Cách cho sao hiệu quả?

Cả nước cùng hướng về miền trung, nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa bão. Đã hơn chục ngày qua, các cán bộ xã, thôn đều dầm mưa, lội lụt để hỗ trợ dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều điều mà người dân mong chờ để việc trợ giúp trở nên căn cơ, thiết thực hơn.

Người dân xã Việt Tiến, Thạch Hà, Hà Tĩnh đã nấu được 2.500 suất cơm chuyển đến người dân các vùng bị ngập lụt. Ảnh: TTXVN  
Người dân xã Việt Tiến, Thạch Hà, Hà Tĩnh đã nấu được 2.500 suất cơm chuyển đến người dân các vùng bị ngập lụt. Ảnh: TTXVN  

Sáng 21-10, chị Lương Bích Ngọc, thành viên một đoàn cứu trợ có mặt tại UBND xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình sau lụt. Chị Ngọc cho biết, các xã nơi chị qua trong nhà, ngoài vườn, trên đường… đều ngập ngụa rác và bùn. Bùn đặc quánh quện chặt vào tường, bàn ghế, tủ, giường. Vùng lụt, dân đã khổ, cán bộ càng khổ. Hằng ngày, họ phải dầm mưa lội lụt, để hỗ trợ dân. Nhóm này dọn trường học, nhóm kia dọn trụ sở làm việc, trạm y tế. Trong ngày họ cũng tiếp không biết bao đoàn thiện nguyện đến với mì tôm, gạo. “Chỉ nghĩ đến chuyện lên danh sách để chia đã muốn ốm, nhưng không ai dám than, dám tỏ ra mệt mỏi!”. Chính vì thế, cán bộ thôn, xã ở các nơi lũ lụt miền trung đa số phải trẻ, khỏe.

Chị Ngọc chia sẻ: Thời điểm này, các đoàn cứu trợ nên liên hệ trước với chính quyền (ít nhất là cán bộ xã). Hãy cùng bàn để hỗ trợ các hộ dân đỡ cực sau lũ, lụt như mua lại cái nồi cơm bị hư, mua lại con bê, con trâu, con lợn, đàn gà giống, biếu người già ít thuốc bổ… Như vậy, người dân được giúp đỡ một cách căn cơ hơn. Theo chị Ngọc, sau áo phao, thì hiện nay, các địa phương rất cần máy bơm để thau rửa nhà cửa. Mỗi xã vùng lụt, rất cần một đến hai cái máy bơm và giao cho Đoàn thanh niên thực hiện thau rửa trụ sở và giúp dân dọn dẹp nhà cửa…

Cũng liên quan đến hoạt động cứu trợ người dân vùng lũ, nhà báo Dương Sông Lam sống tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cho biết, ngày qua, tại ngã ba Cam Liên, Lệ Thủy, Quảng Bình hàng trăm xe xếp hàng dài vì kẹt đường. Hầu hết các xe đều chở cơm, bánh… Người dân nhận ít hơn người cho. Trong khi, các điểm dọc quốc lộ 1A, dọc các đường tránh, có người nhận được ba đến bốn suất ăn sáng, có nơi lại thèm ổ bánh mì vì không có. Rất nhiều nơi đang thật sự cần nguồn hỗ trợ như các xã dọc đường Hồ Chí Minh, các nơi vùng trũng, các bệnh viện… nhưng lại khó tiếp cận.

Cùng quan điểm chị Ngọc, anh Lam cho rằng, sau lũ, nên hỗ trợ vốn cho dân để họ mua con giống, cây trồng, sửa lại mái nhà, mua cái nồi, cái bếp, mua sách vở cho trẻ em… “Tấm lòng thiện nguyện của mọi người là rất cao cả, đáng trân trọng. Nhưng “của cho không bằng cách cho. Từ thiện khó nhất là đưa đến nơi cần thiết, chứ không  phải là trao xong là mừng!”, anh Lam tâm tư.

Trong thời gian qua, nhiều cá nhân, tổ chức làm thiện nguyện để hỗ trợ, cứu giúp đồng bào miền trung ruột thịt. Và rất nhiều các nhóm thiện nguyện khác đang đổ về miền trung cứu giúp một cách âm thầm. Những hoạt động của họ là chung tay với các chiến sĩ, cán bộ nhà nước. Nhưng thực tế, những hoạt động thiện nguyện  đó của người dân đều đang mang tính tự phát bởi theo Nghị định số 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Chỉ các cơ quan nhà nước, các tổ chức được cấp phép tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ…

Trước truyền thống tương thân tương ái từ bao đời nay của dân tộc và thực tế, mỗi khi thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh… xảy ra, nhân dân cả nước ta lại đồng lòng, góp sức chia sẻ khó khăn cho các địa phương và nhân dân vùng bị ảnh hưởng. Sự góp sức đó đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước cũng như đến tay các đối tượng rất kịp thời. Như vậy, những bất cập giữa hoạt động thiện nguyện trong thực tế cuộc sống và văn bản quy định hay những quy định không còn phù hợp với thực tiễn cần được sửa đổi kịp thời.

Để chủ động phòng tránh dịch trong mùa mưa bão, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như sau:

1.   Bảo đảm lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

2.  Thường xuyên rửa tay với xà-phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

3.  Vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô-tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.

5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.

6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

7. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

8. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.