Dân nghèo dùng điện... “thương gia”

Chuyện nghe như đùa mà là thật, thật 100% ở hai khu tái định cư thuộc huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên. Suốt hơn năm nay, gần trăm gia đình tái định cư (TĐC) ở Mường Ảng phải đêm ngày bóp bụng lo toan khi giá điện sinh hoạt quá cao, trong khi chính quyền địa phương cũng sốt ruột lắm mà chẳng biết làm cách nào.

Ông Lường Văn Bánh (giữa) và người dân bản Mánh Đanh rất mong chờ được đóng điện.
Ông Lường Văn Bánh (giữa) và người dân bản Mánh Đanh rất mong chờ được đóng điện.

Cột gần nhưng… điện xa!

Con đường bê-tông dẫn vào khu TĐC mới ở bản Mánh Đanh, xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng). Bước vào nhà chị Lò Thị Ngoan, thấy khách đến, chị lật đật đi bật công tắc, một bóng điện nhỏ xíu sáng lên đủ cho chủ và khách tường mặt. Chị phân bua: Không phải riêng nhà tôi đâu mà bản này nhiều lắm, mấy chục nhà có điện vẫn phải dùng củi nấu cơm, đun nước. Điện chỉ để cho trẻ con học bài hoặc thỉnh thoảng xem một bộ phim thôi!

Chỉ tay về cột điện trước cửa nhà, chị cho biết: Cột điện, công-tơ đã được dựng từ năm ngoái, nhưng không có điện; nhiều gia đình phải tự mua dây, thuê thợ điện kéo dây từ dưới nhà thầu thi công hồ Ẳng Cang. Nhà ít hết bốn triệu đồng, nhà nhiều thì năm hay sáu triệu đồng mua dây đấy. Còn giá điện thì cao lắm, mỗi số 3.500 đồng nên phải dùng tiết kiệm. Bữa tối phải tranh thủ lúc nhá nhem để đỡ tốn điện. Tủ lạnh, nồi cơm điện… giờ thành “vật thừa”.

Nhà ông Lường Văn Chính khang trang, rộng rãi hơn nhà chị Ngoan song trong nhà lại không sáng hơn là mấy. Ánh sáng từ cái tivi 21 inch như ánh đèn đom đóm ở góc nhà. Làm nhà hết gần một tỷ đồng vậy mà giờ không dám dùng điện để nấu cơm, thắp sáng, ông Chính bảo: “Chuyện như đùa mà thật đấy! Từ khi chuyển lên đất TĐC mới, làm nhà mới, không tháng nào gia đình tôi trả dưới 800 nghìn đồng tiền điện. Mấy tháng làm nhà phải dùng nhiều máy xẻ, máy cưa còn hết gần hai triệu đồng một tháng cho nên từ khi xong nhà tôi tiết kiệm điện triệt để”.

Nhiều nhà khác cùng bản Mánh Đanh cùng giống nhau ở cách dùng điện tiết kiệm và cách bỏ không các vật dụng dùng điện thông thường. Giá điện “thương gia” đã, đang đè nặng nỗi lo trong lòng người nông dân. Có gia đình đã ba tháng liền không trả tiền điện cho nhà thầu đang thi công hồ thủy lợi Ẳng Cang nên ngày ngày thấp thỏm lo bị cắt điện. Không ít người cứ vài ngày lại đến nhà trưởng bản, Bí thư chi bộ bản kiến nghị ra bản ra xã, ra huyện đề nghị đóng điện về để dân TĐC Mánh Đanh được dùng điện với mức giá như người dân nơi khác.

Kiến nghị nhiều lần chưa thấu!

Giở cuốn sổ ghi chép kiến nghị của bà con trong bản, ông Lường Văn Bánh, Bí thư Chi bộ bản Mánh Đanh cho biết, hơn một năm qua đã ra xã, về huyện không biết bao nhiêu lần chỉ để hỏi một câu “Khi nào Mánh Đanh được đóng điện?”, song mãi chưa có câu trả lời.

Giọng ông Bánh ưu tư, nhường đất cho công trình hồ thủy lợi Ẳng Cang, gần chục năm nay, 60 gia đình với mấy trăm con người ở Mánh Đanh phải chịu cảnh ăn chực nằm chờ. Mồ mả ông cha, đất ruộng, đất bãi của họ thành lòng hồ, để hồ thủy lợi Ẳng Cang hoàn thành sứ mệnh cấp nước tưới cho 400 ha lúa và 1.000 ha cà-phê trên địa bàn. Và bây giờ, trên nền khu TĐC mới, nhiều gia đình ở Mánh Đanh dù được nhận hỗ trợ tiền điện (hộ nghèo) ba tháng liền mà không đủ trả tiền điện “thương gia” một tháng. Thực tế này khiến bà con rất bức xúc.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Công trình điện sinh hoạt (0,4kV) khu TĐC bản Mánh Đanh thuộc dự án hồ chứa nước Ẳng Cang, huyện Mường Ảng được UBND huyện phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 3028/QĐ-UBND ngày 22-11-2011. Đến ngày 24-5-2018, công trình đã hoàn thành, với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ đồng nhưng hiện tại chưa được ngành điện tiếp nhận, đấu nối do vậy chưa cấp điện cho người dân TĐC ở Mánh Đanh. Tính riêng khu TĐC Mánh Đanh có hơn 60 gia đình phải tự mua dây kéo điện nhờ đơn vị thầu đang thi công hồ Ẳng Cang. Do nhà thầu dùng điện kinh doanh, sản xuất nên giá thành cao cộng với giá tính bậc thang nên trung bình mỗi số điện ở Mánh Đanh là 3.500 đồng!

Huyện Mường Ảng đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Công ty Điện lực Điện Biên kiểm tra kỹ thuật an toàn đóng điện và tiếp nhận công trình đưa vào sử dụng. Nhưng suốt hơn một năm qua, thêm nhiều lần gửi văn bản rồi lại nhận văn bản, huyện vẫn chưa biết “khi nào ngành điện mới tiếp nhận công trình để đóng điện phục vụ người dân Mánh Đanh?”.