Bảo đảm an toàn cho điểm đến mới

Việc hai bạn trẻ thiệt mạng khi khám phá Mũi Đôi - cực Đông (Vạn Ninh, Khánh Hòa), một lần nữa đặt dấu hỏi về cách làm du lịch ở những điểm đến hoang sơ của Việt Nam. Trách du khách chủ quan, nhưng cũng nên trách cả những nhà quản lý lơ là.

Để chinh phục Mũi Đôi cần phải trải qua nhiều thử thách, đòi hỏi sự bảo đảm về sức khỏe.
Để chinh phục Mũi Đôi cần phải trải qua nhiều thử thách, đòi hỏi sự bảo đảm về sức khỏe.

Hoang sơ: Tiêu chí du lịch - dấu hỏi an toàn

Chỉ cách đây vài ngày, hai bạn trẻ ở TP Hồ Chí Minh đã thiệt mạng trên biển khu vực Hòn Gầm (thôn Đầm Môn, Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa). Đây là một khu vực bãi biển đẹp, hoang sơ và đang thu hút những du khách trẻ ưa khám phá thời gian qua. Chính quyền địa phương cũng cho hay vào thời điểm hiện tại, khu vực này sóng lớn, nước sâu, lại nhiều đá ngầm. Không phải lần đầu tiên ở đây xảy ra chuyện thương tâm. Vài năm trước, một nữ du khách đã phát bệnh và qua đời trên đường đến cực Đông Mũi Đôi (Vạn Ninh). Quãng đường qua đồi cát hơn 10 km khá khó khăn và mệt mỏi, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt miền trung. Thế nhưng những người dân ở đây cho hay vẫn có những đoàn khách dù đã được cảnh báo vẫn cố thử, mang theo cả trẻ con, người có bệnh. Toàn bộ khu vực này đều do các cá nhân, công ty du lịch làm tự phát, không có bảo hiểm hay cứu hộ.

Ở Khánh Hòa, nhiều địa điểm mới ngoài Nha Trang đã được chia sẻ trên các trang mạng, các công ty tổ chức đón đưa khách năm - sáu năm nay nhưng vẫn thuộc thành phần “chưa phải tour tuyến chính thức”. Chẳng hạn như con đường cát giữa biển Điệp Sơn, theo thông tin từ Hiệp hội du lịch tỉnh, mới chỉ có hai công ty đăng ký tour. Trong khi chỉ cần lên mạng tìm kiếm sẽ thấy hơn chục công ty quảng cáo tuyến ba đảo có Điệp Sơn.

Không chỉ Khánh Hòa, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, các điểm đảo hoang sơ hấp dẫn luôn mời gọi du khách. Điều này đồng nghĩa ở các điểm này đẹp thì có đẹp, nhưng hạ tầng chưa đồng bộ, dịch vụ kém, độ an toàn không cao. Anh Mai Văn An, một du khách từ Cam Ranh (Khánh Hòa) đã kể lại câu chuyện “hút chết” của anh khi bơi tại Mũi Dinh (thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận). Đây là khu vực mới đưa vào khai thác du lịch không lâu. Biển Mũi Dinh đẹp, bờ cát trắng mịn, lại có cả đồi cát thích hợp cho các dịch vụ trượt cát nên rất được lòng du khách. Tuy nhiên theo anh An: “Cuối năm biển khu vực miền trung nói chung và Mũi Dinh thường có sóng lớn. Điều này cũng đồng nghĩa việc dòng chảy ra cũng rất lớn. Hôm đó mình bị dòng chảy đẩy ra xa và phải vật lộn chừng 15 phút. May mắn là mình thoát được dù máu đã xuống chân nặng trĩu, may không bị chuột rút”. Anh An cũng cho hay khu vực chính giữa bãi tắm khá nguy hiểm, có dòng chảy xoáy nhưng không hề thấy biển cảnh báo. Thời điểm gặp nạn, anh An chỉ thấy có ngư dân và một vài du khách, không có bóng dáng lực lượng cứu hộ.

Cần phải nhấn mạnh, đây không phải là các điểm đến du khách tự tìm, mà là các tour đã nằm trong danh sách và được quảng cáo từ nhiều công ty du lịch. Vậy là du khách, khi muốn khám phá một điểm du lịch mới, thường phó mặc số phận cho may rủi, hoặc phải tự tỉnh táo mà rút lui khi cần thiết.

Buông lỏng quản lý hay chưa với tới?

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa cho hay, tuyến du lịch khám phá Mũi Đôi mặc dù đã được liệt kê trong danh sách các tuyến du lịch của Khánh Hòa, nhưng đến giờ vẫn chưa có kế hoạch khai thác chính thức. Mặc dù Mũi Đôi đã được công nhận là điểm đón bình minh đầu tiên trên đất liền tại Việt Nam, và là điểm đến có tính biểu tượng - một cơ sở đón khách rất thuận lợi cho Khánh Hòa. Hoạt động này diễn ra đã nhiều năm qua, lượng khách đổ về đây mỗi ngày một đông. Không có con số thống kê cụ thể vì chưa có tuyến chính thức nhưng Nghĩa, một người dân kiêm hướng dẫn viên cho hay, mỗi ngày anh đều dẫn một - hai đoàn khách, hầu như ngày nào cũng có khách, kể cả khi thời tiết xấu. Để hoạt động tự phát tới năm - sáu năm, thì cần phải đặt dấu hỏi cho chính quyền địa phương.

Ngay cả những hoạt động du lịch đã có tiếng, nằm trong tour được Sở Du lịch tỉnh cấp phép, cũng cho thấy sự lơ là quản lý. Tour lặn biển từ lâu đã là điểm nhấn đặc biệt ở Nha Trang với hai điểm Hòn Mun và vịnh San Hô. Thế nhưng, đi cùng với sự bùng nổ của các công ty lặn, sự sụt giảm đáng kể của du khách nước ngoài, số lượng thợ lặn Nha Trang hiện nay đã ở mức bão hòa, thậm chí có thời điểm thợ lặn đông hơn cả khách. Mặc dù đã có quy định và mức giá tối thiểu để tránh tour lặn sẽ bị rơi vào thảm cảnh “của rẻ là của ôi” như các tour tham quan đảo trước đó, nhưng để giảm thiểu chi phí, hút khách, nhiều công ty lược bỏ nhiều yêu cầu tối thiểu.

Dường như, mức độ quản lý của địa phương, luôn đi sau sự phát triển của ngành du lịch. Rõ ràng, cần phải xem lại quy hoạch tour tuyến và lộ trình hoạt động với từng địa phương để hạn chế những rủi ro ở các điểm đến.