Nghịch lý tăng trưởng du lịch

Sau những khó khăn về chính sách, vận hành Quỹ phát triển du lịch, thủ tục visa, quảng bá xúc tiến thì cơ sở hạ tầng quá tải, nguồn cung chưa theo kịp nhu cầu được xem là điểm nghẽn cản trở sự phát triển du lịch Việt Nam.

Cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường còn chưa tốt nên khó hấp dẫn du khách.
Cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường còn chưa tốt nên khó hấp dẫn du khách.

Cầu vượt quá cung

Ba năm trở lại đây, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giữ nhịp độ tăng trưởng ở mức 26% - 30%. Từ 10 triệu lượt khách năm 2016, lên gần 13 triệu lượt khách năm 2017 và kỳ vọng đón gần 16 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018 được xem là kỳ tích của ngành “công nghiệp không khói”. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh trong thời gian ngắn đã khiến nhiều điểm du lịch trở nên đông đúc bất thường, thậm chí quá tải. Sức ép này có thể thấy ở ngay cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, trong đó có hàng không và khách sạn.

Theo ông Lương Hoài Nam (Phó Tổng Giám đốc Vietstar Airlines) từ 1975 tới nay, nước ta mới xây mới được một sân bay mới hoàn toàn là sân bay Phú Quốc và sắp tới đây là sân bay Vân Đồn, còn lại là sân bay cũ, sân bay quân sự được cải tạo lại. Với tổng công suất là 75 triệu khách/năm, năm ngoái, hệ thống 21 sân bay trong cả nước phục vụ 95 triệu lượt khách, năm nay, con số dự báo là 105 triệu lượt. Chỉ tính riêng hai sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam như Tân Sân Nhất và Nội Bài, đã thường xuyên trong tình trạng quá tải, nhưng việc mở rộng rất chậm. So các sân bay của quốc gia trong khu vực ĐNA, công suất của cả 21 sân bay Việt Nam hiện nay thậm chí chỉ bằng một sân bay của Changi (Singapore), Kuala Lumpur (Malaysia). Điều đó cho thấy nếu không có chính sách đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó có sân bay, nhà ga, bến bãi thì sẽ kìm hãm sự phát triển của du lịch.

Cầu vượt quá cung cũng là thực trạng của hạ tầng lưu trú du lịch. Ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch điều hành Grant Thornton Việt Nam cho biết, khách sạn của Việt Nam dù tăng liên tục, đặc biệt là trong ba năm gần đây nhưng chưa tương xứng với tăng trưởng lượng khách. Bên cạnh đó, ông Kenneth cũng bày tỏ mối lo ngại tác động tới cảnh quan đô thị, không gian văn hóa bản địa, di sản… Điển hình như Sa Pa, năm 2017, lượng khách tới đây tăng 60% so năm 2016, một lượng lớn khách sạn cao cấp được xây dựng như Intercontinental Sapa resort, Mgallery Sapa…, tuy nhiên việc xây dựng tràn lan ảnh hưởng tiêu cực tới văn hóa và cảnh quan địa phương.

Cần chú trọng hơn tới chất lượng

Thay đổi tư duy phát triển du lịch, tập trung vào chất lượng chứ không chỉ vào số lượng khách như hiện nay là điều được nhiều chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch đưa ra tại Diễn đàn Du lịch cấp cao năm 2018 vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Điều này xuất phát từ thực tế tăng trưởng lượng khách cao nhưng nguồn thu từ du lịch còn thấp, lượng khách quay lại Việt Nam chưa nhiều... khiến cho sự phát triển thiếu tính bền vững Ông John Lindquist (Cố vấn cao cấp Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston - BCG, thành viên Hội đồng Cơ quan Du lịch Vương quốc Anh) so sánh, du khách đến Việt Nam nghỉ lại lâu nhưng chi tiêu ít hơn so các nước trong khu vực. Dẫn chứng là, thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế tại Singapore là 3,4 ngày, nhưng mức chi tiêu là 325 USD/ ngày. Trong khi cùng thời gian lưu trú trung bình là 9,5 ngày nhưng khách du lịch đến Việt Nam chi tiêu 96 USD/ngày, còn Thái-lan có thể thu về 163 USD/khách.

Kết nối hàng không, xuất nhập cảnh thuận lợi, phát triển du lịch thông minh là những chính sách cải thiện năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, nâng cao chất lượng điểm đến vẫn là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Công ty lữ hành HG chỉ rõ, chúng ta làm chưa tốt kể cả từ khâu vệ sinh môi trường, thiếu công viên vui chơi, hoạt động giải trí, khu mua sắm, cửa hàng miễn thuế… nên khó hấp dẫn du khách.