Bậc thầy của ngành châm cứu Việt Nam

GS, TSKH Nguyễn Tài Thu (1931 - 2021), nguyên Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam là bậc thầy của ngành châm cứu Việt Nam. Trong 2/3 thế kỷ qua, ông đã đóng góp công sức lớn phát triển lĩnh vực châm cứu Việt Nam trở thành ngành khoa học chăm sóc sức khỏe với nhiều thành tựu được giới khoa học quốc tế công nhận.

GS Nguyễn Tài Thu cùng các y, bác sĩ châm cứu cho bệnh nhân.
GS Nguyễn Tài Thu cùng các y, bác sĩ châm cứu cho bệnh nhân.

1/ GS, TSKH, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Tài Thu là một nhân cách lớn; một con người giàu lòng nhân ái, luôn toàn tâm, toàn ý vì người bệnh. Ông là người đứng đầu trong lĩnh vực châm cứu ở Việt Nam. Bạn bè đồng nghiệp cả trong và ngoài nước quý trọng, cảm phục gọi ông là “vua châm cứu Việt Nam”, “huyền thoại sống” hoặc “thần y châm cứu”… Hai “tuyệt kỹ” do ông nghiên cứu, phát minh là “tân châm” và “châm tê trong phẫu thuật” không chỉ làm nên bộ giáo trình quý để giảng dạy trong nước mà còn được giới thiệu tới gần 50 quốc gia trên thế giới.

Ông cũng là người đưa tinh hoa y học phương Đông góp thêm vào kho tàng y học nhân loại phương pháp chữa bệnh mà có những bệnh y học phương Tây cũng phải chào thua như: vẩy nến, đau đầu mi - grant, thậm chí cắt cơn nghiện đã được điều trị khỏi hẳn, tỷ lệ tái nghiện chỉ chiếm 5 - 10%. GS là người đề xướng thành lập viện châm cứu đầu tiên tại Việt Nam; đồng thời có công lớn trong việc đào tạo 5.700 thầy thuốc châm cứu của cả nước. Cùng với các cộng sự, GS đã khám, chữa bệnh và tặng quà hơn 50 vạn lượt trẻ em khuyết tật, trong đó có tới 2/3 được ăn nghỉ tại viện miễn phí. Ông cùng cộng sự điều trị hơn 9.000 người nghiện ma tuý thoát nghiện bằng phương pháp châm cứu…

2/ Sinh ra và lớn lên ở làng Vân Canh (Hà Nội), năm 1946 ở tuổi 15, chàng trai Nguyễn Tài Thu đã hăng hái tham gia đội quyết tử bảo vệ Thủ đô. Ông và đồng đội đã bám trụ từng căn nhà, góc phố ở khu chợ Đồng Xuân, Bờ Hồ, ga Hàng Cỏ… đẩy lùi cuộc phản công của lính Pháp có máy bay, pháo binh và xe tăng yểm trợ. Để rồi, vào một đêm đông rét buốt, cả đơn vị bí mật vượt vòng vây của địch, qua sông Hồng, tạm biệt Thủ đô thân yêu, lên chiến khu, kháng chiến.

Có học, thông minh, lại đã từng băng bó, cứu chữa đồng đội, ông được cử đi học Đại học Y Việt Bắc. Một năm sau, ông lại tiếp tục được cử sang học Đại học Y khoa Bắc Kinh (Trung Quốc). Sau khi tốt nghiệp ông về nước và được phân công công tác tại Trung ương Hội Đông y Việt Nam. Tại đây, ông có dịp nghiên cứu về châm cứu. Đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ông được biệt phái vào Quân y phục vụ khám, chữa bệnh cho bộ đội. Năm 1967, ông xung phong vào tuyến lửa khu IV để phục vụ chiến đấu, cứu chữa thương binh. Trong những năm tháng đó, chứng kiến sự đau đớn của anh em thương binh khi phẫu thuật không có thuốc tê, ông không sao cầm lòng được. Với kiến thức y học sâu rộng và kinh nghiệm tích lũy được, ông đã nghiên cứu và châm tê mổ thành công hàng nghìn thương binh qua cơn hiểm nghèo, sau khi thí nghiệm trên cơ thể mình. Thành công về phương pháp châm tê phẫu thuật hồi đó là một kỳ tích, mở ra một phương pháp mới trong cứu chữa thương binh mà cho đến hôm nay y học thế giới vẫn khó lý giải. Với GS Thu, đó là sự xuất phát từ tình yêu thương trước nỗi đau mất mát và mạng sống của con người.

3/ Năm 1977, một nhà ngoại giao Pháp sang Việt Nam nhờ GS Thu chữa bệnh, sau vài tháng châm cứu, bệnh đã khỏi. Ít lâu sau, GS được đích thân Tổng thống Pháp mời sang để giới thiệu về phương pháp châm cứu. Nhiều năm sau đó, GS đi nhiều nước ở châu Âu để phổ biến về châm cứu. Ông được giới y học thế giới ca ngợi như một bí ẩn tiềm tàng, toàn diện.

