Bất thường trong thực hiện thủ tục hưởng tiền bảo hiểm

Ngày 17-8-2016, Công ty TNHH Lai dắt tàu biển SP-SPAM (SP-SPAM) có địa chỉ tại 26 Mỹ Phú 2C, Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phú, quận 7 (TP Hồ Chí Minh) đã có “Thư chấp nhận bồi thường” gửi Tổng công ty Bảo hiểm PVI và Công ty Bảo hiểm PVI TP Hồ Chí Minh chấp nhận số tiền bảo hiểm 756,9 triệu đồng. Tuy nhiên, trong vụ việc này SP-SPAM đã có một số dấu hiệu bất thường trong thực hiện thủ tục để được thụ hưởng số tiền bảo hiểm nêu trên.  

Đây là hình ảnh sửa chữa chân vịt được cho là của tàu KAMIYA nhưng SP-SPAM đã sử dụng trong việc làm hồ sơ bảo hiểm tàu Sea Tiger.
Đây là hình ảnh sửa chữa chân vịt được cho là của tàu KAMIYA nhưng SP-SPAM đã sử dụng trong việc làm hồ sơ bảo hiểm tàu Sea Tiger.

Bất thường ngay từ kháng nghị hàng hải

Theo thư số 1708/2016/SPAM do ông Bùi Thanh Quang, Tổng Giám đốc và là người đại diện pháp luật của SP-SPAM, ngày 17-8-2016, SP-SPAM nhận được Thông báo số 482/HCM-GQKN, đề ngày 17-8-2016 của Công ty bảo hiểm PVI TP Hồ Chí Minh, thông báo về việc bồi thường sự cố chân vịt tàu Sea Tiger, ngày 26-4-2016 tại khu vực luồng sông Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ông Quang tuyên bố “chấp nhận không điều kiện toàn bộ nội dung bồi thường 756.972.908 VND, cho toàn bộ, chọn vẹn và dứt điểm yêu cầu bồi thường của SP-SPAM…”.

Trước đó, ngày 27-4-2016, ông Quang có ký thông báo sự cố/tổn thất gửi PVI TP Hồ Chí Minh với nội dung diễn biến, nguyên nhân “Vào lúc 7 giờ ngày 26-4-2016, trong lúc di chuyển từ cảng CMIT về cảng TCIT chờ kế hoạch làm tàu, trong lúc tàu hành trình ngang qua cảng PV Gas luồng sông Thị Vải khoảng 7 giờ 15 phút thì tàu Sea Tiger đột ngột bị rung lắc mạnh nghi ngờ chân vịt tàu đã bị va chạm vào vật thể cứng”. Đối tượng bị thiệt hại là chân vịt tàu Sea Tiger, địa điểm xảy ra SCTT luồng sông Thị Vải, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tài liệu kèm theo là kháng nghị hàng hải, nhật ký bong, nhật ký máy, báo cáo của thuyền trưởng tàu Sea Tiger. 

Đến ngày 8-6-2016, PVI TP Hồ Chí Minh đã có Văn bản số 320/2016/YCGĐ-GQKN gửi Công ty giám định Việt Đông Á (VDACONTROL) yêu cầu giám định tổn thất chân vịt tàu Sea Tiger. Đồng thời, PVI TP Hồ Chí Minh có Văn bản 321/HCM-GQKN gửi SP-SPAM về việc chỉ định giám định chân vịt tàu Sea Tiger. Theo đó, để bảo đảm quyền lợi các bên liên quan và làm cơ sở giải quyết khiếu nại, Bảo hiểm PVI TP Hồ Chí Minh đã chỉ định VDACONTROL tiến hành kiểm tra tình trạng chân vịt và giám định tổn thất (nếu có). 

Nói về nội dung nguyên nhân dẫn đến sự cố/tổn thất của tàu Sea Tiger, ông Lê Hải Phong, Phó Trưởng ban Giải quyết khiếu nại và quản lý rủi ro của Tổng công ty Bảo hiểm PVI cho rằng: “Nội dung thông tin này không hợp lý bởi khi tàu Sea Tiger vào luồng sông Thị Vải rất ngắn, tốc độ thấp và đồng thời chân vịt đẩy trên sông thì khó vật thể nặng nào trên dòng chảy lại có thể va đập dẫn đến chân vịt tàu bị hư hỏng nặng như vậy…”. Trong khi đó, theo phân tích của một số chuyên gia về tàu biển thì tàu Sea Tiger là loại tàu lai công suất khoảng 4.800 HP, kỹ thuật tiên tiến có trang bị chân vịt Z-Peller. Đây là tàu lai dắt công suất lớn nên chân vịt của tàu được làm bằng thép đặc biệt, được thiết kế có khả năng chịu tải và chịu lực rất lớn. Tàu chỉ bị rung lắc mạnh khi va phải những vật rất cứng, có trọng lượng tương đối so với trọng tải tàu (Gross Tonnage ~ 400 Tons). Khi gặp tai nạn, tàu đang hành trình thì không thể va chạm với những vật nặng, cứng. Vì những vật cứng, nặng không thể trôi nổi trên sông (là tàu lai dắt nên mớn nước của tàu rất thấp, không thể gặp cạn khi hành trình trên luồng sông Thị Vải). Những vật trôi nổi trên sông đều là những vật nhẹ, có lý tính mềm, tàu không thể rung lắc mạnh khi va phải những vật này.

