Giáo dục sớm, hiểu sao cho đúng?

Giáo dục sớm cho trẻ đang trở thành xu hướng phổ biến trên thế giới. Là cơ sở giáo dục, thực hành của Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương, từ cuối năm 2016, Trường mầm non Thực hành Hoa Thủy Tiên (MNTHHTT) bắt đầu đưa phương pháp Montessori ứng dụng vào việc nuôi dạy trẻ. Trả lời Thời Nay, cô giáo Phạm Thanh Phương - Hiệu trưởng trường (ảnh) có những chia sẻ đáng chú ý về việc khơi gợi tiềm năng của trẻ trong giai đoạn“vàng” từ 0-6 tuổi.

Giáo dục sớm, hiểu sao cho đúng?

Phóng viên (PV): Hiện nay có hai luồng ý kiến về việc giáo dục sớm cho trẻ. Một bên cho rằng không cần thiết, một bên lại cho rằng đây là giai đoạn “vàng”. Theo cô, cần hiểu thế nào cho đúng?

Cô giáo Phạm Thanh Phương (PTP): Thực tế không có gì mâu thuẫn. Chúng ta cần hiểu từ “sớm” ở đây không có nghĩa là sớm so với nhận thức của trẻ, mà là sớm so với quan niệm lâu nay trong xã hội. Nhiều công trình khoa học đã chứng minh trong sáu năm đầu đời trẻ có khả năng tiếp thu kiến thức rất nhanh và đặc biệt là bản năng ghi nhớ tuyệt vời. Tuy nhiên, giáo dục sớm cũng không phải là bắt con học hành khổ cực ngay từ bé.

Nói đến việc dạy trẻ đọc chữ, trước tiên phải xem hoạt động học chữ là gì. Nếu cha mẹ chỉ đưa các thẻ chữ với hình minh họa sinh động thì việc học chữ ở đây cũng bình thường và tự nhiên như dạy trẻ nhận thức các sự vật chung quanh cuộc sống. Còn nếu cha mẹ ép buộc con phải học cho bằng được thì quả thật là không cần thiết.

PV: Được biết từ cuối năm 2016, trường bắt đầu đưa phương pháp giáo dục sớm Montessori vào giảng dạy. Chương trình này đang được ứng dụng ra sao?

PTP: Montessori là phương pháp giáo dục sớm nổi tiếng trên thế giới được nhiều người biết đến, nhưng khi đưa vào từng quốc gia có khác nhau. Thời gian qua, chúng tôi đã đưa giáo viên đi học tập về phương pháp Montessori từ chuyên gia trong nước và ngoài nước để tìm cách ứng dụng phù hợp với môi trường giáo dục Việt Nam. Đây là phương pháp cần sự phối hợp vận dụng vào thực tế cuộc sống, nên nếu dạy máy móc chắc chắn sẽ không hiệu quả. Thí như trong Góc thực hành cuộc sống, chúng tôi hướng đến cho trẻ tự làm và phục vụ bản thân. Nếu về nhà cha mẹ e dè, không khuyến khích con tự lập thì sự cố gắng của thầy, cô giáo cũng không mang lại nhiều kết quả.

Ngoài hai lớp Montessori, chúng tôi cũng đưa tinh thần của phương pháp này vào một số hoạt động chung của nhà trường như hướng đến giảm tiếng ồn và tăng động hóa của các con bằng cách trong lớp giáo viên chỉ nói vừa đủ nghe, không nói to, không gọi với. Dạy trẻ đứng lên, ngồi xuống, đi sau lưng bạn một cách từ tốn. Dạy trẻ thói quen ngăn nắp, lấy ở đâu thì biết cất vào đúng chỗ. Mỗi giáo cụ chỉ có một thứ nên trẻ muốn được chơi thì phải chờ, không thì phải thỏa thuận chứ không được phép tranh nhau…

Giáo dục sớm, hiểu sao cho đúng? ảnh 1

"Coi trẻ là trung tâm" là phương châm giáo dục được thực hiện triệt để tại Trường mầm non tư Thực hành Hoa Thủy Tiên.

PV: Thiếu tự lập, không thấy niềm vui trong ăn uống… đó là vấn đề của nhiều trẻ em Việt Nam. Theo cô, còn điều gì chưa ổn trong việc giáo dục trẻ giai đoạn 0-6 tuổi ở các gia đình?

PTP: Chúng tôi hay nhận được những thắc mắc của phụ huynh “vì sao ở trường con tự làm mọi thứ mà ở nhà con không thể làm việc gì?”. Khi đó tôi thường hỏi ngược lại phụ huynh xem liệu có phải chính bản thân phụ huynh luôn có tâm lý “tự mình làm luôn cho xong” nên đôi lúc ngăn không cho trẻ làm những việc con muốn làm. Nếu bố mẹ luôn bao bọc, đáp ứng tất cả, thậm chí là hơn những gì trẻ cần thì không thể khuyến khích trẻ tự lập và tự làm các việc ở lứa tuổi ấy con có thể làm.

Sinh ra không ai được dạy làm bố mẹ, chính vì vậy cần phải học. Không có một phương pháp nào áp dụng được cho tất cả các con nhưng tôi tin nếu bố mẹ cập nhật, có tư duy mở thì sẽ tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp nhất với con mình.

PV: Vậy, trong giai đoạn giáo dục mầm non, mục tiêu quan trọng nhất cần đạt được là gì?

PTP: Có nhiều mục tiêu, nhưng tôi cho rằng giai đoạn này cần cho trẻ trải nghiệm nhiều để khơi gợi và dần hình thành nhân cách, năng lực, sự tự tin. Nhiều mẹ có tâm lý chê con mình, so sánh với con người khác nhưng tôi cho rằng mỗi bé có một tiềm năng khác nhau, nhiệm vụ của giáo dục là khơi sáng, giúp trẻ phát triển được năng lực bản thân. Nếu bảo trẻ dốt thì trẻ sẽ dốt, còn nếu động viên để trẻ tự tin vào năng lực của mình thì sẽ khuyến khích con phát triển. Nhưng không phải cứ một chiều khen mãi bởi nếu việc gì trẻ cũng đúng hết sẽ dẫn đến tự kiêu. Trẻ cũng cần phải học cách chịu trách nhiệm về bản thân mình.

PV: Xin cảm ơn cô!