Cảnh giác chiêu lừa đảo việc làm

Bạn đọc viết:

Đỗ Nguyệt Ánh (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội)

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người dùng internet tham gia mạng xã hội cao nhất trên thế giới. Do đó, mạng xã hội luôn là “mảnh đất màu mỡ” đối với những đối tượng xấu. Nếu như trước kia, các chiêu trò lừa đảo chỉ là lấy cắp tài khoản mạng xã hội rồi yêu cầu người thân chủ tài khoản đó mua thẻ điện thoại, chuyển những khoản tiền nhỏ... thì nay đã trở nên ngang nhiên, tinh vi hơn nhiều.

Chỉ cần lướt qua các trang mạng xã hội, ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy những dòng trạng thái đầy hấp dẫn, chủ yếu nói về một công việc nhẹ nhàng nhưng có thù lao hậu hĩnh. Từ cộng tác viên sửa chính tả các bài viết, đánh văn bản cho đến gia công vòng tay, chuỗi hạt, làm mi giả, thậm chí cả lắp bút bi, gấp hạc giấy... với mức lương cao. Em trai tôi vừa qua đã nhận lắp bút bi với thù lao 1.000 đồng/chiếc, tối đa 100 chiếc/ngày. Trong suy nghĩ của cậu học trò lớp 8, đây là công việc rất nhàn nhã vì có người chở đồ tận nơi cho lắp rồi lại đến mang hàng hoàn thiện đi. Không ai trong gia đình tôi biết sự việc, cho đến một ngày em tôi khóc lóc nói rằng bị “công ty bút bi” lừa hàng chục triệu đồng. Hóa ra, sau khoảng hai tuần miệt mài lắp bút bi, cậu đã được “công ty” kia bình chọn là... nhân viên tích cực, cùng ưu đãi được nhận lắp 200 cây bút mỗi ngày. Tuy nhiên, người nhận sẽ phải trả tiền bảo đảm là 5.000 đồng/cây bút. Cả tin, cậu dốc hết tiền tiết kiệm để lấy hàng.

Được vài lần, số lượng hàng cho phép nhận từ phía “công ty” tăng lên vài lần nên cậu rủ thêm bạn bè “làm ăn”. Nào ngờ, sau một lần nhận số tiền “bảo đảm” lên tới mười mấy triệu đồng, người giao nhận hàng trốn biệt. Tất nhiên mọi liên lạc với “công ty” bút bi nọ trên mạng xã hội đều bị cắt đứt. Chỉ khổ cho em trai tôi, bỗng nhiên mang tiếng lừa đảo bạn bè. Còn bố mẹ tôi thì phải “muối mặt” đi xin lỗi, trả tiền lại cho từng người bạn của cậu.