Khổ vì chọn trường quá sức

Theo thông báo mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, trong kỳ thi tuyển sinh lớp 6 năm học 2019 - 2020, một số trường THCS chất lượng cao và trường ngoài công lập được lựa chọn phương thức tuyển sinh xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực. Chạy theo quy định này, nhiều em học sinh lớp 5 vừa mới Tết ra đã khổ vì ôn luyện.

Phụ huynh cần nắm bắt trình độ của con em mình để có những định hướng đúng đắn.
Phụ huynh cần nắm bắt trình độ của con em mình để có những định hướng đúng đắn.

Trầm cảm vì… học thêm

Trường Hà Nội - Amsterdam, Trường THCS Cầu Giấy, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu, Marie Curie, Archimedes… là những trường chất lượng cao top đầu của TP Hà Nội mà nhiều phụ huynh muốn con em mình được theo học. Ngay sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố phương thức tuyển sinh cho trường chuyên chất lượng cao và trường ngoài công lập, anh Lê Thế Mạnh (quận Ba Đình) có con đang học lớp 5 tại Trường tiểu học Kim Đồng đôn đáo đi tìm lớp học ôn luyện kiến thức tại các trung tâm luyện thi để hy vọng con thi đỗ vào khối cấp 2 Trường Hà Nội - Amsterdam.

Anh Mạnh cho biết đã đăng ký được một lớp “cấp tốc” cho con tại trung tâm luyện thi ở phố Núi Trúc. Tuy nhiên, để kịp cho kỳ thi vào tháng 7 tới, cháu phải học kín tuần cho cả ba môn Toán-Tiếng Việt-Tiếng Anh.

Cháu Nguyễn Minh Anh (nhà ở quận Thanh Xuân), đang theo học lớp 5 Trường Marie Curie. Cháu vốn rất khá môn Tiếng Anh nên gia đình có nguyện vọng đăng ký cho cháu vào khối cấp 2 Trường Hà Nội - Amsterdam. Để vào được trường, cháu phải ôn luyện thêm hai môn Toán-Tiếng Việt. Theo lời kể của mẹ cháu, sau khi đi học thêm được hai tuần, cháu có dấu hiệu trầm cảm, bất hợp tác với bố mẹ, lúc nào cũng đóng cửa phòng và la hét không muốn đi học thêm. Mẹ cháu tâm sự, vì sức khỏe của con, chị sẽ không cho con đi học thêm nữa và bày tỏ sự lo lắng trước sự thay đổi trong chính sách thi cử hằng năm.

Tìm hiểu về việc ôn thi vào lớp 6 tại một trung tâm trên đường Phạm Tuấn Tài (quận Cầu Giấy), chúng tôi được nhân viên tư vấn tại đây cho hay, tất cả lớp ôn luyện Toán-Tiếng Việt-Tiếng Anh của trung tâm đều đã khai giảng từ đầu năm học. Phụ huynh muốn cho con em theo các lớp này phải qua một bài test trình độ, nếu đạt yêu cầu mới được tham gia học. Học phí lớp môn Toán lên tới 320.000 đồng/buổi/ba tiếng, môn Tiếng Việt và Tiếng Anh là 160.000 đồng/buổi/hai tiếng. Dự kiến đến tháng 3-2019, trung tâm này sẽ mở thêm các lớp đào tạo cấp tốc cho học sinh. Cũng theo nhân viên này, nếu các con chỉ học cơ bản tại trường sẽ khó có thể vượt qua kỳ kiểm tra đánh giá năng lực của các trường top, đặc biệt là môn Tiếng Anh.

Tùy theo sức của mình

Trước đó, năm 2015 khi tình trạng luyện thi vào lớp 6 bùng nổ, Hà Nội đã ra “lệnh” cấm thi tuyển vào lớp 6. Thời điểm đó, các trường chuyên, trường ngoài công lập đã “dở khóc, dở cười” khi xét tuyển hồ sơ. Chỉ tiêu chỉ có 400 em nhưng lượng hồ sơ lên tới hơn 4.000 và hồ sơ nào cũng “đẹp như tranh vẽ”. Giai đoạn này, tình trạng “chạy” giải thưởng để còn có thêm điểm cộng đã khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, sau những đợt xét tuyển này, nhiều trường chất lượng cao, trường chuyên cũng khốn khổ vì học sinh được giải bơi lội khi vào học các môn văn hóa rất vất vả.

Từ năm học 2018 - 2019, cơ chế xét tuyển kết hợp thi tuyển được mở lại, mặc dù lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, bài kiểm tra đánh giá năng lực đầu vào của các trường thực hiện theo hình thức trắc nghiệm, kiến thức tập trung chủ yếu vào lớp 5 nhưng vẫn bao trùm cả khối tiểu học nên lượng kiến thức là rất lớn, khó có thể luyện thi. Tuy nhiên, với tỷ lệ chọi vào các trường chuyên khá lớn nên việc đề thi phải khó, hóc búa để lọc thí sinh là điều dễ hiểu. Theo quy luật cung cầu, các trung tâm, lò luyện thi bùng phát cũng là điều ắt sẽ xảy ra.

Thậm chí, để tạo niềm tin cho phụ huynh, nhiều trường đã mở các khóa “Hành trang vào lớp 6” cho học sinh có nhu cầu thi tuyển vào trường mình để có thể ôn luyện theo đúng dạng đề thi của trường. Tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, câu lạc bộ “Hành trang vào lớp 6 năm học 2019 - 2020” được khai giảng từ 16-2-2019. Học phí cho khóa học này là gần 7 triệu đồng cho 11 buổi học. Không tổ chức khóa sinh hoạt câu lạc bộ, Trường THCS Ngôi sao Hà Nội chỉ tổ chức chương trình trải nghiệm “Một ngày làm Hansers” với mức phí 300.000 đồng/học sinh. Trong chương trình trải nghiệm, học sinh sẽ phải thực hiện đánh giá ba nội dung: năng lực tư duy Toán, năng lực ngôn ngữ Tiếng Việt, năng lực ngôn ngữ Tiếng Anh. Tương tự, nhiều trường ngoài công lập khác cũng mở ra các lớp, câu lạc bộ trải nghiệm lớp 6 cho học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc thi đánh giá để phân loại học sinh trong tuyển sinh là cần thiết. Tuy nhiên, trước hết, chính phụ huynh cần nắm bắt tâm tư nguyện vọng và trình độ của con em mình để có những định hướng lựa chọn trường đúng đắn.