Cưới chạy dịch Covid-19

Bạn đọc viết:

Đỗ Trung Nghĩa (quận Đống Đa, TP Hà Nội)

Trước tình hình dịch Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến khó lường, nhiều địa phương trên cả nước đã ban hành lệnh tạm dừng hoạt động một số địa điểm công cộng, cấm tập trung đông người để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn cố “lách luật” để tổ chức đám cưới như bình thường. Cá biệt, không ít nơi xảy ra tình trạng “cỗ chui” tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng.

Cậu bạn thân của tôi ấn định lịch cưới vào ngày 4-8 vừa qua, sau khi UBND TP Hà Nội ban hành lệnh cấm ở một số địa điểm như quán bar, karaoke, trà đá vỉa hè… và bắt buộc thực hiện giãn cách tối thiểu 1 m tại các quán ăn, nhà hàng. Trước các thông tin liên tiếp về dịch Covid-19, gia đình cậu cũng thống nhất sẽ gói gọn việc tổ chức đám cưới trong phạm vi gia đình, nghĩa là bỏ hoàn toàn lễ cưới tại nhà hàng. Thế nhưng, phía nhà hàng chỉ đồng ý hủy lễ cưới nếu gia đình chấp nhận bỏ khoản tiền đặt cọc lên tới vài chục triệu đồng. Gia cảnh không mấy khá giả, hai bên đành đồng ý với các phương án bảo đảm an toàn mà nhà hàng hứa hẹn. 

Tuy nhiên, khi lễ cưới diễn ra, các biện pháp an toàn lại bị xem nhẹ. Nhà hàng chỉ sắp xếp một vài lọ nước rửa tay khô theo kiểu “cho có”, đến khi khách dùng hết cũng không bổ sung. Viện cớ “không gian có giới hạn”, các chỗ ngồi cho khách cũng chẳng hề được giãn cách an toàn, nhân viên bê đồ ăn thì có người đeo găng tay, có người không… 

Lại nữa, mới ngày hôm qua, tôi đã chứng kiến một lễ cưới tại gia ở phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) diễn ra nhộn nhịp mà không hề có bất kỳ biện pháp bảo đảm an toàn nào.

Tổ chức đám cưới là nhu cầu chính đáng của các cá nhân và gia đình. Tuy nhiên trong hoàn cảnh cả nước đang nỗ lực ngăn chặn, phòng, chống dịch bệnh như hiện nay, việc tổ chức đám cưới tụ tập đông người, thiếu các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm mạnh trong cộng đồng. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần thường xuyên thanh tra, kiểm soát chặt chẽ tình trạng này, chủ động ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm bệnh, thay vì chỉ trông chờ vào sự tự giác của doanh nghiệp và người dân.