Sau năm 1975, đất nước hòa bình, thống nhất, ông trở về Trung ương Hội Đông y Việt Nam - Viện Y học cổ truyền và làm Chủ nhiệm Khoa Châm cứu. Ông còn giữ chức Phó Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam… GS kể rằng:

Vào thời kỳ đó, trước nhu cầu khám, chữa bệnh của toàn xã hội, tôi đã kiến nghị với Nhà nước cho thành lập Viện châm cứu. Nhà nước đồng ý về chủ trương, nhưng sau chiến tranh, đất nước gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nên không có kinh phí đầu tư xây dựng viện. Biết được nguyện vọng chính đáng và khả năng của tôi, Chính phủ đã đặc cách cấp cho tôi hộ chiếu ngoại giao ra nước ngoài giảng dạy và chữa bệnh với mục đích chính là tạo uy tín để quyên góp kinh phí xây dựng bệnh viện châm cứu tại Việt Nam.

Mình ông đi khắp các nước châu Âu, Phi, Mỹ, Úc để mở lớp và giảng dạy châm cứu bằng ngôn ngữ của nước họ. Thời gian này, GS còn trực tiếp chữa bệnh cho hàng nghìn bệnh nhân nước sở tại. Trong các bệnh nhân của ông, có không ít những nhân vật quan trọng như: Tổng thống Tahiti, Tổng Bí thư Đảng Lao động Mexico,…

Cái tài của GS là cách trình bày y học phương Đông qua cách nhìn duy lý và thực chứng của y học phương Tây, để làm sáng tỏ những khái niệm có phần “tù mù” với tư duy phương Tây như: Âm - dương, ngũ hành, hàn - nhiệt... Ông kết hợp giữa giải phẫu sinh lý của y học hiện đại với thuyết tạng phủ - kinh lạc của Đông y để lập thành đạo huyệt cần vận dụng trong điều trị, cũng như giúp người nghe hiểu được ý nghĩa của các huyệt như: Thận du, mệnh môn, đan điền, tam túc lý, tam âm giao,…

Những đúc kết của GS đã chiếm được tình cảm và sự khâm phục của bạn bè quốc tế, từ đó họ cùng nhau ủng hộ cho Việt Nam. Lúc đó người thì ủng hộ tiền, người thì ủng hộ một container gồm 100 giường bệnh, màn, quần, áo, dụng cụ phẫu thuật, ô-tô tải, hàng chục tấn hóa chất… Tất cả nhận về đem bán để lấy tiền xây dựng bệnh viện. Có tiền rồi, GS bỏ ra nhiều công sức tổ chức san lấp, cải tạo cánh đồng Si hoang vu, lầy lội để xây dựng Bệnh viện châm cứu Trung ương tồn tại và trưởng thành đến ngày hôm nay.

4/ Về những ca châm cứu của mình, bằng giọng trầm ấm, GS Nguyễn Tài Thu từng kể:

- Lần ấy, tôi châm tê cho cháu trai tám tháng tuổi - cháu ruột của ông Anayberto - Tổng Bí thư Đảng Lao động Mexico. Cháu đã trải qua giải phẫu hai  lần để tạo hậu môn nhưng vẫn chưa được. Nếu lần thứ ba phải gây mê chắc sẽ rất nguy hiểm. Tôi được mời đến và châm tê cho cháu.

20 phút sau châm cứu, tôi dùng kìm cặp mạnh vào chỗ gây tê, cháu không có phản ứng gì ở vùng mổ, mặc dù cháu vẫn tỉnh táo, mắt mở to. Ca mổ do đích thân Bộ trưởng y tế Mexico trực tiếp phẫu thuật. Nhiều năm sau cháu bé khỏe mạnh, kháu khỉnh. Tôi trở thành thượng khách của Tổng Bí thư Đảng Lao động Mexico mỗi lần đến nước ông.

Một trường hợp khác. Đó là một người bệnh bị câm ở Albi, Touluose đã được điều trị ở trung tâm phục hồi chức năng nhiều lần nhưng không khỏi. Thế rồi họ mời GS Thu đến. Chỉ sau 15 phút với mấy cây kim nhỏ, ông đã cho bệnh nhân câm nói được, trước sự vui sướng đến tột cùng của người thân và các y, bác sĩ có mặt trong phòng điều trị. 

Ông còn kể một câu chuyện cười ra nước mắt. Đó là một cháu bé được mẹ bế đến chờ tôi ở cửa phòng đã lâu. Thấy ông mở cửa, người mẹ trẻ nói trong nước mắt như cầu khẩn: “Ông cứu con cháu với!”. Người mẹ nói nhanh đến mức không hiểu cô ta nói gì. GS khám và chuẩn bị châm cứu. Nhìn thấy kim, cháu bé khóc thét lên. Người mẹ hỏi: “Có phải buộc chân cháu không ông?”. GS nói: “Tôi châm cứu cho con người chứ có phải vật đâu mà phải trói”. Nói rồi, ông châm kim vào đầu và cổ cháu. Mấy phút sau cháu ngủ ngon trong vòng tay người mẹ.

Suốt 50 năm gắn bó với nghề, với những cống hiến xuất sắc cho nền y học Việt Nam, năm 1995 GS Nguyễn Tài Thu được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”. Năm 2000, ông được phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”. Năm 2004, ông được trao tặng  Huân chương Độc lập hạng nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Với tâm, đức cao cả và tấm lòng nhân ái, GS Nguyễn Tài Thu sẽ sống mãi trong tâm tưởng của các thế hệ học trò, bạn bè đồng nghiệp và cả đối với hàng nghìn bệnh nhân được ông cứu chữa.