Nghỉ hè với... iPhone, iPad

Nghỉ hè nhiều năm trước đây, trẻ vẫn thường nhộn nhịp, vô tư với các trò chơi bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, đá cầu, nhảy dây, thả diều… Còn thời @, công nghệ hiện đại, những ngày hè, nhiều em chỉ dán mắt vào “màn hình” điện thoại hay tivi.

Các hoạt động vui chơi giúp các em phát huy về mặt nhận thức, học hỏi.
Các hoạt động vui chơi giúp các em phát huy về mặt nhận thức, học hỏi.

1. Không thể phủ nhận tiện lợi mà công nghệ hiện đại mang lại như điện thoại thông minh, máy tính bảng… trong cuộc sống của từng gia đình. Nhưng với trẻ nhỏ đang độ tuổi tò mò, thích khám phá và học hỏi, việc cha mẹ cho các em xem điện thoại thường xuyên đã hình thành một thói quen, lối sống khó bỏ sau này. Mỗi khi đến giờ ăn, nhiều trẻ không có điện thoại sẽ không chịu ăn, hay gào khóc đòi điện thoại bằng được. Thậm chí nhiều trẻ em lén lấy điện thoại trong lúc bố, mẹ ngủ xem cả đêm không màng giờ giấc, ngủ nghỉ…

Chị Nguyễn Liên, trọ tại khu chung cư Kiều Mai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Nhà tôi có hai cháu trai lên 10 và lên tám, đều ở độ tuổi hiếu động. Vì ở chung cư, chung quanh chỉ là nhà, lại không quen biết ai, tôi sợ các con ra ngoài chơi sẽ gặp nhiều nguy hiểm nên đã vô tư cho bọn trẻ một chiếc iPad, iPhone, máy tính trong dịp hè. Tôi thấy các con ngoan hơn, không quấy rầy bố mẹ lại chịu khó ngồi lì trong nhà…”.

Một thực tế có thể dễ thấy ở bất cứ khu vực dân cư nào kể cả thành phố và những vùng nông thôn nơi có điều kiện thuận lợi hiện nay, đó là những hình ảnh đứa trẻ “dán mắt” vào màn hình điện thoại thông minh hay máy tính bảng, với rất nhiều trò chơi hấp dẫn đầy mầu sắc, tạo nên một thế giới giải trí ảo. Nhiều trẻ nhỏ dành gần như toàn bộ thời gian rảnh rỗi cho các thiết bị công nghệ này. Điều đáng nói, chính sự vô tâm tưởng như vô tư của người lớn, càng tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ chìm trong “thế giới ảo”. Không ít bậc phụ huynh còn sử dụng smartphone và máy tính bảng như mẹo để “dỗ” trẻ khi chúng hờn dỗi hoặc ăn vạ. Tuy nhiên, điều này vô tình lại tạo thói quen xấu, khiến đứa trẻ trở nên bướng bỉnh hơn, có trẻ không chịu ăn, không chịu học nếu không được sử dụng điện thoại. Về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.

2. Trường hợp của cháu Nguyễn Minh Châu (tám tuổi), trọ ở số nhà 25, Cầu Diễn, Hà Nội là một điển hình. Chị Lê Tú Oanh mẹ cháu cho hay, trước đây cháu lười ăn, ăn chậm nên chị thường dỗ cháu bằng điện thoại, được xem thì cháu ăn rất tốt. Lâu dần thành thói quen. Cháu thường đòi điện thoại của bố, mẹ và người lớn để xem và chơi các trò chơi. Mới đầu, chị không bận tâm lắm, nhưng càng ngày thấy cháu càng hư về đến nhà là mè nheo đòi điện thoại rồi dán mắt vào đó. Gần đây, thấy con cứ hay nheo mắt nhìn, chị mới cho con đi khám thì cháu đã cận 3,15 độ. Ngay lập tức, về nhà chị cấm bé tuyệt đối không dược sử dụng điện thoại. Nhưng điều khiến chị lo lắng là càng cấm bé càng trở nên cáu gắt, khó chịu với mọi người chung quanh.

Đến Bệnh viện Mắt T.Ư, điều dễ thấy khi vào phần lớn toàn trẻ nhỏ được cha, mẹ đưa đến khám các bệnh về mắt cận, loạn thị. Chị Hoa, y tá lâu năm tại bệnh viện cho biết: “Thật đáng buồn là bây giờ cận thị nhiều thế, mà có cận nhẹ đâu, có bé đến 10 tuổi mà đã cận 3-4 độ rồi. Thậm chí nhiều bé đến trước đó đã cận rất nặng. Cũng dễ hiểu, thời đại công nghệ phát triển trẻ em được nuông chiều, lúc nào cũng chỉ biết đến điện thoại thì mới cận sớm thế!”.

Nhiều chuyên gia khuyến cáo, các bậc cha mẹ phải quan tâm đến con trẻ không được cho bé tiếp xúc điện thoại từ sớm, tuyệt đối không được cho bé vừa ăn vừa xem, như vậy khiến bé không hấp thụ chất dinh dưỡng vô tình lại tạo thói quen xấu cho bé từ nhỏ. Cho bé tham gia các hoạt động vui chơi ở trường để bé phát huy năng khiếu của bé, ngoài ra nếu gia đình có thời gian thì cho bé đến công viên hòa mình với thiên nhiên sẽ giúp bé rất tốt về mặt nhận thức, học hỏi. Vì nhiều lý do khác nhau, sự vô tâm, thiếu hiểu biết của người làm cha, làm mẹ đã vô tình đẩy con em mình vào thế giới ảo, quên mất cuộc sống thực tại. Do đó, trước tiên, các phụ huynh hãy dành thời gian nhiều hơn để quan tâm đến các con, chỉ bảo để các con được an toàn trong chính gia đình mình.