Bàn cách đối phó với sa sút trí tuệ

Số liệu công bố tại Hội thảo quốc gia về Sa sút trí tuệ (SSTT) lần thứ hai tại Việt Nam do Bệnh viện Lão khoa tổ chức mới đây cho thấy, trung bình mỗi người cao tuổi ở Việt Nam thường mắc các bệnh phổ biến như: Tim mạch, đái tháo đường, viêm phổi tắc nghẽn và điển hình nhất là SSTT. Trong khi nước ta là một trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Quang cảnh hội thảo. Nguồn: INTERNET
Quang cảnh hội thảo. Nguồn: INTERNET

Nguyên nhân gây SSTT bao gồm di truyền, ảnh hưởng từ bệnh Alzheimer, đột quỵ não, Parkinson, lạm dụng nhóm thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm... trong thời gian dài. Bệnh thường xuất hiện ở người cao tuổi nhưng không phải quá trình lão hóa bình thường mà là một bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị sớm.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, cứ ba giây thì thế giới có thêm một người bị SSTT và số người bị SSTT tăng lên gấp hai lần sau mỗi 20 năm. Thách thức quan trọng nhất đối với ngành y tế trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là hệ thống y tế mới đáp ứng một phần rất nhỏ: chỉ một vài tỉnh và thành phố có khoa lão; việc giáo dục, đào tạo lão khoa tại các trường y còn hạn chế; chăm sóc tại cộng đồng còn chưa phát triển và việc chăm sóc tại nhà mới đang manh nha…

Điều này đòi hỏi các ngành chức năng có những giải pháp nhận diện đầy đủ và có biện pháp ứng phó bệnh SSTT. Vì vậy, việc tiến tới xây dựng chương trình quốc gia và nâng cao năng lực nghiên cứu về SSTT nói chung và ở Việt Nam nói riêng là hết sức cần thiết.