Lại lo chất lượng thực phẩm Tết

Những ngày cuối năm âm lịch, thị trường tiêu dùng lại xuất hiện nhiều mặt hàng bánh kẹo, rượu, gói quà của nhiều hãng, phục vụ khách hàng. Bên cạnh những mặt hàng bảo đảm an toàn chất lượng, cũng có không ít các loại hàng hóa, thực phẩm được nhập không rõ nguồn gốc khiến người tiêu dùng lo ngại.

Tăng cường kiểm tra chất lượng thực phẩm dịp cuối năm.
Tăng cường kiểm tra chất lượng thực phẩm dịp cuối năm.

Vẫn nhiều mối lo

Ngày 8-1, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) phối hợp các lực lượng chức năng của thành phố, kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn phường La Khê (quận Hà Đông) do bà Đỗ Thị Nụ làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang hoạt động kinh doanh các sản phẩm bao bì gói sẵn. Qua kiểm tra hàng hóa, đoàn kiểm tra phát hiện 847 kg sản phẩm các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có tem nhãn, thông tin sản phẩm theo quy định gồm hành sấy khô, thịt lợn sấy khô, thịt sấy cháy tỏi, bánh tráng tẩm, ruốc, đậu Hà Lan sấy, bánh tráng. Tổng giá trị lô hàng hóa vi phạm là hơn 39 triệu đồng (đơn giá sản phẩm căn cứ theo phiếu xuất kho cơ sở cung cấp).

Các mặt hàng bánh kẹo, mứt, ô mai… không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cũng đang nóng lên trong dịp cận Tết. Tại các con phố chuyên bán bánh kẹo của Hà Nội như chợ Đồng Xuân, phố Hàng Buồm, Hàng Giầy… những ngày cuối năm, lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tăng cao. Tại phố Hàng Buồm, người mua có thể dễ dàng nhận thấy nhiều loại hàng hóa được đóng trong các bao bì cỡ lớn nhưng không ghi rõ nguồn gốc, hạn sử dụng được bày bán theo kg. Thế nhưng, các chủ cửa hàng ở đây đều khẳng định là hàng công ty, hạn sử dụng lâu dài đóng gói trong các bì lớn nên nhập với giá rẻ hơn so thông thường. Tại chợ Đồng Xuân, một số tiểu thương còn vô tư dùng tay không tự đóng gói các loại bánh kẹo, mứt, ô mai… từ trong một túi bóng lớn vào các túi nhỏ có ghi sẵn nhà sản xuất, hạn sử dụng và cả dòng chữ “Hàng Việt Nam chất lượng cao…” để bán lại cho khách hàng.

Hiện nay, ngoài hai chợ đầu mối chính gồm Tân Mai ở phía nam và Minh Khai ở Bắc Từ Liêm, còn có bốn chợ mang tính chất đầu mối là chợ Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vỹ và chợ đêm Văn Quán, cung cấp khoảng hơn 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công thương Hà Nội, công tác kiểm tra thực tế việc bảo đảm VSATTP ở các chợ đầu mối cho thấy, lượng hàng hóa bán ở các chợ rất lớn, nhưng phần lớn không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Siết chặt quản lý

Những năm gần đây, công tác chống thực phẩm bẩn ngày càng căng thẳng và quyết liệt. Nhưng vẫn tồn tại tình trạng chồng chéo trong quản lý ATTP, gây khó khăn, phiền phức cho công tác thanh, kiểm tra, cũng như xử lý vi phạm VSATTP.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, một bộ phận người sản xuất, kinh doanh nông sản chạy theo lợi nhuận nên đã có hành vi vi phạm các quy định về ATTP. Qua kiểm tra thực tế, các lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP… Từ những vấn đề nêu trên, có thể thấy, nguy cơ mất ATTP vẫn còn tiềm ẩn, nhất là trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Có một thực tế rằng, ngày nay việc phân biệt giữa thực phẩm bảo đảm an toàn với thực phẩm không an toàn là vấn đề hết sức khó khăn. Trong đó, thách thức lớn nhất trong vấn đề quản lý VSATTP ở nước ta là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, quy trình sản xuất lạc hậu, công nghệ kém từ không ít các hộ kinh doanh… đã dẫn đến tình trạng mất VSATTP. Nhất là khi các thói quen, tập quán canh tác, sản xuất, mua bán, tiêu dùng nhỏ lẻ… vẫn phổ biến ở nhiều địa phương nên nhiều khi người tiêu dùng cũng bó tay trước thị trường hàng hóa.

Do đó, để phòng ngừa tình trạng trên, tại Chỉ thị 17/CT-TTg-2020 về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý ATTP; tăng cường công tác tiền kiểm, hậu kiểm. Đặc biệt sẽ thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về ATTP, gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý ATTP.