Kinh nghiệm quý giữ rừng Mường Lay

Mỗi bản đều có quy ước chăm sóc, bảo vệ rừng! Nếu ai vi phạm thì ngoài trách nhiệm trước pháp luật còn phải chịu hình phạt do bà con dân bản xây dựng. Đấy là cách người dân Mường Lay giữ rừng, để hơn 7.000 ha rừng của Mường Lay luôn xanh tốt.

Người dân Mường Lay tuần tra, bảo vệ rừng.
Người dân Mường Lay tuần tra, bảo vệ rừng.

1/Đưa chúng tôi xem bản quy ước bảo vệ rừng và các mức phạt tương ứng với từng hành vi xâm hại rừng, ông Lò Văn Hặc, bản Nậm Cản, phường Na Lay, thị xã Mường Lay, Điện Biên giải thích từng đề mục. Tôi hiểu tập trung cao nhất trong bản quy ước là sự đồng thuận với các nội dung được bà con bàn thảo cho nên 100% gia đình bản Nậm Cản đều ký cam kết: bảo vệ rừng, giữ rừng. Nếu người nào tự ý vào rừng chặt cây, làm hỏng cây lần đầu và lần tiếp theo thì phải nộp 200 nghìn đồng; từ lần thứ ba trở đi, mức phạt tăng lên 500 nghìn đồng và kèm với hình thức phê bình trước tập thể bản, buộc phải trồng lại đủ số cây mà người đó làm hỏng. Tất cả tiền phạt đều được sung vào quỹ bản, phục vụ việc chăm sóc, bảo vệ rừng. 

Trước đây, khi mấy trận lũ liên tiếp trong những năm 1990 tràn qua, tỉnh lỵ Lai Châu (cũ) được chuyển về Điện Biên Phủ, tuy nhiên phần lớn người Nậm Cản ở lại Nậm Cản, người Mường Lay ở lại Mường Lay. Sau công cuộc tái thiết, thị xã nhỏ Mường Lay đã dần hiện đại, khang trang hơn xưa nhiều. Song lòng người ở lại luôn khắc khoải, thao thức mỗi khi nghĩ cảnh lũ ống mưa nguồn. Trên hành trình xây dựng, kiến thiết, người dân ở các bản Nghé Toong, Nậm Cản, Chi Luông, bản Bắc, bản Ổ… đã ngẫm lại quá khứ rồi tiếc nuối. Họ tiếc rừng và hiểu rừng, mất rừng là mất mát lớn lao. Bởi thế nên cùng với việc chung sức xây dựng thị xã nhỏ, người Mường Lay đã bảo nhau chung cách giữ rừng. Mỗi bản một quy ước, tùy theo điều kiện từng bản, người ta thống nhất cách trồng, cách chăm và cách phạt vi phạm khác nhau song “đích” đến đều chung một ước mong giữ rừng.

2/Hôm nay, các ngả đường trong thị xã nhỏ Mường Lay đã rợp bóng cây. Cánh rừng quanh các bản Nậm Cản, Bản Xá, Hang Tôm, Đồi Cao… xanh ngút ngàn. Theo thống kê của chính quyền địa phương, trong số 11 nghìn ha đất tự nhiên ở Mường Lay thì diện tích rừng đạt hơn 7.000 ha với cây xanh ken dày, xanh tốt quanh năm. Như Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay Vũ Xuân Linh nói thì rừng Mường Lay được bảo vệ tốt là nhờ ý thức giữ rừng của nhân dân. “Chưa bao giờ tốt như bây giờ! Hơn 7.000 ha rừng được bảo vệ tốt. Các bản đều thành lập tổ, đội phòng chống cháy rừng. Chỉ cần một đám khói bốc lên trong rừng là người dân đánh kẻng, gọi nhau cùng mang dụng cụ để khống chế, không để cháy ra diện rộng”, ông Linh vui vẻ cho biết.

Trưởng bản Giàng A Chía vui mừng khoe: Chăm chỉ làm lụng và tích góp từ tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) gia đình tôi đã có nhà mới đấy. Mỗi năm hai đợt, gần 70 hộ dân bản Hua Huổi Luông đều được chi trả tiền DVMTR nên cuộc sống khấm khá nhiều. Nhà nào cũng sắm được xe máy, ti vi, dựng nhà mới đều từ tiền chăm rừng, giữ rừng, cho nên người Hua Huổi Luông giờ quý rừng hơn cả. 

Nói thêm về cuộc sống hôm nay của gần 70 gia đình bản Hua Huổi Luông, anh Chía khái quát: Bản có gần 70 hộ dân, 100% là dân tộc H’Mông. Trước đây cứ tháng ba hằng năm là người Hua Huổi Luông vào rừng phát cây làm nương, nhưng gần chục năm trở lại đây khác rồi. Vào rừng phát cây bụi, chăm sóc cây lớn, kết hợp tuần tra bảo vệ rừng. Nhờ đó mà suốt bảy năm qua, 920 ha rừng cộng đồng bản Hua Huổi Luông xanh tốt, cộng đồng bản Hua Huổi Luông luôn được suy tôn là một trong những chủ rừng tiêu biểu của xã Lay Nưa trong thực hiện mục tiêu chăm sóc, bảo vệ rừng, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng của xã Lay Nưa từ 58,36% (năm 2016) lên 62,82% (năm 2020).

Ông Giàng Chờ Thề, người có uy tín ở bản Hua Huổi Luông và cũng là thành viên Tổ Bảo vệ, Phòng cháy chữa cháy rừng của bản, còn cho biết: Với đồng bào H’Mông bản Hua Huổi Luông thì việc giữ rừng không chỉ là nghĩa vụ khi bà con được chi trả tiền DVMTR mà người Hua Huổi Luông giữ rừng là giữ lời trao dặn thiêng liêng của tổ tiên truyền dạy: rừng như là cha là mẹ, rừng cho cuộc sống ấm no, rừng chở che bình yên trên mỗi mái nhà. 

Trưởng bản Chía liền chỉ tay về ngôi nhà bên cạnh có đông người đang dựng khung gần đó và cho biết: Đó là nhà của anh Giàng A Phía. Hai tháng nay bà con dân bản giúp công làm. Còn tiền do gia đình anh Phía tự chủ mà phần lớn tiền làm nhà có được nhờ chăm sóc, bảo vệ rừng.