Nỗi lo dưới chân núi Ka Lóc

Trở về sau vụ sạt lở cách đây hơn năm tháng, người dân sống dưới chân núi Ka Lóc vẫn không thấy yên, khi trên các sườn núi, vết tích của những vụ sạt lở vẫn còn. Những sạt, trượt mà chỉ cần một trận mưa, không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Vụ sạt lở khiến đất đá đổ về cuốn trôi mọi thứ trên đường.
Vụ sạt lở khiến đất đá đổ về cuốn trôi mọi thứ trên đường.

Tháo chạy trong đêm

5 giờ chiều 17-10-2020, bà Hồ Thị Cương (51 tuổi), ngồi cùng con cháu trên nhà sàn. Bên dưới nước lũ bao vây. Trời đất xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị khi đó mưa xối xả. Một người đi ngang qua nhà, cảnh báo “trên kia sạt lở núi vùi mấy người, coi mà di tản đi, ở nhà nguy hiểm!”.

Nhà bà Cương ở cách chân núi khá xa. Lũ thì năm nào cũng dâng. Bà không nghĩ đến một viễn cảnh khác. Nhưng rồi tự dưng âu lo, bà hối thúc con cháu di tản. Phía dưới sàn, nước lũ dâng cao quá đầu gối. Bà cùng con dâu, con trai và hai đứa cháu bồng bế nhau vượt qua dòng nước. Cả gia đình xin vào trú ở một ngôi nhà khác nằm chỗ cao ráo hơn.

Đến 1 giờ sáng, lại phải di tản bởi dòng nước chảy xiết. Họ lại bồng bế nhau đi trong đêm. Trời vẫn cứ mưa lớn. Cả dân bản kéo nhau lên con đường lớn nằm trên quả đồi cao. 

Cuộc di tản diễn ra đột ngột, mọi người không kịp mang theo gì. Khi cả gia đình bà Cương thoát khỏi dòng nước. Một tiếng nổ lớn vang lên. Từ trên núi đất đá đổ ầm xuống. Nước đục ngầu cuốn theo đá, cây cối tràn về bản.

Trời tối. Mưa lớn. Mọi người không hiểu ra chuyện gì. Họ đứng ngóng về phía bản, chỉ nghe tiếng cây đổ, nước chảy ầm ầm. “Phải di tản qua bản khác kiếm nhà ngủ, đứng đây cả đêm mưa lạnh không chịu được”, tiếng ai đó nói lớn. Người dân sau đó tiếp tục kéo nhau qua bản kế bên. Họ chia nhau ra, xin tá túc các nhà kiên cố...

Khi trời tạm yên ổn. Người dân sở tại quay về. Nhà của bà Cương cùng hàng loạt ngôi nhà khác nằm trên đường chảy của nước, đất đá vùi lấp, ngổn ngang cây cối. Đào bới xem có cứu vớt được gì không nhưng rồi cũng chẳng có thứ gì tồn tại được trong lớp đất đá dày cả nửa mét.

Sống thấp thỏm dưới chân núi

Hướng Việt những ngày đó chìm trong bùn đất, ngổn ngang đá, cây cối tràn về. Công cuộc phục hồi lại sau sạt lở đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Bùn đất được cào ra từ nền nhà, vườn, đường sá chất thành đống như núi. Ruộng đồng bị bồi lấp. Người dân xã Hướng Việt chịu cô lập trong cảnh túng thiếu hơn 9 ngày. Hai chuyến bay của trực thăng vượt qua đỉnh Sa Mù đem đến cho người dân chút lương thực. 

Từ ngã ba Khe Sanh, thị trấn Khe Sanh chạy dọc theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, có thể gặp hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ. Từ sạt ta-luy âm đến ta-luy dương. Bắt đầu từ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337, các điểm sạt lở lớn nhỏ xuất hiện dày đặc trên các sườn núi, uy hiếp giao thông, khu dân cư. Có địa điểm đất đá bị cuốn trôi tạo thành một vệt dài hàng trăm mét. Cây cối ngả rạp. Đá mồ côi đủ kích cỡ nằm khắp trong vườn, trong sân nhà dân. Sau vụ sạt lở, chính quyền huyện Hướng Hóa nghiên cứu di tản khẩn cấp hàng chục hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi định cư mới.

Sạt lở ở Hướng Việt chỉ là một chương nhỏ trong hình thái thiên tai mà người dân miền Trung phải gánh chịu trong năm vừa qua. Đáng chú ý, không phải chỉ năm 2020, sạt lở mới xảy ra mà hầu như năm nào cũng có, nó chỉ khác nhau ở quy mô, thiệt hại. Những vùng dân cư nằm trong vùng sạt lở được lập bản đồ, cảnh báo. Nhiều bản làng được di tản đến khu tái định cư mới. Có nhiều chỗ cư dân phải đi hàng chục km mới có được vùng đất dựng nhà mới.

Di dân khỏi vùng sạt lở và nguy cơ cao sạt lở là một điều tất yếu. Tuy nhiên, có tình trạng dân đến chỗ mới, một thời gian phải quay về lại chốn cũ, dựng lều bạt sống tạm bợ. Nguyên nhân vì đâu? Phải chăng do quy hoạch khu tái định cư nhưng không để ý đến tư liệu sản xuất cho cư dân, khiến họ thiếu đất canh tác; khu dân cư thiếu nước sạch; thiếu nước sản xuất, canh tác…; hạ tầng khu tái định cư thiếu thốn đủ bề, nhanh xuống cấp, hư hỏng. Và, nếu tương lai tiếp tục xảy ra sạt lở thì sẽ xử lý tiếp thế nào?

Sạt lở không chỉ gây thiệt hại về người và của cho người dân Hướng Việt. Mấy trăm ha ruộng lúa, đất màu hiện vẫn đang bị vùi lấp dưới lớp đất đá. Công cuộc khôi phục là một thách thức không nhỏ đối với người dân và chính quyền. Đứng dưới trụ sở UBND xã Hướng Việt, có thể đếm được hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ trên các sườn núi. Những vệt xước của núi chỉ cần một trận mưa kéo dài, lúc đó, không ai có thể bảo đảm an toàn cho cư dân sống bên dưới. Đến bây giờ, chỉ cần một tiếng động nhỏ vang lên mỗi đêm ngoài vườn cũng đủ khiến không ít người giật mình.