Xây dựng ý thức tham gia giao thông

Bạn đọc viết:

Đào Quang Minh (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội)

Bất cứ ai sống ở Hà Nội cũng có thể nhận ra tình trạng ùn tắc cục bộ đang ngày càng nghiêm trọng. Nếu như trước kia, chỉ những trục giao thông chính mới thường ùn tắc, thì nay mọi tuyến phố, các lối “đi tắt” xuyên qua ngõ nhỏ, thậm chí vỉa hè cũng đều đặc kín phương tiện trong giờ cao điểm. 

Bên cạnh những nguyên nhân như lượng người dân sở hữu ô-tô tăng nhanh, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông phát triển ì ạch và bất cập, các giải pháp giao thông công cộng chưa thật sự hiệu quả... thì ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân cũng góp phần không nhỏ dẫn tới tình trạng nêu trên. Tắc đường hay không, người dân vẫn rẽ, chuyển làn bừa bãi, vượt đèn đỏ, “đi cố” đèn vàng. Trước kia, việc “leo vỉa hè” chỉ xảy ra khi tắc cứng, thì nay phố hơi đông một chút là dòng người lập tức biến những đoạn vỉa hè mới lát đẹp đẽ thành lòng đường. Giờ tan tầm, nhìn dòng người nối đuôi nhau đi ngược chiều, “cướp” làn để di chuyển mà ngán ngẩm. Đã vậy, lại còn những chiếc ô-tô dừng đỗ vô tội vạ, kể cả tại các tuyến phố chật hẹp, khiến giao thông lúc cao điểm càng thêm bức bối. Trạm dừng đỗ xe bus, làn riêng của xe bus nhanh... dường như không lúc nào không bị xâm phạm. 

Ý thức tham gia giao thông kém, áp lực giao thông ngày càng tăng, cho nên ngày càng xảy ra nhiều vụ cãi vã, thậm chí xô xát, ẩu đả do va chạm trên đường dù không hề nghiêm trọng. Giờ cao điểm, nhiều người phải ì ạch “lết” từng mét, mất tới 2 - 3 giờ đồng hồ mới về được tới nhà. Mỗi khi trời mưa, giao thông lại càng hỗn loạn do nhu cầu sử dụng ô-tô tăng đột biến. Những ngày Tết Nguyên đán - khoảng thời gian mật độ giao thông tăng vọt đang tới ngày một gần, liệu người dân Thủ đô có hy vọng nào để không phải mất hàng giờ đồng hồ di chuyển mỗi khi đi học, đi làm?