Vẫn vừa đi xe vừa nghe điện thoại

Bạn đọc viết:

Trịnh Viết Hiệp (Hà Nội):

Khoảng 8 giờ sáng một ngày đầu tuần mới đây, khi đi xe gắn máy tới ngã tư đường phố và dừng đèn đỏ, tôi bắt gặp cảnh một chàng thanh niên còn trẻ, đậu xe ngay tại vạch dừng theo quy định và vô tư “buôn dưa lê” bằng chiếc điện thoại của mình, mặc cho phía sau là rất nhiều phương tiện xếp hàng dài tuýt còi inh ỏi, vì lúc này đèn tín hiệu giao thông mầu xanh đã được bật lên. Do quá mê buôn chuyện nên người này hầu như không nghe tiếng còi xe và cả những lời nặng nhẹ ở phía sau lưng mình. Thậm chí đã hết tín hiệu đèn đỏ đến lần thứ hai, anh ta vẫn tiếp tục sử dụng điện thoại khiến dòng phương tiện phía sau cứ nối dài thêm.

Ngày nay, điện thoại di động trở thành vật bất ly thân với nhiều người, đặc biệt đối với cánh tài xế chở khách. Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện chở khách tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao. Trên mỗi chuyến xe, bất cứ hành khách nào chứng kiến hành vi này của tài xế đều cảm thấy bất an. Thực tế, đã có những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra do lỗi lái xe sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, lực lượng chức năng rất khó phát hiện, bắt lỗi tài xế nghe điện thoại khi điều khiển phương tiện, bởi hành vi này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

Đã đến lúc những ai có thói quen sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông nên biết, theo quy định về mức xử phạt đối với hành vi này (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tại điểm l, khoản 3, Điều 5 Nghị định quy định: xử phạt từ 600 đến 800 nghìn đồng đối với người điều khiển ô-tô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường; tại điểm O, khoản 3, Điều 6 quy định: xử phạt từ 100 đến 200 nghìn đồng đối với người đang điều khiển xe máy, mô-tô sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.

Hành vi nghe, gọi điện thoại khi đang điều khiển phương tiện, đặc biệt tại khu vực đông xe cộ qua lại, các chốt tín hiệu giao thông… không những gây phiền hà cho người khác mà còn nguy hiểm cho chính mình và người đang tham gia giao thông. Do đó, từ bỏ thói quen, hành vi này là việc cần làm ngay của mỗi người dân để bảo vệ chính mình và những người chung quanh khi tham gia giao thông.