2.300 sản phẩm “0 đồng” đến với công nhân

Chương trình “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình năm 2019”, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức đã diễn ra trong hai ngày 29 và 30-11 tại Thanh Hóa, thu hút hàng chục nghìn lượt đoàn viên, người lao động tham gia.

2.300 sản phẩm “0 đồng” đến với công nhân

Công đoàn viên và người lao động đã có cơ hội mua sắm hàng nghìn mặt hàng, dịch vụ thiết yếu của 28 doanh nghiệp tại 70 gian hàng, bao gồm các sản phẩm gia dụng, may mặc, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, sách, thiết bị giáo dục; các nông thổ sản địa phương, vùng miền... với mức giảm giá từ 5 - 70%. Hơn 2.300 sản phẩm với giá “0 đồng” đã đến tay công nhân, người lao động. Số hàng hóa này trị giá hơn 235 triệu đồng, do bảy doanh nghiệp hỗ trợ.

Cũng trong dịp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đã trao 100 suất quà, mỗi suất một triệu đồng, kèm quà tặng cho công nhân hoàn cảnh khó khăn, công nhân có thành tích xuất sắc, đồng thời trao tiền hỗ trợ, xây mới 46 Mái ấm Công đoàn với tổng giá trị 1,82 tỷ đồng.

Hợp tác sản xuất vaccine phòng cúm gia cầm và bệnh dại

Theo TS Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế), các nhà khoa học về vaccine hàng đầu thế giới đến từ Đại học Bristol (Anh) đang phối hợp Việt Nam nhằm hỗ trợ và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine thế hệ mới MultiBac. Trước mắt, công nghệ này sẽ được sử dụng để sản xuất vaccine phòng cúm đại dịch (cúm A/H5N1) và vaccine phòng bệnh dại.

Với công nghệ mới, việc sản xuất ra vaccine mới đạt sản lượng lớn trên các tế bào côn trùng có thể dễ dàng nuôi cấy với chi phí thấp. Thời gian nghiên cứu, sản xuất vaccine được rút ngắn xuống còn khoảng ba năm, thay vì 5 - 10 năm như trước. Công nghệ này đã được triển khai tại 20 quốc gia trên thế giới.

Tăng lương tối thiểu cho người lao động đã qua đào tạo nghề

Chính phủ mới ban hành Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, mức lương trả cho NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề phải cao hơn ít nhất 7% so mức lương tối thiểu vùng quy định. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2, Điều 5, Nghị định 90/2019/NĐ-CP, NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề bao gồm: Người đã được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề, bằng trung học chuyên nghiệp, bằng trung học nghề, bằng cao đẳng, chứng chỉ đại học đại cương, bằng đại học, bằng cử nhân, bằng cao học hoặc bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 1-1-2020.