Đề cập những dấu hiệu bất thường về số vật tư được cho là đưa vào sửa chữa cho tàu Sea Tiger nhưng trên thực tế, theo tờ khai Hải quan ngày 17-2-2016 thì số vật tư này đã được Công ty TNHH Dịch vụ lai dắt Tân Cảng - Cái Mép nhập về để sửa chữa cho tàu KAMIYA của công ty này, ông Dương Thanh Tùng, Trưởng ban Giải quyết Khiếu nại và quản lý rủi ro Tổng công ty Bảo hiểm PVI cho biết: “Trong quá trình triển khai thủ tục bảo hiểm cũng đã thấy được một số điểm bất thường, PVI đã làm việc và phía SP-SPAM giải thích là việc mua bán lại vật tư thiết bị là điều bình thường. Vụ việc sau đó đã phải mời VDACONTROL vào giám định độc lập và chúng tôi thực hiện theo kết quả của đơn vị thẩm định”. 

Ký hợp đồng khống, làm giả hóa đơn GTGT

Theo ông Dương Thanh Tùng, ban đầu phía SP-SPAM đã đưa ra nhiều hồ sơ, lý do để tạo áp lực phía bảo hiểm PVI phải bồi thường khoảng gần hai tỷ đồng. Nhưng sau nhiều lần đàm phán với những hồ sơ có được thì đến ngày 25-8-2016, Tổng công ty Bảo hiểm PVI đã chính thức chuyển số tiền hơn 756,9 triệu đồng theo như Thư chấp nhận bồi thường và chuyển tiền khiếu nại của SP-SPAM.

Tuy vậy, để có được số tiền bảo hiểm nêu trên, SP-SPAM đã có dấu hiệu bất thường cần được làm rõ, thể hiện qua việc ký hợp đồng mua bán vật tư, lấy số hóa đơn đã bị hủy rồi cho đánh máy lại để làm hồ sơ thanh toán với Bảo hiểm PVI. 

Cụ thể, để hợp thức hóa được số vật tư được cho là thay thế chân vịt tàu Sea Tiger, ngày 10-5-2016, SP-SPAM (bên B) đã ký hợp đồng số 1005/2016/SPSPAM-HĐKT-TCTS với Công ty TNHH Dịch vụ lai dắt Tân Cảng - Cái Mép (bên A) với nội dung: Bên B đồng ý mua, bên A đồng ý sang nhượng lại lô Seal làm kín chân vịt đồng bộ (bao gồm seal ring và seal liner) cho hệ thống chân vịt ZP 31 của tàu Sea Tiger với số tiền là hơn 632,2 triệu đồng. Biên bản nghiệm thu ngày 30-6-2016 giữa Công ty TNHH Dịch vụ lai dắt Tân Cảng - Cái Mép với Nhà máy X51 - Nhà Bè - TP Hồ Chí Minh (đơn vị sửa chữa tàu Sea Tiger) ghi nhận bàn giao bộ seal làm kín chân vịt cho tàu Sea Tiger. Thế nhưng, điều bất thường ở chỗ, trước đó ngày 22-6-2016, Công ty TNHH MTV đóng và sửa tàu Hải Minh đã xuất hóa đơn GTGT số 0000021 cho SP-SPAM với giá trị hơn 170,7 triệu đồng về sửa chữa tàu Sea Tiger theo hợp đồng số 1279/HĐSC-2016 ngày 31-5-2016, phụ lục hợp đồng II quyết toán ngày 22-6-2016. Ở đây có thể thấy được rằng, việc bàn giao vật tư để sửa chữa tàu Sea Tiger là sau khi đã được quyết toán. 

Để có được đầy đủ hồ sơ quyết toán với Bảo hiểm PVI, ngày 20-6-2016, Công ty TNHH Dịch vụ lai dắt Tân Cảng - Cái Mép đã xuất hóa đơn GTGT số 0001059 cho SP-SPAM để mua bộ seal làm kín chân vịt ZP 31 theo hợp đồng số 1005/2016/SPSPAM-HĐKT-TCTS với số tiền hơn 632,2 triệu đồng. Hóa đơn GTGT do ông Phạm Đức Phương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ lai dắt Tân Cảng - Cái Mép ký. Tuy vậy, theo xác nhận của cơ quan thuế thì hóa đơn này đã hủy vào ngày 27-7-2016 nhưng vẫn được phô-tô, đánh máy lại nội dung  và ký đóng dấu để SP-SPAM kẹp làm hồ sơ thanh toán với bảo hiểm PVI.