Số hóa để minh bạch hoạt động vận tải

Sáu năm trước, những ứng dụng gọi xe như Grab, Uber, Easytaxi... lần lượt xuất hiện tại Việt Nam, mở ra cuộc cạnh tranh gay gắt buộc các doanh nghiệp (DN) taxi truyền thống phải chuyển mình tạo nên xu thế ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải. Xu thế đó vẫn đang tiếp tục khi ngày càng có nhiều DN thuộc các lĩnh vực vận tải khác đã vào cuộc.

Toàn bộ hoạt động vận tải với hơn 300 đầu xe của Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan được điều hành trên nền tảng số.
Toàn bộ hoạt động vận tải với hơn 300 đầu xe của Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan được điều hành trên nền tảng số.

1. Công ty cổ phần Công nghệ An vui và Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan vừa công bố Nền tảng Hợp đồng điện tử (HĐĐT) cho lĩnh vực vận tải hành khách (trên 9 chỗ) nhằm giảm thủ tục giấy tờ, minh bạch thông tin trong quản lý hợp đồng thuê xe giữa DN vận tải và các cơ quan chức năng. Theo đó, HĐĐT sẽ được sinh ra tức thì trước khi xe lăn bánh. Đây được coi là bước ngoặt hướng đến minh bạch, an toàn và hiệu quả.

Ông Phan Bá Mạnh, CEO Công ty An vui cho biết: Nền tảng HĐĐT không chỉ hỗ trợ DN vận tải tiết giảm chi phí in ấn, lưu trữ, tiếp cận khách hàng tốt hơn mà còn giúp các cơ quan nhà nước quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng một cách chặt chẽ hơn. Thông qua việc chia sẻ dữ liệu của DN vận tải, tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày, cơ quan quản lý nhà nước đều có thể kiểm tra xác thực thông tin về chuyến xe, hành trình và danh sách hành khách.

Mang theo nhiều lợi ích như vậy nhưng ông Mạnh thừa nhận, việc thuyết phục các DN vận tải chuyển đổi số không hề dễ dàng. Dù có hơn 100 khách hàng nhưng Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan là DN đầu tiên trong lĩnh vực xe hợp đồng trên chín chỗ mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi.

Chia sẻ về động lực để thay đổi, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc công ty Hà Lan cho biết: Trải qua hai cơn “bão” Covid-19, DN vận tải nào cũng khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi đã biến khó khăn thành cơ hội để củng cố, cơ cấu lại hoạt động. Nhờ ứng dụng công nghệ, chúng tôi đã có nền tảng quản trị để dễ dàng vận hành đội ngũ lái xe, phương tiện phục vụ khách hàng một cách tốt hơn. Nền tảng này cũng đem lại sự thuận tiện trong việc lưu trữ, quản lý, xử lý và thống kê dữ liệu. Bên cạnh đó, thông qua nền tảng hợp đồng điện tử, chúng tôi cũng chủ động chia sẻ mọi dữ liệu về hoạt động kinh doanh để Tổng cục Đường bộ Việt Nam giám sát, quản lý.

2. Nền tảng HĐĐT - thành quả của cuộc cách mạng công nghệ số sẽ là công cụ hữu hiệu hỗ trợ cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ việc kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng. Thông qua việc chia sẻ dữ liệu, cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế có thể dễ dàng quản lý các hợp đồng cho thuê xe theo Nghị định số 130/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô, Thông tư số 12/2020/TT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô-tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. 

Tuy nhiên, để HĐĐT trong lĩnh vực vận tải hành khách (trên chín chỗ) trở nên phổ biến vẫn còn một chặng đường khá dài. Cho rằng chuyển đổi số chỉ dành cho đơn vị nào sẵn sàng hướng đến sự chuyên nghiệp trong kinh doanh, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam nhận định: Để các nền tảng HĐĐT trong lĩnh vực vận tải hành khách phát triển vẫn còn rất nhiều khó khăn bởi con số DN vận tải có “bản lĩnh” minh bạch là chưa nhiều! Ngoài ra, tính pháp lý của HĐĐT này vẫn còn nhiều điều chưa làm rõ. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây vẫn là một xu thế tất yếu và cơ quan quản lý nhà nước nên cổ vũ, thậm chí nên đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật bắt buộc, cũng giống như năm 2008 chúng ta đưa thiết bị giám sát hành trình và tới đây là camera giám sát thành quy định bắt buộc trong hoạt động vận tải.

Đánh giá cao việc DN vận tải chủ động chia sẻ hoạt động kinh doanh với cơ quan quản lý nhà nước, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam cho rằng: Nền tảng điện tử kết nối giữa DN, người sử dụng và cơ quan quản lý là một giải pháp hữu hiệu nhằm minh bạch và giảm bớt các chi phí quản lý trung gian, cắt giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp theo kiểu truyền thống. Vì vậy thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật sao cho tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất giúp các DN chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ.