Tạo sinh kế mới cho người dân

Với hệ sinh thái đa dạng, diện tích đất rừng lớn, tỉnh Lâm Đồng đang được một số doanh nghiệp lựa chọn để thử nghiệm trồng dược liệu xen dưới tán rừng. Hướng đi này được kỳ vọng tạo ra sinh kế mới cho người dân.

Vợ chồng chị Hải thu hoạch sâm đương quy.
Vợ chồng chị Hải thu hoạch sâm đương quy.

Hiệu quả thấy rõ

Vợ chồng chị Hải (xã Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) vài năm trở lại đây đã bắt đầu chuyển từ trồng cà-phê sang trồng sâm đương quy. Chị cho biết: “Một sào sâm đương quy có thể mang lại doanh thu ít nhất 50 triệu đồng trong một năm. So khoảng 10,5 triệu đồng doanh thu của mỗi sào cà-phê, việc trồng sâm đương quy đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, trong khi việc chăm sóc giống cây này cũng không khó khăn, vất vả hơn nhiều so trồng cà-phê”.

Nhà chị Hải chỉ là một trong số nhiều gia đình trong khu vực Lâm Hà dần chuyển đổi mô hình trồng cà-phê, thanh long sang trồng cây dược liệu hoặc áp dụng mô hình trồng xen để tăng hiệu quả kinh tế. Ngoài sâm đương quy, đinh lăng, sâm bố chính… cũng là những loại cây dược liệu được nhiều người dân lựa chọn để trồng trọt. Trên thực tế, trong những năm gần đây, tình hình giá cà-phê cũng như một số cây nông nghiệp khác giảm thấp, thì thu nhập từ cây dược liệu ước tính có thể đạt 500 triệu - 800 triệu đồng/ha/năm, với chi phí đầu tư không lớn. 

Tuy nhiên, theo chị Hải, cho đến nay, hầu hết việc chuyển đổi mô hình từ trồng cây cà-phê, thanh long sang trồng cây dược liệu đều là hành động tự phát của các hộ dân sau khi nhận ra những hiệu quả kinh tế từ mô hình này. Chính vì vậy, phần lớn họ chỉ bán sản phẩm cho những người mua nhỏ, lẻ hoặc do một vài cơ sở nhỏ đặt hàng chứ chưa có nguồn đầu ra thật sự bảo đảm.

Còn nhiều vướng mắc

Theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng, Lâm Đồng là một trong những khu vực có hệ sinh thái đa dạng nhất cả nước với các vùng sinh thái ở độ cao từ 300 - 600 m, từ 600 - 1.000 m và từ 1.000 - 1.500 m. Với ba vùng sinh thái này, tỉnh được đánh giá là một trong những khu vực có nhiều tiềm năng nhất cả nước để phát triển cây dược liệu. Hiện, ước tính có khoảng 283 họ, 2.291 loài thực vật làm thuốc, trong đó có 55 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam được phân bố trồng trọt và phát triển tại đây. 

Nhận thấy những tiềm năng phát triển dược liệu tại khu vực, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở NN&PTNT tỉnh xây dựng đề án giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển dược liệu, căn cứ trên Nghị định Chính sách đặc thù về giống, vốn và phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu số 65/2017/NĐ-CP ban hành năm 2017. Trong khi đó, một số doanh nghiệp địa phương cũng đã tìm hiểu và nghiên cứu các dự án phát triển dược liệu.

Ông Thủy Ngọc Phúc, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai (thuộc Công ty cổ phần Tân Thành Holdings), một trong những doanh nghiệp (DN) đang khảo sát tiềm năng trồng dược liệu tại Lâm Đồng cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần Tư vấn phát triển Phương Đông triển khai “Đề án thí điểm Phát triển chuỗi giá trị dược liệu gắn với kinh tế rừng bền vững”. Mục tiêu của đề án là nhằm tạo sinh kế, nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, đồng thời tăng độ che phủ cho rừng khu vực Tây Nguyên thông qua việc phát triển kinh tế dược liệu và triển khai các đề án thí điểm mô hình chuỗi giá trị dược liệu từ khâu cây giống, trồng trọt, sản xuất đến khi đưa sản phẩm phân phối ra thị trường (mô hình trồng xen, trồng cây dược liệu dưới tán rừng...)”.

Cũng theo ông Phúc, nhiều DN địa phương được giao quản lý một lượng lớn diện tích đất rừng. Điển hình như Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai hiện quản lý hơn 10 nghìn ha rừng tại xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Đây được cho là lợi thế lớn để phát triển đề án trồng cây dược liệu xen dưới tán rừng.

Tuy nhiên, dù nhận ra những tiềm năng lớn trong phát triển cây dược liệu, song các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, các đề án của tỉnh Lâm Đồng cũng như các DN vẫn còn nhiều vướng mắc, như thiếu cơ chế chính sách về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ lâm nghiệp sang nông nghiệp), khó khăn về việc tìm đầu ra cho sản phẩm hay cơ chế vay vốn đối với DN… Do đó, để bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tương xứng với tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, tỉnh Lâm Đồng cũng như doanh nghiệp cần tham vấn thêm các chuyên gia để có những giải pháp, chính sách hoàn chỉnh hơn cho các quy hoạch đề án đang triển khai.