Thêm cơ sở mong đợi với Hội Nhà văn

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2025 vừa khép lại thành công với một Ban chấp hành (BCH) mới được đánh giá là có những nhân tố mới, năng động, hứa hẹn cùng tập thể đông đảo của Hội tạo nên những khởi sắc mới.  

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trả lời báo chí sau đại hội.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trả lời báo chí sau đại hội.

Thêm thành quả càng thêm thử thách

5 năm, 15 trại viết; nhiều chuyến đi thực tế Trường Sa, biên giới phía bắc, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền trung, Tây Bắc; cuộc thi tiểu thuyết 5 năm đón nhận 176 tác phẩm với nhiều gặt hái; thiết lập quan hệ với nhiều Hội nhà văn thuộc châu Á, Âu, Phi, Mỹ la-tinh; số sách dịch ra nước ngoài của các nhà văn Việt Nam tăng lên; Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ tư và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ ba gây ấn tượng tốt đẹp và mở ra nhiều cơ hội hợp tác; tổ chức thành công hội nghị Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc với sự đón chào nhiều nhà văn Việt Nam đang sống ở nước ngoài và nhiều nhà văn sáng tác trước năm 1975 ở miền nam; nhiều cây bút trẻ sung sức đã gia nhập Hội…

Đó là một số trong nhiều thành quả của Hội Nhà văn Việt Nam qua nhiệm kỳ 2015 - 2020, quãng thời gian mà công tác Hội cũng như hoạt động văn chương nói chung đặt trong bối cảnh nhiều thử thách của đất nước. Đặc biệt như tổng kết của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội khóa IX, thay mặt BCH của khóa, cho rằng: Văn hóa đọc, thị trường sách văn học còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc quảng bá tác phẩm. Đời sống của nhà văn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế đến việc đầu tư, tích lũy vốn sống cho những tác phẩm lớn. 

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng thừa nhận những hạn chế về phía công tác của Hội cũng như hoạt động sáng tác nói chung: chưa xây dựng được những hình tượng nghệ thuật tiêu biểu, có sức khái quát cao về hai cuộc chiến tranh vĩ đại và công cuộc đổi mới; còn ít tác phẩm đủ sức trở thành các hiện tượng văn học; tình trạng trung bình, tản mạn còn khá phổ biến, tính chuyên nghiệp chưa cao; công tác xã hội hóa của Hội còn nhiều khó khăn, chủ yếu còn dựa vào đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; tầm với và sự bao quát của Ban chấp hành, các Hội đồng và Ban chuyên môn còn nhiều hạn chế, đặc biệt đối với các vùng xa, vùng sâu…

Mong đợi không chỉ BCH

Thành quả, hạn chế cũng là những lý do đặt lên vai BCH Hội khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2025. Một BCH mà khi biết kết quả bầu lãnh đạo Hội, rất nhiều hội viên đã hào hứng chào mừng và gửi gắm nhiều kỳ vọng. Đại hội đã bầu được BCH với 11 người như đề xuất và dự kiến, độ tuổi “trẻ” hơn, có sự kế thừa với các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Khuất Quang Thụy từ nhiệm kỳ trước, có những gương mặt mới như nhà thơ Trần Hùng, Hữu Việt, Lương Ngọc An, Phan Hoàng, nhà văn Bích Ngân, cùng hai nhà văn từng tham gia BCH các khóa trước nữa như Nguyễn Thị Thu Huệ, Vũ Hồng. Cùng với nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Bình Phương được bầu làm Phó Chủ tịch, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội khóa X với mong mỏi sẽ góp phần khởi lên những cảm hứng mới và cụ thể là những dự định mới, đầu việc mới cho tổ chức Hội để các thành phần, đơn vị trực thuộc cùng vận động, thúc đẩy nhau tiến bộ.

Thực tế, đó cũng là mục tiêu chung không chỉ của BCH, bởi một đội ngũ lãnh đạo Hội hay cả BCH dù năng động nhưng nếu gặp phải các bộ phận trì trệ hay không được tạo điều kiện phát huy thì cũng khó lòng triển khai ý tưởng, kế hoạch mới. Bởi thế, kiến nghị của BCH khóa IX gửi sang khóa X mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đại diện gửi gắm và cũng là đón nhận. Đó là: Trong nhiệm kỳ X, cần huy động và khai thác tài năng, kinh nghiệm của các nhà văn có bề dày sáng tạo và các hoạt động của Hội. Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò của các chi hội trong việc đẩy mạnh sáng tác, đi thực tế, kết nạp hội viên, phát hiện các tác phẩm chất lượng cao để đóng góp cho các giải thưởng…

Và mong đợi, có lẽ đang có không ít mong ngóng cho những đầu việc trong công tác Hội ngay sau đại hội. Trong đó có việc thành lập các hội đồng chuyên môn, ban công tác trực thuộc, cùng những kế hoạch hoạt động đầu tiên, trong đó sẽ không xa nữa là Ngày thơ Việt Nam 2021 mà Hội đã đề ra mục tiêu: Duy trì và nâng cao chất lượng Ngày thơ Việt Nam; đề nghị Nhà nước công nhận Ngày thơ Việt Nam là Lễ hội văn hóa mới.