Xoay nhẹ môn Ngoại ngữ

Vậy là học sinh đã được trở lại trường học sau một kỳ nghỉ Tết và học trực tuyến để phòng tránh dịch bệnh.

Không ít phụ huynh thở phào, như được giải phóng! Thế nhưng, một số thông tin mới lại lập tức khiến các phụ huynh phải quan tâm đến thế giới học đường. Không quan tâm không được, bởi mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã quyết định đưa môn tiếng Hàn, tiếng Đức để thí điểm là ngoại ngữ thứ nhất trong Chương trình giáo dục phổ thông.

Trong quyết định này, môn tiếng Hàn và tiếng Đức được Bộ xác định là ngoại ngữ thứ nhất. Tuy nhiên, trong phần “đặc điểm môn học” viết: “Môn tiếng Hàn - ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12”.

Đọc quyết định này (có hiệu lực từ ngày 9-2-2021), nhiều phụ huynh hiểu rằng môn tiếng Hàn sẽ trở thành môn học ngoại ngữ bắt buộc chứ không phải tiếng Anh như hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng băn khoăn lo lắng rằng kể cả học sinh không có nhu cầu học tiếng Hàn cũng sẽ phải học ngoại ngữ này như một môn học bắt buộc…

Tuy nhiên, đại diện Bộ GD&ĐT đã giải thích rằng, Quy định của Chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2006 cho phép học sinh được lựa chọn một trong bốn ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung làm ngoại ngữ thứ nhất. Năm 2011, Bộ GD&ĐT bổ sung quy định về việc tiếng Nhật được dạy và học trong trường phổ thông như ngoại ngữ thứ nhất hoặc ngoại ngữ thứ hai tùy theo nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học. Còn “ngoại ngữ thứ hai” là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc, tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, các trường phổ thông có thể bố trí dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Nhưng việc bổ sung tiếng Hàn, tiếng Đức vào ngoại ngữ thứ nhất có thể ví như một sự “nới rộng” để giúp cho các địa phương dễ bề xoay xỏa, lựa chọn chứ không có nghĩa tiếng Hàn sẽ trở thành môn học bắt buộc, thay cho tiếng Anh, tiếng Pháp. 

Trước mắt, áp lực sẽ xuất hiện ở một số địa phương để chuẩn bị chương trình, giáo viên. Áp lực cũng sẽ đè nặng lên phụ huynh một khi địa phương sẽ lựa chọn môn học ngoại ngữ mới. Bởi ngay cả với tiếng Anh, thì việc rèn giũa con học đã khó, huống hồ giờ đây cha mẹ cũng cần phải biết tiếng Hàn, tiếng Đức mới có thể đồng hành cùng con.

Thực tế cho thấy, trong nhiều thập niên qua, việc đào tạo hơi nghiêng về tiếng Anh, tiếng Pháp đã cho chúng ta một nguồn nhân lực khá dồi dào, trong khi đó tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Đức lại chưa nhiều. Việc “xoay nhẹ” này thể hiện một “tầm nhìn xa” nhưng cần phải được chuẩn bị kỹ càng khi thực hiện.