Thách thức biểu diễn nghệ thuật thời 4.0

Không đứng ngoài ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (gọi tắt là CMCN 4.0), ứng dụng công nghệ vào biểu diễn nghệ thuật là việc làm tất yếu để hấp dẫn và thu hút công chúng. Tuy nhiên, với nghệ thuật truyền thống của Việt Nam thì việc ứng dụng này là cả một cuộc thách thức to lớn với tài năng sáng tạo.

Cần khai thác hiệu quả công nghệ với năng lực của ê-kíp sáng tạo để tăng sức hấp dẫn cho sân khấu truyền thống.
Cần khai thác hiệu quả công nghệ với năng lực của ê-kíp sáng tạo để tăng sức hấp dẫn cho sân khấu truyền thống.

Hàng trăm đơn vị nghệ thuật… “cũ”!

Chưa bàn tới dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, công nghệ in 3D, công nghệ thực tại ảo, ngay từ hạ tầng, thiết chế văn hóa của lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật hiện nay vẫn rơi vào thực trạng vừa thiếu lại vừa yếu. TS Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chỉ rõ, cả nước hiện có 128 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, hơn 200 đoàn nghệ thuật xã hội hóa nhưng mới chỉ có 130 điểm biểu diễn nghệ thuật có mái che, bao gồm nhà hát, rạp hát, trung tâm văn hóa, cung văn hóa. Chưa kể, hạ tầng công nghệ trong hoạt động quảng bá, dịch vụ bán vé tự động hay đặt máy bán vé, đặt chỗ trực tuyến thông qua hệ thống thanh toán trên mạng… chỉ được áp dụng ở một số nhà hát, còn lại vẫn duy trì cách làm truyền thống.

Tình trạng hạn chế đủ mọi nguồn lực, từ con người, tài chính, phương tiện… trong quá trình biểu diễn nghệ thuật đã khiến “cái khó bó cái khôn”. GS, TS Lê Thị Hoài Phương (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) cho rằng, khó có thể lạc quan với thực trạng ứng dụng công nghệ hiện nay tại các đơn vị biểu diễn nghệ thuật. Bà chỉ rõ, cho đến nay chưa có một nhà hát nào có bộ phận marketing hay bộ phận gây quỹ tài trợ độc lập (thường chỉ là kiêm nhiệm), nên làm việc qua internet chưa được phát huy. Hầu hết các nhà hát chưa quan tâm đến việc tìm hiểu, nghiên cứu khán giả của mình là ai, họ đang ở đâu, không thực hiện các cuộc điều tra xã hội học để tìm hiểu khán giả, cho nên không thể có được dữ liệu thông tin của riêng tổ chức mình.

Trong đó, khó khăn nhất hạn chế về mặt tư duy. Đội ngũ biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống chủ yếu phát huy thế mạnh nghệ thuật, tinh hoa trong loại hình truyền thống đó mà ít có điều kiện nghiên cứu công nghệ để phát huy giá trị nghệ thuật. Nhân lực công nghệ ở các thiết chế văn hóa của Nhà nước về cơ bản là thiếu về số lượng, chưa đạt yêu cầu chất lượng. Ngay cả phương tiện máy móc và đạo cụ học tập cho sinh viên các trường đại học sân khấu, điện ảnh rất thiếu và cũ kỹ...

Đừng quên đầu tư vào con người!

Để bắt kịp cuộc CMCN 4.0, cũng như thực hiện lộ trình Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt trọng tâm vào hai nhóm sản phẩm được ưu tiên là: Biểu diễn nghệ thuật sử dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại; truyền dạy nghệ thuật truyền thống và đương đại bằng công nghệ số.

Tuy nhiên, việc tận dụng được thời cơ cũng là bài toán khó cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Nhất là khi đối mặt những thách thức, mặt trái mà CMCN 4.0 mang lại. Đó là nguy cơ nhà hát thiếu vắng khán giả khi con người đã quá no nê với nhiều hình thức giải trí nhờ công nghệ số tạo nên, là nguy cơ bị lạm dụng bản quyền do tình trạng ăn cắp, sao chép tác phẩm nhờ các phương tiện kỹ thuật số, hay sẽ có những nhà hát chịu chấp nhận tụt hậu vì không có tiền để đầu tư máy móc, thuê nhân sự công nghệ thông tin để ứng dụng công nghệ mới…

Khi đó, hướng đầu tư hiệu quả để tiếp cận được các thành tựu của CMCN 4.0 chính là đầu tư con người. TS Trần Thị Minh Thu (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) cho rằng, nguồn lực con người cần được coi là yếu tố hàng đầu, vì mọi máy móc, trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được con người trong mọi quyết định, hướng đi của ngành nghệ thuật biểu diễn trong hiện tại lẫn tương lai. Điều này càng đúng đắn khi đặt trong ngành đặc thù như nghệ thuật biểu diễn vốn luôn đòi hỏi sự khác biệt, độc đáo mang tính sáng tạo cá nhân.

Theo PGS, TS Trần Trí Trắc, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không chỉ là phương tiện, công cụ cần thiết để nâng hình thức sân khấu lên tầm hiện đại, mà còn là những sáng tạo mới, hấp dẫn, lôi cuốn khán giả. Nhưng mỗi người làm nghệ thuật cần phải hiểu rằng, cách mạng công nghiệp phải trở thành nội dung của tác phẩm và là cảm hứng sáng tác của mỗi người nghệ sĩ. Không có nội dung và cảm hứng thì sân khấu dù có tràn đầy hình thức từ cách mạng 4.0 cũng trở nên vô nghĩa.