ngập úng, dẫn đến khan hiếm nguồn cung cấp. Theo nhiều người, chợ Đống Đa (Đà Nẵng), có giá cả phải chăng, nhưng trong thời gian này, nguồn cung khan hiếm nên tiểu thương mua cao đành phải bán cao hơn. Rau mồng tơi tăng từ 10 lên 15 nghìn đồng/bó, các loại rau khác, rau ngót tăng từ 12 lên 25 nghìn đồng/bó, cải ngọt từ 25 nghìn đồng lên 33 nghìn đồng/kg... Bà Nguyễn Thị Xuyến, bán rau chợ Đống Đa, cho biết: “Rau quê, rau đồng tăng cao do ngập. Rau nhập từ Lâm Đồng tăng chút đỉnh”.

Từ ngày 6 đến 18-10, giá rau bán tại các chợ trên địa bàn Quảng Trị cũng đồng loạt tăng. Tại chợ Đông Hà, giá rau xà lách mỡ, có giá 25 nghìn đồng/kg, đã tăng lên 40 nghìn đồng, ớt, cà chua, khoai tây, cải ngọt... cũng tăng khoảng 10 nghìn đồng/kg. Chị Hoàng Thị Lượng, tiểu thương chợ Đông Hà, cho biết: “Chúng tôi phải mua từng ngày, bán từng ngày, nên mua vào tăng, bán ra cũng tăng”.

Khảo sát các chợ, cá tôm do khan hiếm nguồn cung bởi các tàu thuyền không ra khơi đánh bắt, giá không tăng cao bởi người mua sẽ chuyển sang lựa chọn thức ăn khác. Do ngập lụt, nên nhiều người nuôi cá ao, cá đồng cũng bắt lên bán chạy lũ, nên thực phẩm có phần bình ổn. Giá thịt heo vẫn giữ mức bình thường, do trước đó đã tăng cao, nay tăng thêm, hẳn bán không nổi.

Mùa lũ, mọi thứ đều đảo lộn, từ nhà cửa, đường đi, trường học, đến giá cả thị trường. Không ai mong muốn lũ về, nhưng thời tiết thật khó lường, nên lũ lụt là điều hiển nhiên đối với người miền trung chịu thương, chịu khó.