Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi năm 2019

Ngày 4-12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức công bố phương án thi năm 2019. Theo đó, nội dung đề thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; bảo đảm ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học (ĐH), giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh.

Ảnh: NGUYỄN NAM
Ảnh: NGUYỄN NAM

Bộ GD&ĐT sẽ sớm công bố đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2019 để giúp giáo viên, học sinh tổ chức dạy học, ôn tập chuẩn bị tham gia kỳ thi.

Về công tác coi thi, điều động cán bộ, giảng viên các ĐH, học viện, trường ĐH và các trường cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên đến các hội đồng thi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình.

Quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, nhất là đối với các thí sinh tự do; hướng dẫn chi tiết kỹ thuật niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi, đề thi để tăng cường bảo mật; đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24 giờ/ngày và tăng cường trách nhiệm của các đối tượng liên quan trong bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi, hội đồng thi.

Về công tác chấm thi, Bộ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép.

Theo đó, mã hóa dữ liệu tạo ra trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để tránh người dùng can thiệp và bảo đảm trong suốt quá trình xử lý bài thi, cán bộ xử lý bài thi không thể có được thông tin về mối liên hệ giữa thông tin cá nhân của thí sinh với phần nội dung trả lời trắc nghiệm (đây là một hình thức “đánh phách” điện tử Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh).

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT và của các trường ĐH, CĐ đối với việc chấm bài thi tự luận (môn Ngữ văn) do sở GD&ĐT chủ trì.

Về công bố kết quả thi và phương thức sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT công bố công khai, rộng rãi thông tin tổng hợp phân tích kết quả thi trước khi công bố kết quả thi. Dự kiến, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

Bộ cũng nhấn mạnh sẽ tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp trong tuyển sinh ĐH, CĐ. Cụ thể: các trường chủ động xây dựng và công bố đề án tuyển sinh bảo đảm nguyên tắc tự chủ; theo đó, ngoài phương thức sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia làm cơ sở tuyển sinh, có thể sử dụng các phương thức khác để tuyển sinh.

Nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân

Cần phải cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới là ý kiến của nhiều chuyên gia tham dự tọa đàm “Bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em gái - khoảng trống pháp luật và dịch vụ hỗ trợ”, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức sáng 5-12, tại Hà Nội. Trong đó, cần thiết phải cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, an toàn, trợ giúp pháp lý và hệ thống tư vấn hỗ trợ thông tin dễ tìm, dễ tiếp cận với nạn nhân bị bạo lực tình dục…

Dù chưa có con số thống kê cụ thể, các chuyên gia ước tính, tại Việt Nam khoảng trên 50% phụ nữ từng phải chịu ít nhất một trong ba dạng bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần trong đời. So dạng bạo lực khác, việc xử lý, can thiệp kịp thời các vụ việc bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em gái còn gặp những khó khăn. Bạo lực và quấy rối tình dục thường được coi là chủ đề nhạy cảm, khó chia sẻ, thảo luận trước công chúng. Để giải quyết vấn đề bạo lực từ nhiều phía khác nhau, một số ý kiến đề nghị cần xây dựng số liệu thống kê quốc gia toàn diện về bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em gái trong mọi môi trường; cải thiện hệ thống pháp luật hiện hành đối với bạo lực tình dục, trong đó, chú ý đến việc đưa ra xét xử mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái.