“Bóng cười” vẫn nhan nhản

Bạn đọc viết:

Phạm Hưng Thịnh (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội)

Đối với những người dân tại các khu đô thị, sự nguy hại của “bóng cười” chắc không còn gì xa lạ. Mặc dù thời gian qua, các lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân xử lý, nhưng dường như tình hình kinh doanh mặt hàng cấm này đang diễn biến ngày càng phức tạp, được ngụy trang tinh vi hơn.

Nếu như trước đây, “bóng cười” xuất hiện rất nhiều ở các khu phố cổ lúc tối trời, hoặc nhiều lúc ngang nhiên có mặt trên vỉa hè khu đô thị, thì nay đã lui vào trang mạng xã hội của các quán cafe hoặc chỉ được “truyền miệng” địa điểm qua tai các “dân chơi”. Điển hình như ở tuyến phố Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội), không ít tụ điểm “chơi bóng” được ngụy trang bằng những quán cafe rất bình thường. Thế nhưng, một “dân chơi” quen mặt sẽ dễ dàng tìm được đường lên tầng hai hoặc tới những căn phòng đặc biệt phía sau. Đặc biệt, có địa điểm ban ngày hoàn toàn bình thường, nhưng kể từ 22 - 23 giờ đêm đến sáng lại “lột xác” thành “điểm hẹn” cho nhiều thanh niên đến ăn chơi, nhảy múa, hít bóng. Bóng cười mà các “dân chơi” sử dụng có giá không hề rẻ, dao động từ 150 - 180 nghìn/quả. Thế nhưng, mỗi nhóm ba - bốn bạn trẻ đến đây thường phải sử dụng từ 10 - 20 quả mới “đủ đô”.

Những tụ điểm ăn chơi như vậy ngày càng xuất hiện nhiều, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân khu vực. Người lao động sau cả ngày làm việc mệt mỏi, tới ban đêm lại phải nghe nhạc “sàn” chát chúa cùng những tiếng la hét ầm ĩ của các “dân chơi”. Người già, trẻ em lại càng thêm phần khổ sở.

Được biết, từ tháng 5-2019, Bộ Y tế đã có văn bản nhất trí với đề nghị của UBND thành phố Hà Nội về việc cấm sử dụng khí N2O có trong “bóng cười” vì những tác hại khôn lường ảnh hưởng tới hệ thần kinh con người. Đến nay đã được gần một năm, nhưng không hiểu sao “bóng cười” vẫn xuất hiện nhan nhản?