Cảnh báo hoạt động buôn bán pháo nổ

Lợi dụng những điểm mới trong quản lý, sử dụng pháo được quy định tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP (NĐ 137) vừa được Chính phủ ban hành (thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP), tình trạng buôn bán pháo nổ diễn ra ngày càng “nóng” và công khai.

Thu giữ pháo lậu vận chuyển trái phép qua vùng biên giới.
Thu giữ pháo lậu vận chuyển trái phép qua vùng biên giới.

Dễ dàng mua bán 

Kể từ khi NĐ 137 ban hành vào cuối 11-2020, thị trường mua bán pháo nổ tại các “chợ đen” trên mạng xã hội đã bất ngờ tấp nập người mua bán với nhiều chủng loại. Và khi mà Tết Nguyên đán đang đến gần, các hoạt động này lại càng sôi động. 

Chỉ cần tìm kiếm những từ khóa: “pháo hoa”, “pháo Tết”… trên các trang mạng xã hội, người dùng dễ dàng tìm được hàng chục hội nhóm có sự tham gia từ vài trăm đến cả nghìn thành viên. Để tiếp cận khách hàng, các đối tượng buôn bán pháo đã lập các tài khoản ảo, liên tục đăng các bài viết kèm hình ảnh giới thiệu các loại pháo nổ lên các nhóm này. Thậm chí, để kích thích lượng người tương tác, đặt hàng, các đối tượng không ngần ngại quay video clip cận cảnh các mặt hàng này, đốt thử pháo để cho người dùng xem… Đa phần các loại pháo được các đối tượng đăng tải hình ảnh, rao bán trên mạng đều có xuất xứ từ nước ngoài với lượng thuốc nổ kích nổ cao, tiếng nổ lớn, thậm chí có loại pháo còn có sức công phá, dễ gây nguy hiểm cho người sử dụng. 

Tại một nhóm có tên “Pháo Hoa Tết 2021” trên mạng Facebook, chúng tôi phát hiện nhiều hoạt động mua bán pháo Tết được thực hiện một cách công khai và rầm rộ. Theo tìm hiểu, nhóm này là một nhóm riêng tư mới chỉ được thành lập từ đầu tháng 12-2020, người dùng muốn tham gia cần quản trị viên phê duyệt, nhưng cho đến hiện tại đã có hơn một nghìn thành viên tham gia với số lượng cả chục bài viết một ngày.

Cách thức mua hàng rất đơn giản và dễ dàng, người mua chỉ cần chọn loại pháo mà mình thích, để lại thông tin, người bán sẽ chủ động liên lạc (hoặc người mua liên lạc qua số điện thoại người bán đã để lại). Nếu tin tưởng người mua chuyển khoản vào đúng số tài khoản của người bán đưa ra, nếu không người bán sẵn sàng cho kiểm tra chất lượng hàng rồi mới thanh toán. Sau đó, các đối tượng kinh doanh sẽ gửi “hàng” qua các đường vận chuyển như: xe ôm công nghệ, xe khách, xe tải, tàu hỏa… 

Cần hiểu rõ nghị định mới

Tại Điều 17, NĐ 137 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng pháo hoa và chỉ được sử dụng vào các dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương”. Đồng thời, NĐ 137 đã bổ sung, điều chỉnh cụ thể hơn với chín hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng pháo, so bốn hành vi chung chung như trước đây. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh, pháo nổ vẫn bị cấm sử dụng. 

Sau khi NĐ 137 có hiệu lực thi hành, nhiều người dân tỏ ra ủng hộ khi biết sẽ được sử dụng pháo, vì cho rằng đây là nhu cầu thiết thực. Anh Lê Ngọc Chung (Ninh Hiệp, Hà Nội) cho biết: “Trước đây, việc đốt pháo vào các dịp Tết, khai trương, khánh thành, sinh nhật… là chuyện bình thường. Có tiếng pháo nghe cũng vui tai”.

Cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại về nguy cơ mất an toàn cháy nổ, ô nhiễm, mất an ninh, trật tự. Sinh viên Phạm Ngọc Hoa cho ý kiến: “Mình từng bị mấy bạn nam trêu ném pháo vào phòng, lúc đó rất sợ vì tiếng nổ rất lớn, chiếc giẻ dưới sàn cũng sém cháy, may mà không sao. Giờ được đốt pháo hoa như thế này tôi cũng e ngại các bạn trẻ dễ ném pháo vào người khác, gây nguy hiểm!”. Còn bác Trần Đức Chiều (Hoàng Mai, Hà Nội) thì hoàn toàn không đồng ý với việc này. “Giờ cho đốt pháo hoa như thế mấy thanh niên nghịch ngợm có mà phá làng, phá xóm. Tôi hoàn toàn không đồng ý”, bác nói. 

Theo quy định tại Điều 3, Khoản 1b, NĐ 137 là: “Sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, mầu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ”. Đây là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Trên thực tế, loại pháo hoa này người dân đã sử dụng trong dịp cưới hỏi, sinh nhật trước khi NĐ 137 ra đời. 

Còn loại pháo nổ là sản phẩm khi có tác động của xung kích thích cơ, điện, nhiệt, hóa tạo ra tiếng rít, tiếng nổ và tạo hiệu ứng, ánh sáng mầu sắc trong không gian. Nếu người dân sử dụng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính. Bên cạnh đó, NĐ 137 cũng quy định chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa.