Bức xúc tình trạng bảo vệ “nhái” lực lượng chức năng

Bạn đọc viết:

Hoàng Thục Anh (quận Tây Hồ, Hà Nội)

Những năm gần đây, ở các thành phố lớn xuất hiện nhiều công ty bảo vệ. Không chỉ gói gọn tại khu vực chung quanh trụ sở các doanh nghiệp hay nhà riêng, những công ty này còn cung cấp các dịch vụ bảo vệ, an ninh đi kèm sự kiện, chương trình tại các địa điểm công cộng. Trong số này, không hiếm công ty cho nhân viên cố tình sử dụng đồng phục “na ná” những loại trang phục của các lực lượng chức năng. Dễ thấy nhất là những bộ quần áo “nhái” y hệt trang phục của lực lượng cảnh sát cơ động. Cũng mầu tím than, túi hộp, rồi đến cúc áo, ve áo... và thậm chí những miếng phản quang đều được bắt chước y hệt. Chưa hết, các công ty bảo vệ này còn trang bị thêm cho nhân viên cả mũ, giày và một số loại công cụ hỗ trợ như bộ đàm, dùi cui... với mục đích “sao y bản chính”.

Nếu không để ý kỹ, nhiều người chắc chắn không thể phân biệt được “thật - giả”. Đáng nói là, bên cạnh trang phục “nhái”, những nhân viên này còn thường xuyên tỏ thái độ rất trịch thượng, hống hách với người dân cho dù chẳng ai làm gì sai. Thí dụ như ở các sự kiện dù rõ ràng được tổ chức ở nơi công cộng, không hề có biển cấm hay thông báo hạn chế của các cơ quan chức năng, nhưng họ sẵn sàng quát tháo, dọa nạt, không cho người dân ra vào.

Theo tôi được biết, Thông tư số 42/2017/TT-BCA của Bộ Công an đã quy định chi tiết về đồng phục đối với nhân viên dịch vụ bảo vệ. Ngoài ra, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định rất rõ việc xử phạt vi phạm về hành vi “Trang bị các đồng phục cho nhân viên dịch vụ bảo vệ trái quy định”. Đề nghị các lực lượng chức năng nhanh chóng điều tra, xử lý thật nghiêm những vụ việc tương tự, tránh để xảy ra tình trạng “bát nháo”, lợi dụng hình ảnh để trục lợi. Bởi sự thật, tôi đã từng gặp và không thể phân biệt nổi “thật giả” tại những sự kiện có sự xuất hiện của cả lực lượng cảnh sát cơ động và những công ty bảo vệ kiểu như vậy.