Nỗi khổ mang tên karaoke tự phát

Âm thanh chát chúa, âm lượng cực đại bất kể ngày đêm, việc hát hò giải trí của người này biến thành cơn ác mộng của hàng xóm, người đi đường. Từ ngày những chiếc loa di động giá rẻ xuất hiện khắp phố, từ ngày nhà nhà, người người thoải mái hát karaoke mọi lúc, mọi nơi với chiếc điện thoại trên tay, mọi thứ bỗng bát nháo hơn.

Nhiều người dân than phiền vì liên tục bị âm thanh từ các dàn karaoke tự phát “tra tấn” bất kể ngày đêm.
Nhiều người dân than phiền vì liên tục bị âm thanh từ các dàn karaoke tự phát “tra tấn” bất kể ngày đêm.

Cuối tuần lại… bỏ nhà đi trốn

Nhắc đến cuối tuần, chị Trần Thị Ngọc Mai (quận Bình Tân) lại lắc đầu ngao ngán. Vợ chồng chị có hai con nhỏ, thuê trọ căn phòng chưa tới 25 m² trong khu công nhân. Bình thường thi thoảng mọi người cũng ăn nhậu, mở nhạc nghe chút cho vui, nhưng đến cuối tuần các “hung thần” karaoke bắt đầu xuất hiện. “Hát gì mà từ 11, 12 giờ trưa đến chiều muộn, say xỉn hết mới ngưng. Nhà này hát, nhà kia cũng hát theo, mình ôm hai đứa nhỏ ở nhà mà đầu óc như ai lấy búa đóng đinh vào, nhức kinh khủng. Lâu lâu tiệc tùng hát hò chẳng ai than phiền đâu nhưng cuối tuần nào cũng vậy thì ảnh hưởng hàng xóm lắm. Nói khéo vài lần không ăn thua, cứ cuối tuần mình đành ngậm ngùi đưa con đi tá túc nhà bạn bè, người thân, tối mới quay về lại”, chị Mai bực bội.

Đợt Tết năm nay, mười ngày như chục, cứ đến trưa hàng xóm lại kéo loa thùng ra trước cửa, chia nhau chiếc điện thoại kết nối mạng trên tay và hát đủ thể loại nhạc khiến anh Nguyễn Thanh Tuấn (TP Thủ Đức) mỏi mệt vô cùng. Nhạc mở to không khác gì vũ trường, quán bar, loa xoay thẳng ra đường, thứ âm thanh nhộn nhạo của tiếng hát hòa vào tiếng hò hét, cười đùa vô ý thức của nhiều người đủ sức làm rung những cánh cửa khép chặt nơi nhà hàng xóm. Khóa hai lớp cửa, vào phòng ngủ trốn thứ âm thanh chát chúa, anh Tuấn vẫn không thể yên thân: “Kinh khủng lắm, không từ nào diễn tả nổi. Càng nhậu say người ta hát càng hăng, chẳng có dấu hiệu dừng lại. Hát thì ít, hét thì nhiều. Âm thanh thì vừa to vừa rè, nhắc đến karaoke di động là tôi sợ”.

Dọc theo các tuyến đường tập trung nhiều quán nhậu, quán ăn vỉa hè tại TP Hồ Chí Minh vào buổi tối rất dễ bắt gặp những “ca sĩ nghiệp dư” biểu diễn hồn nhiên với chiếc loa thùng cột chặt trên yên xe máy. Họ đi hát để bán kẹo kéo, bánh ngọt cho thực khách. Để thu hút người xem, họ thường chọn nhạc sôi động, mở loa cực lớn mà đâu biết điều này đang gây ảnh hưởng đến mọi người chung quanh. 

Đâu phải chuyện nhỏ

Trước thực trạng này, bốn năm nay, TP Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành và UBND 24 quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và triển khai một số biện pháp xử lý hành vi vi phạm. Về mặt pháp luật, các khung phạt với hành vi gây ồn tại khu dân cư cũng đã được quy định cụ thể trong các nghị định, thế nhưng, mọi thứ vẫn đâu vào đấy. Người hát vẫn hồn nhiên, hàng xóm vẫn chịu trận. Chịu không nổi thì một là đóng cửa, hai là bỏ nhà đi trốn. Nhiều ý kiến cho rằng, những bất cập hiện nay trong việc đo đạc tiếng ồn cũng như mức xử phạt còn quá nhẹ chưa đủ sức răn đe. Cũng vì nạn karaoke tự phát, karaoke di động mà nhiều vụ ẩu đả, thậm chí án mạng đã xảy ra, tạo thêm gánh nặng cho xã hội. 

Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh với chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, ông thường xuyên nhận phản ánh của người dân về tiếng ồn karaoke từ các “hung thần karaoke tự phát”. Theo ông Phong, việc để karaoke tự phát “tra tấn” người dân là không thể chấp nhận được. Các địa phương, sở, ngành cần thấy trách nhiệm trong vấn đề này. Đừng xem đây là chuyện bình thường. Cùng với nhận xét đó, người đứng đầu UBND TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 2 đã có công văn chỉ đạo các ủy viên UBND thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các quận, huyện về việc tăng cường phòng, chống vi phạm tiếng ồn.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, tham mưu các nhóm giải pháp về xây dựng, hoàn thiện pháp luật; tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động quần chúng giữ gìn trật tự, an toàn xã hội… và trình chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh trước ngày 31-3. 

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị thực hiện hiệu quả, đồng bộ nhiều biện pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm về tiếng ồn. Người đứng đầu ở cơ sở phải trực tiếp chỉ đạo, đồng thời chịu trách nhiệm về mâu thuẫn, tranh chấp liên quan vi phạm quy định về tiếng ồn ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự tại địa bàn mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý.