Lối thoát hiểm “giặc lửa” ở đâu?

Hỏa hoạn luôn là nỗi lo thường trực từng ngày, từng giờ, tuy nhiên, việc đề phòng cũng như hạn chế những nguy cơ xảy ra sự cố của người dân vẫn còn lơ là. Sau rất nhiều vụ cháy nổ, giới chuyên gia khuyến cáo các hộ gia đình cần tăng cường, chú trọng hơn nữa tới công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Nhiều vụ cháy, nổ đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ảnh: BẢO TRUNG
Nhiều vụ cháy, nổ đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ảnh: BẢO TRUNG

Bẫy vô hình

Thời gian qua, nhiều vụ cháy xảy ra không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn liên quan tính mạng con người. Điển hình như vụ cháy nhà trên đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh vào rạng sáng 30-3 khiến sáu người trong một gia đình thiệt mạng và một người bị thương. Trước đó vài ngày, một vụ cháy thương tâm khác xảy ra tại căn nhà trong hẻm đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8, TP Hồ Chí Minh khiến ba người trong gia đình tử vong. Gần đây nhất là vụ hỏa hoạn làm bốn người thiệt mạng rạng sáng ngày 4-4 ở phố Tôn Đức Thắng (phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội) khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng. 

Những vụ cháy trên cho thấy, lối thoát hiểm là điều kiện quan trọng trong các công trình xây dựng chung cư, nhà ở. Đặc biệt là đối với các công trình nhà ở dạng ống nằm sâu trong ngõ nhỏ, phố nhỏ. Với thiết kế nhà riêng dạng ống liền kề, mỗi ngôi nhà dạng này thường chỉ có một lối ra, vào là cửa chính, kết cấu ba mặt giáp với nhà bên cạnh, trong khi cửa ra vào chính ở mặt tiền và ban công thường bị che chắn kiên cố. Điều này vô hình trung trở thành “cái bẫy” chết người do không có lối thoát hiểm. Vì thế, khi hỏa hoạn xảy ra thường gây thiệt hại rất lớn về người. 

Tại các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm… nơi tập trung nhiều khu nhà tập thể cũ, nhà ống liền kề nhau nhưng phần lớn những nơi này đều không có không gian làm lối thoát hiểm. Nhất là các nhà nằm trong ngõ nhỏ với mật độ dân cư cao, nhiều công trình xuống cấp, dây điện chằng chịt tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy, nổ. Ngoài ra, không ít căn nhà nằm trong ngõ, hẻm được các gia chủ lắp “chuồng cọp” để tránh trộm cắp cùng xu hướng “nhà nào biết nhà ấy” nên việc mở lối thoát hiểm trong ngõ, hẻm rất hiếm thấy. Vì thế khi xảy ra cháy, việc thoát nạn cũng như cứu nạn thường gặp nhiều khó khăn.

Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) khuyến cáo, với dạng nhà ống, khi phát hiện cháy, điều cần làm là phải bình tĩnh, suy xét và báo động cho tất cả người trong nhà cùng thoát ra ngoài. Nếu cửa ra bị lửa khói bao trùm thì cần tìm lối thoát khác như ban công, cửa sổ qua nhà bên cạnh, thang dây thoát xuống mặt đất, tạo lối thoát lên mái… Đặc biệt, tuyệt đối không ẩn nấp trong phòng hoặc nhà vệ sinh. Trường hợp không còn cách nào khác buộc phải băng qua lửa, hãy dùng chăn ướt quấn quanh người và thoát ra ngoài. Nếu có khói dày đặc, hãy dùng khăn ướt bịt mũi và miệng, cúi sát người xuống sàn rồi men theo tường để tìm đường thoát ra ngoài. 

Cần tạo lối thoát hiểm riêng

Theo quy định pháp luật hiện nay, chỉ có công trình riêng lẻ làm khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ năm tầng trở lên hoặc có khối tích trên 5.000 m³ mới buộc phải có thiết kế PCCC. Ngoài ra, rất ít các hộ dân cư trang bị thiết bị PCCC trong nhà. Hầu hết các công trình nhà ở riêng lẻ chỉ chú trọng tận dụng diện tích công năng sử dụng, chưa tính toán đến các yêu cầu kỹ thuật khác, trong đó có vấn đề PCCC, cứu nạn cứu hộ.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, nhà ở riêng lẻ mặt đất cần phải thiết kế lối thoát hiểm khi có sự cố, song phần lớn đều bỏ qua yêu cầu này. Nhiều ngôi nhà liền kề san sát nằm trong ngõ nhỏ, diện tích nhỏ, phương tiện chữa cháy, cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận. Do đó, người dân sinh sống trong điều kiện như vậy càng cần phải quan tâm đến lối thoát hiểm.

Để đề phòng tình trạng cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, các dạng nhà ống cần phải có lối mở ra ngoài, nếu sử dụng khung sắt để chống trộm cũng cần ô thoáng có thể đóng, mở được trong trường hợp cần thiết. Khi thiết kế nhà cần có giếng trời cho thông thoáng, cũng là nơi để khói, hơi độc phát tán khi xảy ra cháy. Gia chủ nên có sẵn phương án thoát hiểm khi gặp sự cố để tự bảo vệ mình trước khi lực lượng chức năng có mặt. Ngoài ra, các hộ dân ở gần nhau có thể tạo thành một mặt bằng trên sân thượng với quy mô từ 5 - 7 hộ để tạo thêm khoảng trống thoát hiểm. 

Ngoài ra, mỗi hộ gia đình nên tự trang bị một số phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay. Đặc biệt, các hộ nhà ống, nhà tập thể đã lắp “chuồng cọp” cần tháo dỡ phần cơi nới hoặc tạo ô cửa nhỏ thoát nạn. Đối với những nhà ống một lối không thể mở lối thoát nạn, nếu có thể, cần phối hợp hàng xóm mở lối thông để thoát nạn khi cần.