Nên đưa điện mặt trời đến vùng cao

Khắc phục thực trạng nguồn kinh phí đầu tư có hạn, suất đầu tư cao khi triển khai các dự án cấp điện cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn tại tỉnh Điện Biên, nhiều ý kiến vừa được đưa ra về việc hỗ trợ điện năng lượng mặt trời cho người dân các thôn, bản vùng cao, biên giới.

Một trong những bản vùng cao ở xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông hiện chưa có điện.
Một trong những bản vùng cao ở xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông hiện chưa có điện.

Đói nghèo ở bản không điện

Theo ông Lò Văn Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: 5 năm 2015 - 2020, toàn tỉnh mới có thêm 8,6% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia, nâng tỷ lệ số dân được dùng điện lưới quốc gia từ 83,4% (năm 2015) lên 92% (năm 2020). Như vậy, toàn tỉnh hiện còn 8% dân số (khoảng gần 10 nghìn hộ) chưa được sử dụng điện.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng, cho biết thêm: Thực tế là kinh phí đầu tư các dự án (DA) điện cho các bản vùng cao rất khó khăn, hạn chế, bởi ngay cả khi DA được duyệt, đã triển khai nhưng vẫn chưa biết khi nào mới hoàn thành. Toàn huyện Mường Ảng có 19 bản (chiếm khoảng 15% số bản trong toàn huyện) chưa có điện lưới quốc gia. Theo kế hoạch, năm 2020 Mường Ảng có năm bản thuộc xã Nặm Lịch được đầu tư DA điện nhưng thi công được một thời gian thì đơn vị thi công lại bỏ dở công trình. Hiện tại, DA kéo điện về năm bản đều dở dang, trong khi người dân thì mong mỏi từng ngày. 

Nhiều thôn, bản ở vùng cao chưa có điện cũng là thực trạng chung tại các huyện, như Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Chà… Ngay tại Xa Dung là địa bàn cách mạng của tỉnh Điện Biên từ ngày kháng chiến chống Pháp, xã thành lập năm 1959 và Xa Dung đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân từ năm 2000, vậy mà đến nay, sau 61 năm thành lập Xa Dung vẫn còn 7/19 bản với tổng số hơn 200 gia đình chưa một lần thấy ánh sáng điện. Nghèo khó. Lạc hậu. Nhiều gia đình cố lắm chỉ bảo đảm lương thực sáu tháng trong năm, nhưng nhất nhất phải dành tiền mua pin để con cháu thắp đèn pin học bài. 

Anh Lầu A Xá, Chủ tịch UBND xã Xa Dung, buồn rầu: 100% số bản chưa có điện trong địa bàn xã Xa Dung đều là bản của đồng bào H’Mông, nhiều bản thành lập đã hàng trăm năm; có những bản được ví như “cái nôi” cách mạng của tỉnh, như Mường Tỉnh A, Thẩm Mỹ A, Thẩm Mỹ B mà trước đó bà con nơi đó đã từng nuôi giấu, chở che cho cán bộ đoàn quân Tây Tiến hoạt động đến nay vẫn chưa có điện. Cũng bởi chưa có điện nên cuộc sống, sinh hoạt, kinh tế của bà con nghèo nàn, lạc hậu; tỷ lệ hộ nghèo ở những bản này đều chiếm hơn 60%, khiến cấp ủy, chính quyền địa phương không khỏi không chạnh lòng.

Thay đổi hỗ trợ theo lộ trình

Để người dân vùng khó được thụ hưởng chính sách đầu tư thiết thực, phù hợp, đồng thời khắc phục hạn chế của các DA cấp điện truyền thống là phải chôn cột, kéo đường dây dài, xa làm tăng suất đầu tư. Ông Lò Văn Phương kiến nghị: Thay vì triển khai các DA cấp điện như trước, cần xem xét chuyển hình thức hỗ trợ đầu tư sang hỗ trợ điện năng lượng mặt trời cho người dân các thôn, bản chưa có điện, để bà con sử dụng điện mặt trời. Cũng theo ý kiến ông Lò Văn Phương, nếu chuyển sang hỗ trợ điện năng lượng mặt trời thì người dân vùng khó mới có hy vọng được sử dụng điện. Và như vậy, Điện Biên mới có thể hoàn thành mục tiêu có 98% hộ dân được sử dụng điện lưới vào năm 2025.

Ghi nhận ý kiến lãnh đạo các huyện, ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho rằng: Đề xuất hỗ trợ người dân các địa bàn chưa có điện sử dụng điện năng lượng mặt trời thay cho cách đầu tư các DA điện truyền thống (dựng cột, kéo dây) là hợp lý, phù hợp định hướng chung mà Điện Biên đã xác định trong 5 năm tới. Tuy nhiên, để đi đến thống nhất cách thức, định mức hỗ trợ cho từng gia đình, từng địa bàn thì trong năm 2021 không thể thực hiện ngay được. Bởi cần rà soát, đánh giá lại từng địa bàn, tính toán tổng mức đầu tư cụ thể mới có thể triển khai sao cho hiệu quả và thực sự phù hợp.

Về nguồn vốn triển khai các dự án cấp điện cho đồng bào vùng khó khăn tại tỉnh Điện Biên, những năm qua, ông Lê Thành Đô, cho biết: Kinh phí đầu tư các DA cấp điện sử dụng các nguồn: Vốn đầu tư công, vốn đối ứng địa phương, vốn vay Ngân hàng thế giới, vốn chương trình giảm nghèo… song các nguồn vốn này cũng hạn hẹp, nên thực tế đầu tư chưa đáp ứng mong mỏi của nhân dân. Do vậy, chờ tính toán phương án hỗ trợ điện năng lượng mặt trời nếu hiệu quả hơn, thuận lợi hơn thì Điện Biên sẽ triển khai trong thời gian tới.

Thông tin từ Công ty Điện lực Điện Biên, đến cuối tháng 11-2020, toàn tỉnh Điện Biên có 272 khách hàng lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái, tổng công suất 9.072,97 kWh, sản lượng đạt 466.603 kWh/tháng.