Cẩn thận mất tiền vì... nghe điện thoại

Bạn đọc viết:

Đào Hồng Nhung (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên)

Ngày nay, sự phát triển của công nghệ thông tin đã mang đến muôn vàn tiện ích và đồng thời cả những mặt trái kèm theo. Ở nước ta, đã có rất nhiều vụ việc lừa đảo qua mạng internet, qua điện thoại bị phanh phui, nhưng dường như không ít người vẫn vô tình tạo cơ hội trục lợi cho kẻ xấu.

Ở khu dân cư nơi tôi ở, những ngày gần đây rộ lên vụ việc lừa đảo bằng cách rút tiền từ tài khoản ngân hàng qua cây ATM. Cụ thể, kẻ gian bắt đầu “màn kịch” bằng cách gọi điện cho người bị hại, tự xưng là nhân viên của ngân hàng nơi người này sở hữu tiền gửi và nêu một số thông tin đại loại như tên trụ sở, địa chỉ ngân hàng để chiếm lòng tin. Tiếp theo, chúng vờ thông báo việc “một người nào đó” đã chuyển tiền vào số tài khoản của nạn nhân nhưng không rõ danh tính, và hiện tại đang cần xác minh thông tin của nạn nhân để “hoàn tất các thủ tục cần thiết”. Kế đến, chúng tiếp tục “ru ngủ” nạn nhân bằng những lời đường mật như “chỉ cần anh/chị đang cầm thẻ ATM là được” hay “anh/chị yên tâm vì mọi thông tin sẽ được bảo mật tuyệt đối”, đồng thời không quên trộn lẫn với một vài câu hỏi khác tưởng chừng rất vu vơ để đánh lạc hướng... Bằng cách này, kẻ gian sẽ dụ dỗ các nạn nhân cung cấp đầy đủ số thẻ, thời gian lưu hành thẻ và thậm chí cả mã xác minh thẻ (CVV) hay mật khẩu sử dụng một lần (OTP). Tất nhiên, chỉ một lúc sau là số dư tài khoản của nạn nhân sẽ bị rút sạch. Có người chỉ mất một vài trăm nghìn đồng, nhưng cũng có người đã bị lừa tới hàng chục triệu đồng chỉ trong thời gian ngắn.

Câu chuyện “tiền mất, tật mang” nêu trên phần lớn là do sự nhẹ dạ cả tin, thiếu cảnh giác của nạn nhân. Thế nhưng, các ngân hàng cũng phải có trách nhiệm trong nguyên nhân sâu xa về công tác bảo mật thông tin khách hàng, tránh để người dân rơi vào bẫy chỉ vì kẻ gian sở hữu số điện thoại và tên ngân hàng của nạn nhân.